Tướng Mỹ: Phi công Nga đang đổi chiến thuật ở Bắc Cực

Trung tướng Không quân Mỹ David Krumm cho rằng, phi công Nga đã hoạt động rất lỳ đòn ở khu vực Alaska.

Tuần báo Air & Cosmos của Mỹ mới đây dẫn lời Trung tướng Không quân Mỹ David Krumm - Tư lệnh Bộ Tư lệnh Alaska và Lực lượng Không quân 11 đánh giá rằng, các phi công Nga đã hoạt động ở Alaska với chiến thuật hoàn toàn khác so với trước đây và đã phải tiến hành "số lượng kỷ lục" các vụ đánh chặn đường không của phía Nga ở biên giới.

Không quân Mỹ giám sát và hộ tống máy bay của Không quân Nga

Không quân Mỹ giám sát và hộ tống máy bay của Không quân Nga

Theo tướng Mỹ, các phi công Nga không còn chỉ thử phản ứng mà đơn giản là quấy rối tâm lý đối phương và đúng nghĩa là "kết liễu" (finishing off) đối thủ khi không rời không phận trong khu vực Alaska trong thời gian dài.

Trung tướng Krumm nói với một diễn đàn do Hiệp hội Không quân tài trợ rằng các vụ đánh chặn gây "căng thẳng" cho lực lượng không quân Mỹ nhưng tình hình đang được quản lý "rất, rất hiệu quả".

Tướng Krumm tin rằng lý do cho sự gia tăng hoạt động trên không của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga là sự gia tăng đáng kể sức mạnh của các lực lượng vũ trang Nga ở Bắc Cực và việc khôi phục hàng chục căn cứ thời Liên Xô ở đó.

Theo vị tướng Mỹ, điều này đã góp phần tăng cường sức mạnh của lực lượng vũ trụ Nga cũng như sự hiện diện quân sự của Nga trong khu vực.

Trước đó, một thông tin trên tạp chí Air Force Times cho biết con số đó đánh dấu số lượng máy bay Nga hoạt động cao nhất được ghi nhận tại Vùng nhận dạng phòng không Alaska kể từ khi Liên Xô tan rã gần 30 năm trước. Đó là một vùng bao gồm 200 hải lý mở rộng ra không phận quốc tế.

Trong những năm gần đây, Nga đã tăng cường các sân bay và phục hồi các vị trí quân sự thời Chiến tranh Lạnh ở Bắc Cực, trong đó có một đồn trên đảo Wrangel cách bờ biển Alaska vài trăm km. Năm 2020, Nga đã đưa tàu phá băng năng lượng hạt nhân mới đến Bắc Cực.

Những người chỉ trích nói rằng, Washington chỉ thức giấc một cách chậm rãi khi ngư dân Mỹ phàn nàn về các động thái của Nga ở Biển Bering, vùng biển mà ở nơi hẹp nhất thì Alaska chỉ cách bờ biển Nga khoảng 88km.

Theo các nhà phân tích, 2 tàu phá băng thời Chiến tranh Lạnh của Mỹ liên tục gặp phải những trục trặc hoặc bị cháy, trong khi Nga đã có tới 40 tàu và 9 tàu trong số đó là tàu năng lượng hạt nhân. Bắc Cực cũng chỉ mới được đưa vào quy hoạch chiến lược của Mỹ thời gian gần đây, Lầu Năm Góc vẫn thiếu một văn phòng điều phối trung tâm ở Bắc Cực.

Năm 2020, Đô đốc Karl Schultz, Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Bờ biển Mỹ nói rằng, đó là “mức độ hiện diện không thể chấp nhận được ở một khu vực mà chúng ta đáng lẽ phải là lực lượng hàng đầu”.

Trong khi đó, trên báo Topwar của Nga cho rằng, các phi công của hàng không Nga đã khéo léo tránh vượt qua biên giới nhưng Không quân Mỹ vẫn buộc phải đáp trả trước sự xuất hiện của những cỗ máy như vậy.

Tại khu vực Bắc Cực, Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga thường sử dụng máy bay ném bom chiến lược Tu-95 và máy bay tuần tra chống ngầm Il-38N.

Vào mùa thu năm 2020, một chiếc Su-35 cũng xuất hiện lần đầu tiên ở đây. Những lần xuất hiện của máy bay chiến đấu Nga ở khu vực Bắc Cực như vậy đang gây chấn động và xôn xao ở Washington.

"Nhiều nhiệm vụ hàng không có lẽ là các chuyến bay huấn luyện thường lệ, vì vùng nhận dạng phòng không của bang Alaska nằm gần lãnh thổ Nga" - tác giả bài viết trên tạp chí Popular Mechanics nhận định.

Hải Lâm

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/tuong-my-phi-cong-nga-dang-doi-chien-thuat-o-bac-cuc-3433057/