Tưởng niệm 50 năm ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát: Không ai chôn vùi quá khứ

Trở lại Quảng Ngãi dự Lễ Tưởng niệm 50 năm (16.3.1968 – 16.3.2018) ngày 504 thường dân Sơn Mỹ bị thảm sát, ông Mike Hastie đứng thẫn thờ hàng giờ liền trước những bức ảnh về vụ thảm sát.

Ông Mike Hastie tại lễ tưởng niệm 50 năm ngày 504 dân thường Sơn Mỹ bị thảm sát. Ảnh: T.H

Tay nắm chặt bức ảnh chiếc trực thăng được vẽ lên chữ “Why” (tại sao), ông bảo, binh lính Mỹ và người dân đã bị chính phủ của họ lừa dối...

Bị lừa dối

Trước vài ngày diễn ra Lễ Tưởng niệm ngày 504 dân thường Sơn Mỹ bị thảm sát (thảm sát Mỹ Lai), hàng ngàn người dân, cựu binh Mỹ, du khách… về Khu chứng tích Sơn Mỹ (xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Trong số những cựu binh Mỹ trở lại Sơn Mỹ lần này có ông Mike Hastie - từng là phóng viên ảnh đi theo đoàn chăm sóc y tế ở chiến trường An Khê (tỉnh Gia Lai) trong năm 1970-1971.

Đưa tấm ảnh có chiếc trực thăng với chữ "Why" (tại sao?), ông Mike Hastie phân trần, đây là dòng chữ mà lính Mỹ đã vẽ lên chiếc trực thăng để bày tỏ sự thất vọng và giận dữ vì bị chính phủ lừa dối rằng, vũ khí là thứ mạnh nhất trong chiến tranh. “Nhưng cuối cùng lại nhận lấy thất bại thảm hại” - ông Mike Hastie nói.

Ông Mike Hastie cho biết, ông trở lại Việt Nam và đến Mỹ Lai lần thứ 3 để tìm hiểu về những tội ác binh lính Mỹ gây ra ở Mỹ Lai và nhiều nơi khác. "Tôi rất vui mừng vì năm nay có hơn 60 cựu binh Mỹ thuộc tổ chức Veterans For Peace (Cựu chiến binh vì hòa bình) đến Việt Nam, họ đến để đối diện với tội ác, chung tay hàn gắn vết thương chiến tranh.

Mỗi người lính Mỹ đều mang mặc cảm tội lỗi vì những gì mà họ đã làm trong chiến tranh. Vụ thảm sát Mỹ Lai đã là quá khứ, nhưng mỗi lần nhắc đến, binh lính và người dân Mỹ luôn thấy khó khăn để đối diện... Ngày nay, chính phủ Việt Nam và chính phủ Mỹ muốn xây dựng quan hệ tốt để phát triển kinh tế - xã hội.

Nhưng tôi muốn nói với người dân Việt Nam rằng, không vì thế mà bỏ lại quá khứ phía sau. Chúng ta phải cho thế hệ tương lai biết về vụ thảm sát Mỹ Lai. Nếu như chúng ta cố chôn vùi lịch sử, cố che lấp tội ác trong quá khứ thì cũng giống như chúng ta đang vùi lấp công sức của những người anh hùng đã ngã xuống vì quê hương"- ông nói.

Tạo dựng lại quan hệ

Trở lại Sơn Mỹ lần này còn có ông Ronald Haeberle - phóng viên chiến trường của quân đội Mỹ, người chụp và công bố những bức ảnh chấn động về vụ thảm sát. Đây là lần thứ 6, ông trở lại Sơn Mỹ. Bức ảnh về vụ thảm sát được công cố vào năm 1969 và đã tạo bước ngoặt trong nhận thức của người dân Mỹ về cuộc chiến mà chính phủ đang gửi con em họ đến. Trước đó, không ai tin binh lính Mỹ có thể giết người già, phụ nữ và trẻ em.

"Chưa bao giờ hối hận khi công bố những bức ảnh về tội ác của binh lính Mỹ. Vụ thảm sát Mỹ Lai đến nay vẫn không được đề cập nhiều trong sách giáo khoa ở Mỹ. Người Mỹ muốn bỏ lại quá khứ phía sau và xây dựng quan hệ tốt với Việt Nam. Bài học: Chiến tranh là địa ngục" - Ronald Haeberle nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm với ông Mike Hastie, cựu binh Mỹ - ông Josept Volpe, hiện là giáo sư một trường đại học ở Mỹ - cho rằng, giới trẻ Mỹ ngày nay biết rất ít về chiến tranh Việt Nam. "Tôi nghĩ, các sinh viên cần biết về những gì mà chính phủ đã gây ra cho nhân dân Việt Nam" - ông nói.

TRẦN HÓA

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/thoi-su/tuong-niem-50-nam-ngay-504-thuong-dan-son-my-bi-tham-sat-khong-ai-chon-vui-qua-khu-596190.ldo