Tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ II

Lễ tưởng niệm các nạn nhân Do Thái trong Chiến tranh thế giới thứ II (Holocaust) diễn ra tại Hà Nội ngày 27/1/2021, với sự đồng tổ chức của Đại sứ quán Israel tại Việt Nam, Đại sứ quán Đức tại Việt Nam và trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn và Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra tại buổi lễ.

Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, Đại sứ Đức tại Việt Nam Guido Hildner, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hoàng Anh Tuấn và Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra tại buổi lễ.

Ngày 27/1 hằng năm được Liên hợp quốc chọn là ngày Quốc tế tưởng niệm nạn nhân Do Thái trong Thế chiến II, bởi ngày đó trong năm 1945 là ngày trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc xã được giải phóng. Trong cuộc chiến tranh này, hơn 6 triệu người Do Thái đã bị Phát xít Đức sát hại tại châu Âu chỉ vì họ là người Do Thái.

Buổi tưởng niệm có sự tham dự của Đại sứ Israel tại Việt Nam Nadav Eshcar, Đại sứ Đức tại Việt Nam - Tiến sĩ Guido Hildner, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn và Điều phối viên thường trú LHQ tại Việt Nam Kamal Malhotra.

Tại buổi lễ, các đại biểu cũng tiến hành nghi thức thắp nến tưởng niệm nạn nhân Holocaust tượng trưng, một truyền thống của Israel và người Do Thái trên khắp thế giới.

Cũng tại buổi lễ, bộ phim Đức “Vernichtet” (Bị tàn sát) được trình chiếu với khán giả. Tưởng niệm Holocaust là hoạt động thường niên của Israel tại Việt Nam. “Vernichtet” (Bị tàn sát) của đạo diễn Andreas Christoph Schmidt kể câu chuyện của gia đình góa phụ Rosa Labe và 3 người con ở làng Glambeck, Brandenburg, Đức. Từ năm 1938, gia đình Labe bị Đức Quốc xã xé lẻ, bị bóc lột ở nhiều nơi khác nhau, miễn là họ còn là những công cụ lao động hữu ích. Họ bị sát hại, hoặc mất tích mà không được gặp lại nhau. Chặng đường khổ đau của nhà Labe là ví dụ tiêu biểu về những gì các nạn nhân của phát xít Đức đã phải trải qua.

Sự kiện tưởng niệm Holocaust hằng năm của Israel ở Việt Nam hy vọng giúp người dân Việt Nam có thêm hiểu biết và đồng cảm với các nạn nhân Holocaust./.

Minh Anh

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/tu-tuong-van-hoa/tuong-niem-cac-nan-nhan-do-thai-trong-chien-tranh-the-gioi-thu-ii-573653.html