Tướng Mỹ nêu kịch bản dùng thủy lôi biết bay với Iran

Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương Mỹ (USINDOPACOM) vừa công bố những hình ảnh độc đáo về vụ thử thủy lôi biết bay cực nguy hiểm.

Hình ảnh thử nghiệm được công bố, oanh tạc cơ B-52H của Không quân Mỹ đã khai hỏa 1 quả mìn biển (thủy lôi) Quickstrike-ER (QS-ER). Đợt thử nghiệm QS-ER có ý nghĩa cực quan trọng với dự án chế tạo loại vũ khí đặc biệt của USINDOPACOM nhằm tăng cường khả năng tấn công không chỉ ở khu vực Ấn Độ và Thái Bình Dương.

Theo kết quả cuộc thử nghiệm, quả đạn đã khai hỏa, tấn công chính xác và phá hủy mục tiêu đúng như kế hoạch. Được biết, QS-ER lần đầu được B-52H của Không quân Mỹ thử nghiệm ngày ngày 23/9/2014 đã khiến thế giới ngỡ ngàng bởi loại vũ khí đặc biệt này.

Thay vì rơi xuống biển, thủy lôi đã trượt trên mặt nước thêm 40 hải lý (74 km) nữa, bởi đôi cánh của thủy lôi.

USINDOPACOM tiết lộ, QS-ER là loại vũ khí kết hợp giữa thủy lôi Quickstrike và Đầu đạn Tấn công Trực tiếp Hỗn hợp (JDAM), đi kèm một ý tưởng thông minh đó là gắn thêm cánh và hệ thống định vị toàn cầu (GPS) vào các quả bom truyền thống, do đó biến chúng thành các bom được dẫn đường với giá thành thấp.

Thủy lôi Quickstrike được lắp thêm bộ cánh JDAM-ER, cho phép chúng trượt đi với khoảng cách khá dài. Vũ khí này, được gọi là GBU-62B(V-1)/B Quickstrike-ER, có tầm xa 40 hải lý (74 km) khi được phóng từ khoảng cách 35.000 feet (hơn 10 km).

Đại tá không quân Mỹ là Michael Pietrucha cho biết: "Nỗ lực tạo ra Quickstrike-ER đánh dấu bước tiến đầu tiên trong công nghệ vận chuyển mìn tấn công biển từ trên không kể từ năm 1943 và cho thấy khả năng mà về căn bản có thể thay đổi tiềm năng của mìn trên không trong những môi trường có đe dọa".

Ông Pietrucha vạch ra một số kịch bản mà ở đó các QS-ER của Mỹ có thể phát huy hiệu quả: "Trụ sở hạm đội Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc tại Trạm Giang, Ninh Ba (Châu Sơn) và Thanh Đảo đều dễ bị cắt đứt nguồn viện trợ. Bến đậu của hạm đội tàu ngầm ở đảo Hải Nam có đường tiếp cận hạn chế và có thể bị cô lập. Một tàu bị đánh chìm trong kênh vận chuyển có thể cho thấy hiệu quả của sức công phá này".

Ông Pietrucha nói thêm rằng cảng Bandar Abbas của Iran cũng có thể là mục tiêu chính. Sau đó là các con sông trọng yếu như Dương Tử của Trung Quốc cũng như các khu vực nước cạn như eo biển Dardanelles, Vịnh Phần Lan và eo biển Hormuz.

Ông Pietrucha cũng đề xuất bước đi logic tiếp theo đó là thêm động cơ vào Quickstrike-ER khiến vũ khí có khả năng bay lượn như tên lửa hành trình nhưng lại được dùng cho mục đích tấn công dưới nước. (Hòa Bình)

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/anh-nong/tuong-my-neu-kich-ban-dung-thuy-loi-biet-bay-voi-iran-3381255/