Tượng 'người đàn ông cúi đầu': Xin chào và cảm ơn...

Bức tượng thay cho người Hàn Quốc cúi chào khách đã vui vẻ sử dụng cây cầu của người Hàn. Một cử chỉ rất văn hóa...

Trước thông tin, ông Cho Kwang Han, tân thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc) ngỏ ý tặng cho TP Huế bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" để tăng cường mối quan hệ hữu nghị, hợp tác. Lãnh đạo thành phố Huế lúng túng chưa biết nên nhận hay không và nếu nhận thì đặt ở vị trí nào?

Phối cảnh bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" đặt ở công viên Lý Tự Trọng. Ảnh: VnE

Phối cảnh bức tượng "Người đàn ông cúi đầu" đặt ở công viên Lý Tự Trọng. Ảnh: VnE

Nêu quan điểm, nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, cần phải hiểu đúng ý nghĩa về thiết kế của bức tượng cũng như mục đích tặng tượng của phía Hàn Quốc để có cái nhìn văn hóa, khách quan hơn.

Trước hết, về mục đích tặng tượng, ông Xuân cho rằng, đây chỉ là món quà tiếp theo “Dự án quy hoạch chi tiết hai bờ sông Hương”, với hạng mục đầu tiên là cầu đi bộ lót sàn gỗ lim ven sông Hương, với tổng kinh phí tài trợ không hoàn lại 6 triệu USD.

Theo ông Xuân, con đường gỗ lim đã phá vỡ cảnh quan bên bờ Nam sông Hương, phá vỡ cảnh quan mặt sông của Câu Lạc Bộ Thể thao - công trình kiến trúc phương Tây cổ nhất còn lại trên đất Huế. Trong năm qua báo chí, các nhà hoạt động văn hóa đã phê phán hết sức nặng nề.

Tuy nhiên, đến nay con đường gỗ lim đã hoàn thành, đa số người dâ và du khách không quan tâm đến cảnh quan đã bị phá vỡ mà lại tỏ ra rất thích thú, tham quan, chụp ảnh, và tỏ lòng cám ơn sự tài trợ của Hàn Quốc.

Theo ông Xuân, con đường gỗ lim là công trình đầu tiên nằm trong dự án phát triển văn hóa Huế. Bức tượng Người đàn ông cúi chào (không phải người đàn ông cúi đầu) là tặng phẩm kết thúc công trình Con đường lót gỗ lim vừa xong và sẽ được nối tiếp giúp Huế nhiều công trình mới trong tương lai.

Với những vấn đề dư luận đang quan tâm, như vì sao lại tặng tượng khỏa thân? Ông Xuân cho biết, ông được một người am hiểu văn hóa Hàn quốc giải thích: Nếu bức tượng với trang phục gì đó thì nó mang tính cách của người mặc trang phục đó: Người Hàn quý tộc, quan chức, công nhân, quân đội, nông dân.v.v. Bức tượng khỏa thân đích thị là người Hàn quốc không thời gian, không tầng lớp, không thời đại. Họ muốn được dựng ở Huế một người Hàn quốc vĩnh cửu. Mô hình bức tượng khỏa thân này đã tặng cho nhiều nước chứ không phải lần đầu tặng Huế.

"Với một sự cao quý của Hàn Quốc như thế tại sao ta lại không nhận?", ông Xuân đặt câu hỏi.

Tiếp theo, về lo ngại bức tượng quá cao, không thích hợp trong không gian Huế vì Huế chưa từng có tượng (không kể đài) cao quá 4 m.

Việc này, ông Xuân cũng cho hay, phía Hàn Quốc đã đồng ý với Thành phố Huế sẽ chế tác tượng cho Huế cao dưới 4m.

Vì thế, ông Xuân cho rằng, không nên quan tâm đến chiều cao của tượng nữa.

Về tranh cãi nên dựng tượng Người đàn ông cúi chào ở đâu? Theo ông Xuân, bức tượng đó là món quà kết thúc việc xây dựng cây cầu lót gỗ lim thì nên dựng ngay chỗ khách rời các bậc cấp cầu gỗ lim bước sang vườn hoa phía đông trước Bệnh viện Trung ương Huế. Tượng dựng bên phía phải mút các bậc cấp nhìn về hướng biển. Bức tượng thay cho người Hàn Quốc cúi chào khách đã vui vẻ sử dụng cây cầu của người Hàn. Một cử chỉ rất văn hóa chúng ta nên cám ơn.

Theo ông Xuân đây chỉ là một món quà nghệ thuật thuần túy, không phải là tượng đài, không nên nhìn tượng theo hướng khác. Chỉ nên thế.

Đường lát gỗ lim ven sông Hương nứt: Những cái lắc đầu

Tuy nhiên, đưa ra góc nhìn thận trọng hơn, ông Lê Hồng Lý - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng, phải hiểu cho đúng mục đích, ý nghĩa của bức tượng để tránh bị "lố".

Trước hết, ông Lý cho rằng cần phải làm rõ mục đích khi Hàn Quốc muốn tặng bức tượng đó cho Huế chứ không phải bất kỳ tỉnh thành, địa phương nào khác?

"Văn hóa cúi đầu của mỗi nước có một cách hiểu khác nhau. Cách cúi đầu của người Hàn Quốc khác với cách cúi đầu của người Nhật Bản, vì thế, phải xem bức tượng người đàn ông cúi đầu của Hàn Quốc muốn thể hiện thông điệp gì?

Nếu, bức tượng như một lời xin lỗi với lịch sử, trong thời kỳ diễn ra chiến tranh ở Việt Nam thì bức tượng phải đặt ở Quảng Nam hoặc Quảng Ngãi mới phù hợp, không phải ở Huế.

Ngược lại, nếu chưa hiểu rõ ý đồ của bức tượng mà đã vội vàng chấp nhận thì đặt ở đâu cũng trở lên vô duyên", ông Lý nói.

Theo ông Lý, khi làm rõ được mục đích, ý đồ của bức tượng mới quyết định có nên nhận bức tượng đó hay không và đặt bức tượng đó ở đâu?

Trong trường hợp, Huế nhận bức tượng, ông Lý cho rằng nên đặt tượng ở vườn tượng bên bờ sông Hương, như vậy vừa phù hợp với văn hóa, không gian, cảnh quan của Huế.

Lam Nguyễn

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/tuong-nguoi-dan-ong-cui-dau-xin-chao-va-cam-on-3378652/