Tượng 'Người đàn ông cúi chào' Hàn Quốc tặng Huế chưa biết đặt nơi đâu?

Bức tượng mang tên 'Người đàn ông cúi chào' do một địa phương Hàn Quốc dự kiến trao tặng cho Huế đang khiến dư luận quan tâm, với nhiều ý kiến trái chiều về việc có nên tiếp nhận nó, tác phẩm điêu khắc cỡ lớn liệu phù hợp không gian văn hóa kiến trúc Cố đô Huế và khi tiếp nhận sẽ đặt tượng ở đâu?

Bức tượng "Người đàn ông cúi chào" chưa biết đặt ở đâu tại Huế nếu địa phương này tiếp nhận

Bức tượng "Người đàn ông cúi chào" chưa biết đặt ở đâu tại Huế nếu địa phương này tiếp nhận

Mới đây, ông Cho Kwang Han, thị trưởng thành phố Namyangigu (Hàn Quốc), ngỏ ý tặng cho Huế - thành phố hợp tác hữu nghị với Namyangigu - một bức tượng mang tên “Người đàn ông cúi chào”. Trong lúc món quà tặng được cho là mang ý nghĩa về sự tôn trọng, thán phục, hòa giải và hòa bình này còn chưa được Huế tiếp nhận, thì chính quyền tỉnh và thành phố phải hai lần tổ chức họp lấy ý kiến về việc tiếp nhận tác phẩm này, cũng như xem xét, cân nhắc nên đặt bức tượng ở đâu tại Huế.

Theo tìm hiểu của PV, khi ngỏ ý tặng tượng, phía Hàn Quốc gợi ý đến ba vị trí đặt tượng là Kinh thành Huế, chợ Đông Ba và công viên bờ Bắc sông Hương - đoạn đối diện Trung tâm Văn hóa Huế (Rạp Hưng Đạo cũ). Mặc dù gợi ý là vậy, nhưng phía Hàn Quốc cho rằng, Huế nên quyết định chọn vị trí đặt tượng để phù hợp với văn hóa Cố đô.

Bờ nam sông Hương là một trong những nơi được đề xuất đặt bức tượng này

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa, nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin TT-Huế, ông đồng tình với việc tiếp nhận bức tượng, bởi lẽ việc đón nhận món quà là hành động cư xử rất văn hóa, thể hiện tình hữu nghị của hai địa phương. “Chúng ta đừng nên băn khoăn về hình tượng của bức tượng, bởi tác phẩm này đã được phía Hàn Quốc xem như là bản sắc văn hóa của họ. Trước đó, họ đã tặng bức tượng này cho nhiều thành phố khác nhau trên thế giới, nên cũng không có gì mà mình phải ngần ngại. Vấn đề là vị trí đặt tượng ở đâu cho phù hợp với văn hóa của thành phố di sản như Huế, là điều cần xem xét kỹ càng”, ông Hoa chia sẻ.

Còn theo ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, thành phố Huế là trung tâm văn hóa quốc tế, tại đây có nhiều tác phẩm điêu khắc của nhiều nước trên thế giới qua các lần tổ chức Trại điêu khắc quốc tế trong khuôn khổ những kỳ Festival Huế, cho nên, việc tiếp nhận bức tượng “Người đàn ông cúi chào” âu cũng là chuyện bình thường.

Dải xanh đại lộ Tố Hữu cũng là nơi được đề xuất dựng bức tượng "Người đàn ông cúi chào"

Về vị trí dựng tượng, ông Nguyễn Đắc Xuân cho rằng, Hàn Quốc vừa tài trợ cho Huế xây dựng cầu đi bộ gỗ lim, nên việc lựa chọn điểm đặt tượng cần gắn kết với công trình này, tức cũng ở ven sông Hương. Tuy nhiên, ông Xuân lưu ý, để phù hợp với quy hoạch dọc hai bờ sông Hương, thì tác phẩm này phải điều chỉnh kích thước, hạ độ cao từ 6 mét xuống dưới 4 mét. “Mình nhận quà tặng, nhưng vẫn có thể đề nghị họ thay đổi kích thước. Bức tượng nên đặt theo hướng quay mặt về hướng Đông”, ông Nguyễn Đắc Xuân bày tỏ.

Còn theo góp ý của ông Nguyễn Xuân Hoa, tượng “Người đàn ông cúi đầu” là tác phẩm nhân bản, phù hợp với kiến trúc đương đại. Huế có khu đô thị mới An Vân Dương đang phát triển, cho nên chọn vị trí đặt tượng ở khu đô thị này là hợp lý, không ảnh hưởng gì đến nét văn hóa di sản Huế. Đồng tình với ý kiến của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh TT-Huế, bày tỏ: “Huế nên tiếp nhận bức tượng, đây là một tác phẩm nghệ thuật và không có gì dung tục. Vị trí đặt tượng có thể ở trục đường lớn Tố Hữu, vì đây là không gian đô thị mới với đường sá rộng lớn, phù hợp với quy mô, chiều cao của tác phẩm”.

Trước luồng ý kiến, tượng “Người đàn ông cúi chào” có nét dung tục, trần truồng, ông Nguyễn Xuân Hoa chia sẻ, trên thế giới đã có rất nhiều công viên tượng nude, riêng đối với tác phẩm này, khi nhìn vào nó phảng phất nét nude nhưng bức tượng không đặc tả chi tiết. “Đó chỉ là ngôn ngữ của nhà điều khắc, và nội dung thông điệp của nó cũng đã được cộng đồng xã hội tiếp nhận rồi”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nêu ý kiến.

Trả lời câu hỏi của PV Tiền Phong về phương án đặt tượng, bà Trần Thị Hoài Trâm, Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế, thông tin: “Ngày 13/3, UBND thành phố Huế đã chủ trì buổi họp để trao đổi và xin ý kiến các nhân sĩ, trí thức, nhà nghiên cứu về việc tiếp nhận, cách thức và quy mô lắp đặt tác phẩm “Người đàn ông cúi chào”. Hiện, các địa phương, đơn vị liên quan đang tiến hành rà soát quy hoạch để xem xét, quyết định vị trí đặt tượng”.

Được biết, sau cuộc họp kể trên, mới đây, vào chiều 3/4, UBND tỉnh TT-Huế cũng đã có cuộc họp với UBND thành phố Huế và các sở, ngành liên quan để lấy ý kiến vị trí đặt bức tượng. Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế, thông tin: "Đa số ý kiến tại cuộc họp đã đồng tình việc tiếp nhận tượng. Còn vị trí đặt tượng, UBND tỉnh sẽ tổng hợp để báo cáo xin ý kiến của Ban thường vụ Tỉnh ủy. Vị trí đặt tượng ở đâu sẽ do Thường vụ Tỉnh ủy quyết định và chỉ đạo".

Ngọc Văn

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/van-hoa/tuong-nguoi-dan-ong-cui-chao-han-quoc-tang-hue-chua-biet-dat-noi-dau-1398568.tpo