Tưởng nhớ Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải: Người sống bình dị

Bên cạnh những giọt nước mắt tiếc thương là sự tự hào, yêu thương của người dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, TPHCM đối với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải bởi lối sống bình dị, gần gũi và hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn.

Gia đình, người dân viếng Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

“Yêu quê hương xin cống hiến tuổi già”

Ở xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, người sống gần gũi, thân tình với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải nhất có lẽ là ông Nguyễn Văn Khỏe (86 tuổi, Trưởng ban Di tích lịch sử đình Tân Thông), bởi ông là bạn học thuở thiếu thời và khi về già là người cùng đàm đạo bên bàn trà với nguyên Thủ tướng.

Ông Nguyễn Văn Khỏe òa khóc khi nhắc lại kỷ niệm với nguyên Thủ tướng.

Lật lại những trang kỷ yếu, nhớ lại những kỷ niệm không thể nào quên từ thời còn cắp sách đến trường, ông Khỏe bỗng bật khóc như một đứa trẻ khi kể lại những câu chuyện về nguyên Thủ tướng. Những giọt nước mắt lăn trên gò má đầy những nếp nhăn của ông không chỉ là niềm tiếc thương mà còn là niềm tự hào: “Với người dân xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi và cả TPHCM, sự ra đi của ông Khải là một niềm tiếc thương vô bờ, là mất mát to lớn. Ông không chỉ là nguyên thủ quốc gia mà còn là người sống hết lòng vì dân, vì quê hương đất nước”.

Ông Khỏe kể, thời thơ ấu nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải sống cùng ông ngoại. Thời đó cuộc sống còn nhiều khó khăn, ông Khải theo chân ngoại đi chăn trâu, cắt cỏ để kiếm tiền đi học. Lớn lên ông giác ngộ cách mạng rồi phụng sự đất nước cho đến khi về già. “Là nguyên thủ quốc gia về hưu nhưng ông sống một cuộc sống thật bình dị, gần dân, hết lòng giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn từ công ăn việc làm đến con đường học tập”, ông Khỏe nói.

Anh Nguyễn Thanh Phong (chủ tiệm hớt tóc nhỏ trong làng) bên tấm ảnh chụp với nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Không chỉ vậy, từ khi về hưu, nguyên Thủ tướng cũng thường xuyên ra đình Tân Thông uống trà, đàm đạo với những cao niên trong làng. Cũng từ những buổi uống trà đàm đạo, nghe những câu chuyện về các hoàn cảnh khó khăn, nguyên Thủ tướng lại tìm cách giúp đỡ. “Ngôi đình này cũng do chính vợ chồng ông Khải ủng hộ tiền xây dựng khang trang từ nền đất cũ. Từ khi về hưu ông làm vườn, trồng cây, khi có trái ông lại mang biếu bà con. Trong làng có người ốm ông cũng đến thăm, nhà có tiệc ông cũng mời mọi người tới.

Có thể nói, ít ai khi về quê hương lại gần gũi với bà con trong mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện, rất thân tình, giản dị, giúp đỡ người nghèo khó như vậy. Niềm vui, hạnh phúc của dân là niềm hạnh phúc của ông, ông vui sau niềm hạnh phúc của người dân. Như câu đối do chính ông viết “Vì đất nước quyết ra đi thời trai trẻ / Yêu quê hương xin cống hiến lúc tuổi già””, ông Khỏe bật khóc.

Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.

Phong cách sống bình dân

Trong ký ức người dân Tân Thông Hội, nguyên Thủ Tướng Phan Văn Khải là người sống bình dị, gần gũi và hết lòng giúp đỡ người dân khi gặp khó khăn, ông được người dân gọi với tên thân thương là ông Hai Khải. Tư gia của ông không có cây cảnh đắt tiền hay thú đá kiêu sa nhưng có những cây mít, ổi, bưởi xanh tươi, trĩu trái.

Nhắc lại những buổi cà phê, uống trà đàm đạo với những cụ cao niên trong làng, ông Trần Quốc Mạnh (52 tuổi), người thường xuyên pha cà phê cho nguyên Thủ tướng cho hay, mỗi khi gọi cà phê, ông Hai Khải chỉ uống cà phê sữa nóng, mỗi ly 5 nghìn đồng. Những lần đầu pha cà phê cho ông tôi cũng run lắm, chỉ sợ pha không ngon. “Nhưng pha cho ông uống mãi mà không thấy ông nói gì nên tôi nghĩ chắc mình pha cũng không tệ lắm”, ông Mạnh chia sẻ.

Theo ông Mạnh, lần đầu tiên ông Hai Khải gọi cà phê, người cận vệ của ông đã lắc đầu và yêu cầu kiểm tra trước khi uống. “Khi đó, ông Hai Khải nói, đại khái ổng về ăn uống tại quê hương không có gì phải lo, chú cứ an tâm. Từ đó về sau, những ly cà phê của tôi pha, những món ăn ở ngoài cũng không cần kiểm tra nữa”, ông Mạnh nói.

Còn ông Nguyễn Văn Khỏe cho hay, cuộc sống của ông Hai Khải khi về hưu gắn bó với mảnh vườn nhỏ và hồ cá trước nhà. Hàng ngày, ông chăm sóc từng khóm cây, nhổ từng cọng cỏ trong vườn. “Vườn nhà ông Hai Khải không có các loại cây quý hiếm mà chủ yếu là các loại cây gắn bó với nông dân như mít, bưởi hay những cây hoa dại được ông tìm mua về trồng và chính tay ông chăm sóc. Hồ cá nhỏ trong vườn cũng chủ yếu tận dụng lấy nước tưới cây. Mỗi khi cây có trái, bắt cá dưới hồ ông lại mang biếu bà con làng xóm”.

Cũng có những kỷ niệm không thể quên với ông Hai Khải, anh Nguyễn Thanh Phong (chủ tiệm hớt tóc nhỏ trong làng) bồi hồi khi nhắc lại lần đầu tiên hớt tóc cho ông Hai Khải. Anh kể, sáng hôm đó trong lúc anh đang ngủ thì có người điện thoại báo ông Hai Khải sẽ đến hớt tóc. Anh vội bật dậy dọn lại quán cho gọn gàng, sạch sẽ. Nói là tiệm nhưng chỗ anh Phong làm nơi hớt tóc chỉ là một căn chòi nhỏ lụp xụp kế bên căn nhà cấp bốn với những dụng cụ hớt tóc đơn sơ. Bên ngoài có tấm bảng gỗ cũ kỹ gắn trên thanh sắt đã rỉ sét ghi dòng chữ “Nghệ thuật hớt tóc Thanh Phong”. “Với cái tiệm như thế này tôi không nghĩ sẽ có lần nguyên Thủ tướng ghé. Vì vậy, khi nhận tin tôi hồi hộp lắm, vừa mừng vừa run. Khi bác đến thấy tôi run, bác nói con cứ cắt tóc bình thường cho bác như mọi người khác thôi. Nghe bác nói chuyện, hỏi thăm sức khỏe, chuyện gia đình… tôi nhận ra bác là người ấm áp, giản dị và rất đời thường”, anh Phong nói.

Từ đó, cứ cách 4-5 tuần, ông Hai Khải lại đến tiệm anh Phong hớt tóc một lần, vẫn những câu hỏi han ân cần, gần gũi. “Có lần tôi “đánh liều” xin chụp chung một tấm ảnh và bác gật đầu đồng ý liền. Tôi mừng quá chạy vào nhà lấy máy ra nhờ anh cận vệ của bác chụp cho tấm hình về in ra trưng trong tủ ở nhà, một tấm treo ở tiệm…”, anh Phong tâm sự. Không chỉ anh mà với bà con, người dân địa phương, ông Hai Khải là người sống gần gũi, giản dị, muốn gặp ông chỉ cần sáng sớm đến Đình làng là gặp và trò chuyện.

Ngô Bình

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/xa-hoi/tuong-nho-nguyen-thu-tuong-phan-van-khai-nguoi-song-binh-di-1251434.tpo