Tượng người đàn ông cúi đầu gây tranh cãi có ý nghĩa gì?

Về bức tượng người đàn ông cúi đầu gây tranh cãi dự kiến đặt ở Huế, theo thông tin ban đầu, bức tượng này không phải là tượng gốc mà là phiên bản. Bức tượng này đã được tặng – đặt ở nhiều nước trên thế giới.

Tượng Greetingman tại thị trấn Haean, Hàn Quốc – Ảnh: HANKYOREH.

Tượng Greetingman tại thị trấn Haean, Hàn Quốc – Ảnh: HANKYOREH.

Tượng "c" (tiếng Anh: Greetingman; tiếng Hàn: 그리팅맨) là một dự án nghệ thuật cộng đồng hiện đại của nhà điêu khắc người Hàn Quốc Yoo Young Ho. Ông có nhiều tác phẩm được trưng bày ở các địa điểm công cộng tại thành phố Seoul của Hàn Quốc.

“Người đàn ông cúi đầu” hay "Greetingman" khắc họa hình tượng một người đàn ông cao 6m, đứng trong tư thế cúi đầu chào. Hình tượng này biểu trưng cho sự gặp gỡ, tôn trọng, thán phục, hòa giải và hòa bình.

Riêng nước da màu xanh dương của tượng mang ý nghĩa không định kiến sắc tộc, khỏa thân có nghĩa không phân biệt sang hèn. Thông điệp là hòa bình và hòa giải vượt qua mọi giới hạn giữa các nền văn hóa và sắc tộc khác nhau.

"Chào hỏi là sự khởi đầu của tất cả các mối quan hệ" - trang web của dự án Greetingman mô tả.

Sự tương tác của công chúng với bức tượng, theo như mong muốn của tác giả.

“Đây là một dự án nghệ thuật cộng đồng, hiện đại, có sự tương tác với công chúng. Ví như khi thấy tượng cúi chào thì công chúng sẽ cúi chào lại bức tượng” - Yoo Young Ho phát biểu trên trang web của dự án và đặt câu hỏi: “Bạn sẽ có cảm giác thế nào khi có một người khổng lồ cúi chào mình?”.

Bức tượng đầu tiên ở Hàn Quốc được đặt gần khu phi quân sự (DMZ) thuộc thị trấn Haean, quận Yanggu, tỉnh Gangwon và được khánh thành tháng 10/2013.

Ở nước ngoài, bức tượng “Người đàn ông cúi đầu” đầu tiên được đặt tại thủ đô Montevideo của Uruguay, được khánh thành vào tháng 10/2012. Bức tượng thứ ba đặt ở Panma City của Panama và khánh thành vào tháng 1/2016.

Mới đây, hồi tháng 3/2018, Hàn Quốc tiếp tục tặng thành phố Mérida của Mexico một tượng “Người đàn ông cúi đầu”. Thành phố này có một cộng đồng người gốc Hàn khoảng 2.000 người.

Đã có nhiều thắc mắc tại sao chiều cao của bức tượng không phải là 8 hay 4 hay 5m mà phải là 6m? Nhà điêu khắc Yoo Young Ho trả lời đại ý với ông, 6m là “tỉ lệ vàng” và nó phù hợp nhất cho việc vận chuyển đến khắp nơi trên thế giới bằng tàu thủy!

Trước đó, chiều 14/3, trao đổi với Tuổi trẻ online, ông Nguyễn Văn Thành, chủ tịch UBND TP Huế cho biết, thành phố vừa có cuộc họp lấy ý kiến về vị trí đặt bức tượng Người đàn ông cúi đầu (Greetingman) do ông Cho Kwang Han, tân thị trưởng TP Namyangigu (Hàn Quốc) - thành phố hợp tác hữu nghị với TP Huế tặng.

Tại cuộc họp, nhiều ý kiến về việc đặt tượng đã được đưa ra tranh luận. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, bức tượng trên quá cao (6m) so với các tượng đài đã dựng trên hai bờ sông Hương nên không phù hợp với cảnh quan Huế, gây khó khăn cho những tượng đài quan trọng sẽ dựng ở Huế trong tương lai.

Tượng Greetingman tại Uruguay - Ảnh: CNN.

Muốn đặt tượng Người đàn ông cúi đầu ở Huế phải thu nhỏ lại, không nên cao quá 4m. "Nơi đặt tượng phải ở bờ nam sông Hương, gần các công trình do Hàn Quốc vừa giúp xây dựng ở Huế là hợp lý" ông Xuân nói.

Sau khi tham khảo ý kiến và tiến hành đi thực tế, ông Thành cho biết sẽ thống nhất vị trí đặt tượng để trình lên UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế tại công viên trước Bệnh viện Trung ương Huế, gần vị trí kết thúc của cầu đi bộ bằng gỗ lim dọc sông Hương. Bức tượng sẽ xoay mặt ra phía sông Hương, nhìn về hướng cầu Phú Xuân.

"Thành phố cũng thống nhất ý kiến để trình lên tỉnh và phía Hàn Quốc điều chỉnh chiều cao, kích thước của bức tượng nhỏ xuống nhằm phù hợp với cảnh quan của TP Huế" ông Thành nói.

HOA HẠ (tổng hợp)

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/tuong-nguoi-dan-ong-cui-dau-gay-tranh-cai-co-y-nghia-gi-d92993.html