Tưởng nhớ nhà thơ Xuân Sách

Nhưng không ngờ, anh động viên tôi năm trước thì năm sau, anh cũng bị vướng vào sự phản đối của một số nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, khi anh xuất bản tập thơ nổi tiếng Chân dung nhà văn – được coi là 'quả bom nổ trong thi đàn văn Việt'.

Nhà thơ Xuân Sách

Cách đây 13 năm (2. 6.2008 – 2. 6.2021), nhà văn, nhà thơ Xuân Sách đã về cõi vĩnh hằng. Anh để lại cho đời 13 tác phẩm truyện, truyên ngắn, tiểu thuyết và thơ. Trong đó, người ta biết đến nhiều nhất là hai tác phẩm Đội du kích thiếu niên Đình Bảng (truyện, 1964) và Chân dung nhà văn (thơ, 1992).

Tập thơ Chân dumg nhà văn đã ký họa hình ảnh, thần thái và tính cách của 100 nhà văn nổi tiếng của nền văn học hiện đại nước nhà, trong đó, có cả bài tự họa về anh.

Năm 1985, anh rời Nhà xuất bản Hà Nội, vào làm Chủ tịch Hội Văn nghệ Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, thì hai năm sau, tôi cũng được chuyển vào công tác tại Phân xã TTXVN Đặc khu. Hồi đó, do địa bàn Đặc khu nhỏ, nên các nhà văn, nhà thơ và cánh phóng viên báo chí chúng tôi thường gặp nhau trong các cuộc họp Ban, Ngành của Đặc khu và mọi người đều gần gũi, quen biết nhau.

Đối với tôi, gặp nhà văn Xuân Sách là niềm vinh hạnh bởi tôi rất kính trọng anh, coi anh như một thần tượng vì bài hát nổi tiếng “Đường chúng ta đi” (nhạc Huy Du, thơ Xuân Sách). Trước đó, vào cuối năm 1972, khi Mỹ ném bom B52 ở Hà Nội và Hải Phòng, đất nước ta dường như ở vào thờ kỳ gian nguy nhất, bom đạn rải trên đầu, người dân phải đi sơ tán, mọi thứ đều tập trung cho chiến trường, dân sống trong thời kỳ bao cấp lâu ngày càng trở nên thiếu thốn … Đầu năm 1973, Hiệp định Pa ri được ký kết như đem mùa xuân trở lại với mọi người. Cuộc sống tươi đẹp hẳn lên! Cảm giác sung sướng nhất của chúng tôi lúc đó là được nghe bài hát rất hùng tráng, tha thiết “Đường chúng ta đi”! Mỗi khi bài hát cất lên, ai cũng thấy rạo rực trong lòng. Đối với chúng tôi, những phóng viên được đào tạo phục vụ chiến trường thì, càng trở nên hăng hái, phấn khởi, hùng dũng lên đường, mang theo hành trang là bài hát trên với những câu: “Việt Nam trên đường chúng ta đi. Nghe gió thổi đồng xanh quê ta đó. Nghe sóng biển ầm vang xa tận phía chân trời…”.

Trở lại chuyện Đặc khu VT- CĐ khi anh em chúng tôi vào, tuy Đặc khu nhỏ, nhưng cuộc sống thật sôi động khi xí nghiệp liên doanh dầu khí Việt xô (VSP) bắt đầu khai thác được dầu, lương liên doanh tăng cao, đời sống công nhân và nhân dân Đặc khu được cải thiện đáng kể. Tôi nhớ vào năm 1990, sau khi dự một cuộc họp của tỉnh, anh Xuân Sách đã rủ tôi đi uống nước, nói chuyện. Thực tình, tôi hơi lo vì không biết anh nhà văn, nhà thơ nổi tiếng, Chủ tịch Hội văn nghệ Đặc khu lúc đó, định nói điều gì với tôi đây? Nhưng khi thấy anh nhẹ nhàng, điềm tĩnh, tôi đã yên tâm phần nào. Bất ngờ anh hỏi tôi là tôi có thích tham gia Hội Văn nghệ hay không? Tôi nói luôn:

- Em không vào đâu vì em dốt về văn, thơ lắm.

- Thì cậu làm hội viên Thông tấn, viết tin, bài về sinh hoạt, sáng tác của Hội và có thể được, thì tham gia viết tùy bút, bút ký, ghi chép, truyện ngắn hay mẩu chuyện gì đó…

- Anh biết đấy, em học chuyên ngành về Lịch sử, về phóng viên chiến trường và học cả trường Đảng cao cấp nữa, những ngành đòi hỏi viết về các sự kiện phải có số liệu chân thực, chính xác và tính tư tưởng cao, làm sao có óc tưởng tượng phong phú, tươi mát như các anh nhà văn, nhà thơ được!

- Thôi, trước mắt, cậu cứ tham gia Hội cho vui, sau sẽ tính.

Nhìn anh có đôi mắt hiền từ, nhân hậu, anh lại nói nhẹ nhàng, từ tốn nên tôi không thể chối từ. Và trong cuộc họp tổng kết hàng năm của Hội Văn nghệ Đặc khu (số 129 Hạ Long, nay là trạm Hoa Tiêu VT), tôi đã được ghi tên là hội viên của Hội.

Năm sau, ngày 23.9.1991, tôi viết và đăng bài “Đời sống ở Vũng Tàu sau ngày xí nghiệp VSP tăng lương” đã gây xôn xao dư luận trong Thành phố Vũng Tàu. Ông Thư ký Công đoàn và bà Trưởng ban Nữ công xí nghiệp đã đến cơ quan tôi xin gặp chúng tôi để phản ánh về vấn đề trên, cho rằng vì bài viết của tôi mà các cán bộ công nhân đi giàn khoan lo lắng, không an tâm về vợ con mình. Sau khi trao đổi, hai bên đã thống nhất là phía Liên doanh cần giáo dục chị em, vợ con công nhân của mình đừng vì chồng mình hưởng lương cao mà tỏ thái độ coi khinh những cán bộ ngành khác lương thấp, ngược lại, chúng tôi sẽ không viết tiếp về vấn đề này nữa. Khi nghe tôi kể, anh Xuân Sách đã cười: Các cậu viết bài phản ánh rất đúng, không việc gì phải lăn tăn, lo lắng.

Nhưng không ngờ, anh động viên tôi năm trước thì năm sau, anh cũng bị vướng vào sự phản đối của một số nhà văn, nhất là những nhà văn trẻ, khi anh xuất bản tập thơ nổi tiếng Chân dung nhà văn – được coi là “quả bom nổ trong thi đàn văn Việt”.

Do thích thơ của Nguyễn Bính từ nhỏ (vì những bài ông viết rất gần với nông thôn), nên khi đọc bài thơ về Nguyễn Bính của anh, tôi thấy anh dùng từ ngữ, tên bài viết của Nguyễn Bính để phác thảo chân dung ông tuyệt hay:

Hai lần lỡ bước sang ngang

Thương con bướm đậu trên giàn mồng tơi

Trăm hoa thân rã cành rơi

Thôi đành lấy đáy giếng thơi làm mồ.

Trong giáo trình học văn phổ thông trước đây, đều có tác phẩm Tắt đèn, nên khi đọc bài anh phác họa chân dung Ngô Tất Tố, tôi thấy thật hóm hỉnh, thâm thúy:

Tài ba thằng mõ cỡ chuyên viên

Chia xôi chia thịt lại chia quyền

Việc làng việc nước là như vậy

Lộn xộn cho nên phải tắt đèn.

Và hồi đó, lứa chúng tôi sống với khí thế Trường sơn, thuộc nhiều thơ Phạm Tiến Duật, nên rất thích bài thơ anh họa về Phạm Tiến Duật:

Trường sơn đông em đi hái măng

Trường sơn tây anh làm thơ cho lính

Đời có lúc bay lên vẩng trăng

Lại rơi xuống chiếc xe không kính

Thế đấy! giữa chiến trường

Nghe tiếng bom cũng mạnh!

Nhưng tôi cảm thấy lo lắng cho anh, nhất là bài thơ anh viết về nhà thơ Tố Hữu, một cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, nhà thơ viết về Cách mạng hay nhất. Tôi nghĩ, Tố Hữu đã bị anh “giáng cho một đòn chí tử” nhất là hai câu cuối cùng trong bài phác họa về ông:

Ta đi tới đỉnh cao muôn trượng

Mắt trông về tám hướng phía trời xa

Chân dép lốp bay vào vũ trụ

Khi trở về ta lại là ta

Từ ấy tim tôi ngừng tiếng hát

Trông về Việt Bắc tít mù mây

Nhà càng lộng gió thơ càng nhạt

Máu ở chiến trường hoa ở đây!

Hồi đó, cứ ngỡ thế nào anh cũng bị nhà thơ Tố Hữu lên án, Hội nhà văn kỷ luật, nhưng không! Tôi được biết, sau này, có lần Tố Hữu đã nói: “Anh Xuân Sách viết đúng về tôi”.

Chính nhờ có anh Xuân Sách gợi ý cũng như thông qua tác phẩm của anh, tôi đã học được nhiều về bản lĩnh nghiệp vụ, cách viết, tìm chủ đề để viết. Không phải tự nhiên, tôi là một trong những người viết nhiều về gương các liệt sĩ thương binh nhà báo, những nhà báo lão thành, đàn anh trong cơ quan. Đó chính là tôi đã học từ anh trong viết về các nhà văn. Và từ gợi ý của anh viết mẩu chuyện, tôi đã viết nhiều “chuyện quản lý”: vừa ngắn gọn, dễ đọc vừa có tác dụng đấu tranh chống tiêu cực trong quản lý kinh tế, văn hóa xã hội...

(Năm 2007, tôi nghỉ hưu, nhà văn Trần Đức Tiến cũng nghỉ chức chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh, tôi xin thôi, không sinh hoạt nữa).

Đoàn Việt

Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/tuong-nho-nha-tho-xuan-sach-a3003.html