Tưởng nhớ thầy Trần Hoán

Được tin thầy Trần Hoán từ trần, tôi không khỏi bàng hoàng, hụt hẫng. Vốn là tôi có ý định đến thăm thầy nhưng vì vướng dịch Covid-19 nên cứ lần lữa mãi, chưa đến được. Nào ngờ thầy đã ra đi…

Tôi biết thầy Trần Hoán khi vào học Khoa Ngữ văn của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội I khóa 19 (1969 – 1973).Thầy dạy tôi phần cú pháp, bộ môn ngôn ngữ học. Tôi vốn nhút nhát, đối với các thầy cô hồi ấy chỉ có "kính nhi viễn chi" chứ chả bao giờ dám bén mảng tới gần làm quen hoặc chia sẻ điều gì. Vậy nên ấn tượng của tôi về thầy hồi ấy chưa có gì sâu sắc.

Rồi cuộc đời run rủi thế nào tôi lại được gặp thầy ở Khoa Ngữ văn. Số là thầy được Bộ Giáo dục tăng cường điều động vào công tác tại Trường ĐH Sư phạm TPHCM năm 1976 thì năm 1977, tôi tốt nghiệp ĐH Sư phạm Hà Nội I và cũng được điều động vào công tác tại đây cùng với một vài anh chị em khác. Là đồng nghiệp và công tác cùng khoa với thầy, tôi có điều kiện gần gũi và hiểu biết về thầy nhiều hơn.

Bấy giờ, thầy đảm nhiệm vai trò Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ học và Bí thư Chi bộ khoa. Năm tháng qua đi, ấn tượng về thầy ngày càng sâu đậm trong tôi mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn nhớ: tác phong giản dị, tính tình hiền lành, cử chỉ mực thước, giọng nói chậm rãi, rành rọt và luôn chu đáo với đồng chí, đồng nghiệp. Nói chung thầy là một con người sống rất đạo đức và dễ gần.

Ai đã từng tiếp xúc với thầy, dù chỉ là lần đầu đều cảm thấy bình yên, tin cậy. Còn nhớ Khoa Ngữ văn những năm 1987, 1988 có sóng gió bất ổn trong nội bộ, yêu cầu phải nhanh chóng kiện toàn lại bộ máy lãnh đạo khoa. Mặc dù không có học hàm, học vị cao nhưng thầy vẫn được tuyệt đại đa số cán bộ trong khoa tín nhiệm bầu giữ chức vụ trưởng khoa và thầy đã đảm nhiệm chức vụ ấy trong suốt hai nhiệm kỳ từ 1988-1996.

Tôi không cùng chuyên môn với thầy nhưng cũng thường được thầy quan tâm giúp đỡ, động viên, chia sẻ những lúc khó khăn, cô đơn. Còn nhớ cái Tết đầu tiên xa nhà ở TP HCM, tôi và Phạm Văn Phúc còn độc thân, đang trong tâm trạng nhớ nhà da diết, thì được thầy mời về nhà ăn Tết. Mà nhà thầy hồi ấy có giàu có gì. Thì ra thầy đã rất thấu hiểu tâm trạng của chúng tôi khi đó và lặng lẽ an ủi, vỗ về bằng một cử chỉ tự nhiên, thân tình như vậy. Chỉ những ai xa quê trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc mới thấm nỗi cô đơn nơi đất khách quê người và càng trân quý những tình cảm như thầy đã dành cho chúng tôi vào cái Tết năm ấy.

Tôi xây dựng gia đình đầu năm 1981. Lúc bấy giờ, đời sống rất khó khăn mà chúng tôi thì lại đang trong cảnh chồng Nam, vợ Bắc. Tháng 10-1981, chúng tôi có con gái đầu lòng, khó khăn càng thêm chồng chất. Những lúc ấy, thầy thường gặp tôi an ủi, động viên và hứa sẽ nhận vợ tôi về công tác ở tổ bộ môn nếu vợ tôi vào. Tôi nghe lời thầy và cuộc sống của gia đình tôi ổn định dần từ đấy.

Lứa tuổi chúng tôi hồi ấy ai cũng khao khát được đứng vào hàng ngũ của Đảng với suy nghĩ trong sáng. Thầy Trần Hoán cũng là một trong những người đã dìu dắt tôi vào Đảng. Đến bây giờ, tôi vẫn nhớ như in buổi lễ kết nạp tôi vào Đảng ngay tại thao trường của Trường Sĩ quan Lục quân 2 ở Long Thành, Đồng Nai, ngày 13-9-1983 (hồi ấy, tôi đang theo học lớp Sĩ quan dự bị của Trường Sĩ quan Lục quân 2).

Hôm ấy, có các đồng chí trong chi bộ Khoa Giáo dục quốc phòng, thầy Hồ Văn Nho (Bí thư Đảng ủy bộ phận khoa), thầy Trần Hoán (Bí thư Chi bộ khoa Ngữ văn). Buổi lễ giản dị nhưng trang trọng và xúc động. Thầy Trần Hoán đã đọc Nghị quyết của chi bộ và công bố quyết định chuẩn y kết nạp tôi vào Đảng Cộng sản Việt Nam, đồng thời căn dặn tôi tiếp tục phấn đấu cho lý tưởng của Đảng. Tại buổi lễ hôm đó, tôi đã giơ nắm tay tuyên thệ mà lòng xúc động nghẹn ngào, nước mắt rưng rưng.

Bây giờ, tôi đã bước vào ngưỡng tuổi của lớp người "xưa nay hiếm". Ngẫm lại thấy trên mỗi bước trưởng thành của mình đều có bóng dáng của những thầy cô giúp đỡ, dìu dắt. Thầy Trần Hoán là một trong những người thầy như thế. Với thầy, tôi không chỉ học được chữ mà còn học được làm người tử tế. Bây giờ, thầy đã đi xa. Trong trái tim tôi mãi khắc ghi hình bóng của một người thầy đã sống trọn vẹn một cuộc đời thanh bạch, đức độ, khiêm nhường và giàu lòng nhân ái.

BẠCH VĂN HỢP (Nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TP HCM)

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/tuong-nho-thay-tran-hoan-20201015083212565.htm