Tướng Nam Phong kể chuyện Điện Biên

Những người lính quả cảm, cạo trọc đầu, quyết chiến và khi đã thắng họ ngủ vật ra như những trẻ thơ.

Tôi có nhiều biệt danh như Nam “lửa”, Nam “bình toong”, Nam “hỏa lực” hay “bố” Nam. Nam “lửa” vì tính khí nóng nảy; Nam “bình toong” vì mỗi lần trước khi vào trận chiến đấu là tôi mở bình toong rồi nốc một ngụm rượu; Nam “hỏa lực” vì chỉ huy đánh trận nào tôi cũng sử dụng hỏa lực rất mạnh.

Khi làm giám đốc Trường Sĩ quan Lục quân 2, tôi được lính tặng thêm cái tên “bố” Nam. Mỗi biệt danh đều là dấu ấn, gắn với tôi trong từng chiến trận, từng chặng đời binh nghiệp, từ lính lên sĩ quan rồi lên tướng nhưng có lẽ biệt danh “đại đội trưởng đầu trọc” là ấn tượng hơn cả.

Cạo trọc để quyết thắng

Trung tướng LÊ NAM PHONG

Trung tướng LÊ NAM PHONG

Sau khi đại đội đánh xong đồi Độc Lập (cuối tháng 3-1954), đại đội tôi được trên giao ngay nhiệm vụ đánh tiếp những cứ điểm xung quanh sân bay Mường Thanh nhằm cắt đứt nguồn tiếp tế lương thực, vũ khí của địch bằng máy bay. Để có chỗ ẩn nấp, đánh vây, lấn dần vào cứ điểm, cả đại đội phải đào chiến hào, đắp công sự. Vì mưa to nên thung lũng Mường Thanh luôn bị ngập nước, quần áo chưa kịp khô anh em đã phải mặc vào để đêm đến đào tiếp. Khó chịu nhất là bùn đất luôn bám vào tóc khiến anh em sau vài đêm hầu hết bị nấm đầu. Không còn cách nào khác, tôi là người đầu tiên cạo trọc đầu, sau anh em cùng hưởng ứng. Cũng từ đó cả đơn vị tôi có biệt danh “đại đội trọc đầu”.

Đến tháng 4-1954, trời mưa to, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đi kiểm tra. Tôi vừa toài người từ chiến hào đầy bùn đất lên, Đại tướng hỏi ngay sao lại cạo trọc đầu. Hồi đó còn trẻ, lại vừa dầm mình trong bùn đất lên nên tôi trả lời Tổng Tư lệnh một câu xanh rờn: “Báo cáo, cạo trọc đầu để thề quyết đánh thắng Pháp ạ!”. Từ đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp gọi tôi là “đại đội trưởng đầu trọc”.

Năm 1979, khi tôi làm tư lệnh Quân đoàn 1 bảo vệ biên giới phía Bắc, Đại tướng tới thăm. Sau 25 năm tôi mới được gặp ông, thế mà vừa thấy tôi, Đại tướng reo lên: “A... Đại đội trưởng “đại đội đầu trọc” Điện Biên đây rồi!”. Đó là những kỷ niệm đáng nhớ trong đời của tôi với Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

Lá cờ quyết chiến quyết thắng của Chủ tịch Hồ Chí Minh tung bay trên nóc hầm sở chỉ huy của tướng De Castries ngày 7-5-1954. Ảnh: Tư liệu

Vắt cơm để lại cho bạn

Còn nhớ suốt 56 ngày đêm năm ấy, cực khổ trăm bề, suốt ngày dầm mình trong mưa, bùn chiến hào. Hằng ngày vào buổi sáng cơm vắt với muối vừng được chia tại chiến hào, sức thanh niên ăn một hồi lại đói. Có những vắt cơm anh nuôi đưa từ tuyến sau lên truyền dần qua những bàn tay còn bê bết bùn nên khi gỡ lá chuối, khăn mùi xoa ra thì cơm đã có màu của đất, mùi ngái của nước bùn nhưng vẫn phải ăn để có sức. Thậm chí có đồng đội bị thương trước khi được đưa về tuyến sau còn bảo: “Vắt cơm của tớ đấy, cậu ăn đi để có sức mà đào, mà đánh!”.

Chuyện hy sinh, mất mát ngày ấy thì… Đau lắm! Có những cậu lính vừa bổ sung từ tuyến sau lên, trẻ lắm, mình chưa kịp hỏi tên tuổi, quê quán thì đạn đại liên địch từ trong các lô cốt bắn ra, cày xuống đất, xuyên qua lớp bùn tươi trên miệng hào, cắm trúng anh. Có đêm vừa đào vừa đánh lấn, sáng ra điểm quân cả đại đội chỉ còn lại mình tôi và cậu liên lạc, còn lại người bị thương, người hy sinh.

Hơn 17 giờ chiều 7-5-1954, lính của Sư đoàn 312 ào ạt xông lên cắm cờ trên nóc hầm, bắt sống tướng De Castries. Đơn vị của tôi chỉ cách hàng rào cứ điểm địch khoảng 300 m, nhìn vào trong thấy quân Pháp lũ lượt cởi trần, tay cầm áo may ô màu trắng ra hàng. Lính ta sướng rơn nhảy lên khỏi chiến hào, giương súng bắn chỉ thiên: “Thắng rồi! Sống rồi chúng mày ơi!”.

Hơn 18 giờ, chiến trường còn ngổn ngang, khắp cứ điểm còn nồng nặc khét mùi thuốc súng, mùi hắc của xăng dầu cháy. Cơm vắt nóng ấm và nước sạch từ sau đưa lên cả đại đội ăn bù rồi ngủ vật ra ngay trên bãi chiến trường. Nửa đêm chợt thức giấc, nhìn quanh miệng chiến hào thấy anh em ngủ ngon như những đứa trẻ. Đó là đêm tôi và anh em có giấc ngủ yên ả nhất sau 56 ngày đêm ngủ hầm, mưa dầm…

Trung tướng LÊ NAM PHONG

Những vòng hoa Điện Biên

Trung tướng Lê Nam Phong (ảnh) năm nay 92 tuổi. Ông nguyên là Đại đội trưởng 225, Tiểu đoàn 29, Trung đoàn 88, thuộc Đại đoàn quân tiên phong 308 từng tham gia trận Điện Biên 65 năm trước.

Chiến sĩ tham gia trận Điện Biên Phủ năm xưa tại miền Nam hiện còn khoảng 60 người do Trung tướng Lê Nam Phong làm trưởng ban liên lạc, trong đó người ít tuổi nhất đã hơn 80. Hằng năm ban liên lạc đều tổ chức gặp mặt để thăm hỏi sức khỏe, động viên nhau và ôn lại những kỷ niệm 56 ngày đêm khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt ở lòng chảo Điện Biên Phủ. Gần 20 năm nay, khi có một người ra đi, các đồng đội còn lại đều đem vòng hoa ghi dòng chữ “Vòng hoa Điện Biên” đến và nắm tay nhau hát: “Giải phóng Điện Biên, bộ đội ta tiến quân trở về giữa mùa hoa nở…”.

PHONG ĐIỀN ghi

Nguồn PLO: https://plo.vn/thoi-su/tuong-nam-phong-ke-chuyen-dien-bien-832156.html