Tướng Mỹ: NATO 'bủa vây' Serbia nhưng Nga mới là mối đe dọa thực sự

Tướng Mỹ đã nghỉ hưu Wesley Clark, người từng giữ chức Tổng tư lệnh NATO vào thời Chiến tranh Kosovo năm 1999, cáo buộc Nga đang khiến vùng Balkan trở thành một 'cuộc khủng hoảng tiềm tàng' và tập trung vào một 'căn cứ' của Nga nằm quanh các quốc gia NATO.

Ông Clark đã có mặt tại Kosovo trong tuần này cùng với nhiều nhân vật quan trọng khác từng đóng vai trò lớn trong cuộc chiến tranh để kỷ niệm 20 năm ngày quân đội NATO giành được Kosovo. Trả lời phỏng vấn của đài truyền hình RTK của Kosovo, nhận định về khu vực Balkan, vị tướng này đã đưa ra những ý kiến của mình.

Tướng Mỹ Wesley Clark thời điểm NATO đưa quân vào Kosovo năm 1999.

Tướng Mỹ Wesley Clark thời điểm NATO đưa quân vào Kosovo năm 1999.

Ông Clark cho biết sự hiện diện của NATO tại Kosovo là để khẳng định “cam kết quan trọng” là đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực Balkan, song ông cảnh báo rằng mối đe dọa từ Nga đang xuất hiện.

“Chúng ta cần phải lo ngại khi ông Putin có thể sẽ nhận thấy một cơ hội ở khu vực này. Nơi đây có một cuộc khủng hoảng đang chực chờ xảy ra. Bất cứ khi nào ông ta muốn châm ngòi khủng hoảng, ông ta có thể thực hiện ngay lập tức, có thể là ở đây, có thể là ở Ukraine, có thể là ở nơi nào khác”, ông Clark trả lời phỏng vấn của RTK.

Vị tướng người Mỹ đề cập đến “căn cứ” của Nga tại thành phố Nis (Serbia), nơi thực chất là một trung tâm phản ứng nhanh phục vụ cho mục đích nhân đạo. Ông nói rằng căn cứ này “có đủ cơ sở vật chất để thực hiện những gì cần thiết”.

Thực tế, Trung tâm Nhân đạo ở Nis được Nga và Serbia hợp tác thiết lập vào năm 2012 và trực thuộc sự chỉ đạo của Bộ Dân sự và Phòng chống Các vấn đề Khẩn cấp (EMERCOM) của Nga, chứ không phải của quân đội Nga. Đây là một nhà kho hai tầng được cải tạo lại và nằm gần sân bay Nis.

Trung tâm Nhân đạo Nga - Serbia tại Nis (Serbia), nơi ông Clark khẳng định là một "căn cứ" nguy hiểm.

Ông Clark không nhắc đến căn cứ Bondsteel, một quần thể quân sự lớn được Mỹ thiết lập ở phía nam Kosovo vào tháng 8/1999. Để xây dựng căn cứ này, các kỹ sư Mỹ đã phải san phẳng hai ngọn đồi và lấp đầy khu vực thung lũng gần đó.

Ngoài ra, ông Clark cũng thừa nhận Serbia hiện nay “được bao quanh bởi NATO” sau khi Montenegro được kết nạp vào liên minh còn Bắc Macedonia đang được xem xét, và rằng “lúc này không có bất kỳ hiểm họa nào từ NATO nhằm vào Serbia”.

Anh Tuấn (lược dịch)

Nguồn Infonet: https://infonet.vn/tuong-my-nato-bua-vay-serbia-nhung-nga-moi-la-moi-de-doa-thuc-su-post302785.info