Tưởng niệm 73 năm Ngày bom nguyên tử ném xuống Hiroshima

Sáng 6-8, thành phố Hiroshima (Nhật Bản) tổ chức lễ tưởng niệm nhân 73 năm Ngày quả bom nguyên tử ném xuống thành phố này. Tại buổi lễ, ông Kazumi Matsui, Thị trưởng Hiroshima đã phát biểu kêu gọi vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân thông qua đối thoại. Buổi lễ tưởng niệm có sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe.

Một phút mặc niệm diễn ra đúng vào 8 giờ 15 phút sáng ngày 6-8, tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình, Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Tomoki Mera/Nikkei Asian Review.

Đúng 8 giờ 15 sáng (giờ địa phương), những người tham dự đã dành một phút mặc niệm tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình, nơi diễn ra lễ tưởng niệm.

“Nếu nhân loại quên đi lịch sử, cũng như dừng soi chiếu lại lịch sử, chúng ta rất có thể sẽ lặp lại một lỗi lầm khủng khiếp. Nhật Bản cần phải hướng cộng đồng quốc tế tới đối thoại và hợp tác, nhằm hướng đến một thế giới không còn vũ khí hạt nhân”, Thị trưởng Matsui phát biểu.

Tại lễ tưởng niệm, Thủ tướng Shinzo Abe cam kết Nhật Bản sẽ trở thành cầu nối giữa các cường quốc hạt nhân cũng như những nước phi hạt nhân, đồng thời đóng vai trò dẫn dắt trong những nỗ lực quốc tế nhằm hướng đến một thế giới không còn vũ khí hạt nhân. “Duy trì ba nguyên tắc phi hạt nhân, Nhật Bản quyết tâm thực hiện với những nỗ lực không ngừng nghỉ để đóng vai trò cầu nối giữa các bên”, ông Abe khẳng định.

Trong bức thư gửi, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cho rằng, “di sản Hiroshima” chính là khả năng hồi sinh kỳ diệu, và tìm kiếm những sự tiếp tục ủng hộ đạo đức từ những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử.

Cách đây 73 năm, cũng vào đúng 8 giờ 15 phút sáng ngày 6-8-1945, quả bom nguyên tử mang tên “Little Boy” đã phát nổ trên bầu trời thành phố Hiroshima, cướp đi sinh mạng của hàng chục nghìn người. Tính đến cuối năm 1945, số nạn nhân thiệt mạng đã lên đến hơn 140 nghìn người.

Công viên Tưởng niệm Hòa Bình, Hiroshima, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo News.

Tính đến tháng 3-2018, theo thống kê, có khoảng 155 nghìn “hibakusha” còn sống (hibakusha - những người sống sót sau vụ nổ bom nguyên tử), với độ tuổi trung bình của các hibakusha là 82.

Bà Tomie Makita, năm nay 88 tuổi, là người đến Công viên Tưởng niệm Hòa bình hằng năm vào đúng ngày 6-8 để tưởng nhớ đến những người bạn của bà đã thiệt mạng trong vụ ném bom. Bà Tomie Makita chia sẻ, trong một thời gian dài, bà cảm thấy rất đau buồn mỗi lần nhớ về vụ ném bom. Nhưng vài năm trở lại đây, bà Makita bắt đầu cảm thấy cần phải chia sẻ những ký ức đau buồn này với những đứa cháu của mình.

“Bọn trẻ không thể hình dung được về sự việc, nó giống như một thế giới hoàn toàn khác. Nhưng điều quan trọng là phải tiếp tục kể cho bọn trẻ nghe về việc này”, bà Makita chia sẻ.

QUỐC DŨNGTheo: Kyodo, Japan Today, Nikkei Asian Review.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/thegioi/item/37232902-tuong-niem-73-nam-ngay-bom-nguyen-tu-nem-xuong-hiroshima.html