Tướng Mỹ nêu các điều kiện để Ukraine trở thành thành viên NATO

Tướng nghỉ hưu Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ tại châu Âu (2014-2017) cho rằng, Ukraine phải từ bỏ hoàn toàn ảnh hưởng của Điện Kremlin.

Cụ thể, theo ông Hodges, không sớm thì muộn, Ukraine sẽ trở thành một phần của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tuy nhiên, đất nước này còn rất nhiều việc phải làm về dân chủ tự do và tính minh bạch trong hệ thống chính phủ cũng như quy trình tư pháp.

Tướng Mỹ Ben Hodges nêu các điều kiện để Ukraine trở thành thành viên NATO. (Ảnh: RIA)

Tướng Mỹ Ben Hodges nêu các điều kiện để Ukraine trở thành thành viên NATO. (Ảnh: RIA)

Điều này được Trung tướng Ben Hodges tuyên bố trong cuộc phỏng vấn với RBC-Ukraine. Theo ông, Nga vẫn ảnh hưởng quá nhiều đến Ukraine.

“Ukraine phải quyết định đất nước của họ sẽ làm bất cứ điều gì được yêu cầu trong điều kiện hội nhập phương Tây, điều này có nghĩa là từ chối hoàn toàn ảnh hưởng của Điện Kremlin. Tôi tin rằng cũng còn nhiều người đang nhận tiền từ Nga, vì vậy, điều đó làm phức tạp thêm nhiệm vụ gia nhập NATO của Ukraine”, tướng Mỹ nói.

Ngoài ra, theo ông Hodges, “Phương Tây phải gắn bó với nhau và tiếp tục bác bỏ các yêu sách của Nga đối với Crimea, đồng thời, bác bỏ các hành động bất hợp pháp khác của Điện Kremlin, chẳng hạn như liên quan đến cây cầu ở eo biển Kerch (cầu Crimea) và sự phá vỡ hàng hải bất hợp pháp. Chúng ta phải tiếp tục làm sáng tỏ điều này”.

Ông Hodges bày tỏ mối quan ngại từ nước ngoài giữa Ukraine và Belarus. “Không nghi ngờ gì về việc Điện Kremlin nhìn thấy cơ hội tuyệt vời trong những vấn đề hiện tại ở Minsk và họ sẽ cố gắng hết sức để giữ ông Lukashenko nắm quyền. Hoặc họ sẽ thay thế ông ấy bằng một người sẵn sàng hợp tác hơn. Và tôi sợ rằng điều này sẽ dẫn đến sự xuất hiện của quân đội Nga ở Belarus, có nguy cơ đe dọa Ukraine, cũng như Ba Lan, Litva, Latvia”, tướng Mỹ nói thêm.

Trước đó, hôm 14/9, Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky đã thông qua Chiến lược An ninh Quốc gia mới của Ukraine. Tài liệu nói rằng một trong những ưu tiên chính sách đối ngoại của Ukraine là hội nhập vào NATO và Liên minh châu Âu (EU).

Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng thống Zelensky đã phê duyệt chương trình thúc đẩy tương tác giữa Ukraine và NATO trong năm 2020. Chương trình bao gồm tập trung vào cải cách nhằm hướng tới sự gia nhập của Ukraine vào liên minh, cung cấp “sự tương tác chính trị sâu rộng với NATO” để giải quyết các vấn đề tồn tại trong mối quan hệ hợp tác giữa Kiev và liên minh.

Đồng thời, hôm 12/6, NATO đã công nhận Ukraine là Đối tác cơ hội nâng cao. Tuy nhiên, trạng thái này không có nghĩa là công nhận tư cách thành viên chính thức trong NATO. Theo phát ngôn viên của NATO, Quy chế đối tác cơ hội nâng cao ghi nhận việc Ukraine có đóng góp đáng kể cho các nhiệm vụ của NATO, đồng thời thể hiện cam kết nhất quán của NATO về mối quan hệ đối tác với Ukraine, bất chấp đại dịch Covid-19.

Việc công nhận này cũng mang lại cho Ukraine “quyền tham gia sâu rộng vào các chương trình liên minh, nhằm tăng khả năng tương thích quân sự trong các cuộc tập trận của NATO, và mở rộng khả năng trao đổi thông tin”. Các quốc gia trong liên minh tiếp tục hỗ trợ Ukraine thực hiện cải cách, bao gồm lĩnh vực quốc phòng - an ninh, cung cấp quyền kiểm soát, giám sát dân sự, và cuộc chiến chống tham nhũng.

Ukraine là quốc gia thứ 6 trở thành Đối tác cơ hội nâng cao của NATO, cùng với Georgia, Jordan, Australia, Phần Lan và Thụy Điển.

Thanh Bình (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vietnamnet.vn/the-gioi/tuong-my-neu-cac-dieu-kien-de-ukraine-tro-thanh-thanh-vien-nato-266088.html