Tướng Minh nói gì về cú 'đấm thép' Hình sự Đặc nhiệm hướng Nam

Lãnh đạo Công an TPHCM đánh giá hiệu quả mô hình Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam (được xem như 'cú đấm thép' đối với tội phạm đường phố) chưa như ý muốn, nhiều khả năng sẽ không thành công...Tuy nhiên, Công an TPHCM vẫn tiếp tục thí điểm thêm 1 năm nữa mới đánh giá cụ thể.

Ngày 5/1, Công an TPHCM tổ chức gặp mặt báo chí thông tin tình hình kết quả công tác đảm bảo trật tự an toàn xã hội trong năm 2018 và một số công tác trọng tâm năm 2019. Một trong những nội dung Công an TPHCM thông tin là tình hình hoạt động của Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam.

Theo thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TPHCM thì hiện nay mô hình hoạt động này vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều và chưa có đánh giá sau hơn 1,5 năm hoạt động thí điểm.

Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh V.M

Thiếu tướng Phan Anh Minh. Ảnh V.M

Cụ thể, thiếu tướng Minh nói rằng Phòng Cảnh sát hình sự thì muốn duy trì nhưng công an các quận huyện thì đa phần không đồng tình. Trong đó, Công an quận Bình Tân đã tổ chức lại lực lượng hình sự đặc nhiệm của quận giống như trước đây.

Mô hình này ra đời đầu năm 2017 với nhiều kỳ vọng sẽ trấn áp được các loại tội phạm trên đường phố. Tuy nhiên, đến nay thì mô hình này vẫn chưa có đánh giá kết quả hoạt động thí điểm. Lãnh đạo Công an TPHCM cho biết sẽ tiếp tục thí điểm thêm một năm nữa mới đánh giá được mô hình này.

Hiện nay trụ sở của Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam đặt tại quận 7, có nhiệm vụ quán xuyến 5 địa bàn gồm các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, quận Bình Tân, quận 7, quận 8. Trong đó, hai địa bàn xa nhất là huyện Bình Chánh và quận Bình Tân.

Lực lượng Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam ngày thành lập (đầu năm 2017). Ảnh V.M

Điều này, thiếu tướng Phan Anh Minh cho rằng là một trong những nguyên nhân dẫn đến các vụ việc xảy ra, lực lượng của đội xuống xử lý không kịp.

Lực lượng của đơn vị này được trang bị khá hiện đại, đầy đủ và quân số thuộc hàng tinh nhuệ của Công an TPHCM. Tuy nhiên, hiện nay quy chế, kết nối giữa lực lượng này với công an các quận huyện chưa thông suốt, còn nhiều hạn chế, dẫn đến kết quả hoạt động không như mong muốn.

Nói cụ thể hơn, thiếu tướng Minh cho biết, các trinh sát của Đội cảnh sát hình sự đặc nhiệm hướng Nam bắt rất nhiều vụ việc thuộc thẩm quyền xử lý của cấp quận huyện. Khi bắt xong, việc phản hồi, điều tra mở rộng vụ việc…để tích lũy hồ sơ thì chưa tốt.

Nhiều vụ án được lực lượng này triệt phá trong thời gian qua. Ảnh C.A

Công an TPHCM nhận thấy nhiều hạn chế về mô hình này nên tiếp tục thí điểm thêm một năm nữa. Đồng thời yêu cầu đề ra quy chế phối hợp với công an các quận huyện, khắc phục những hạn chế trên.

Thiếu tướng Phan Anh Minh cũng nói thêm rằng, ngoài các ý kiến của công an các quận huyện không đồng tình về mô hình hoạt động này. Ông Minh nhận thấy có đến 70% mô hình này đến nay không còn phù hợp, có khả năng quay về như cũ (công an các quận huyện tái lập Đội Cảnh sát hình sự đặc nhiệm-PV).

Ông Minh nêu 2 lý do để dẫn chứng cho nhận định trên: Thứ nhất là gom về địa bàn quán rộng, không sát với địa bàn cơ sở.

Thứ hai, không phù hợp với chủ trương của Bộ Công an về việc cấp quận huyện là toàn diện, bộ tinh, tỉnh mạnh. Trong khi mô hình này lại rút một lực lượng cảnh sát hình sự của quận huyện thì không đảm bảo chủ trương này.

'Quả đấm thép' 363 của Công an TPHCM

Ngày 5/1, Công an TPHCM cho biết, qua 6 ngày triển khai, các tổ công tác 363 của Công an TPHCM đã phát hiện, xử lý 18 vụ việc trên địa bàn thành phố, với 40 đối tượng bị tạm giữ.

Theo Công an TPHCM, với kết quả đạt được cho thấy việc điều chỉnh, bố trí lực lượng tuần tra, kiểm soát hỗn hợp đã phát huy tính hiệu quả. Các tổ công tác 363 không chỉ góp phần trong chủ động phát hiện, xử lý các trường hợp phạm pháp trên đường phố, nơi công cộng mà còn có tác dụng răn đe, phòng ngừa tội phạm.

Tổ công tác 363 được thành lập vào ngày 30/12/2018, nhằm đồng loạt ra quân quán xuyến địa bàn, tăng cường hiện diện lực lượng thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên các tuyến, khu vực, địa bàn trọng điểm. Việc ra đời tổ công tác 363 nhằm để tăng cường công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật phù hợp với diễn biến của tình hình mới.

Các tổ công tác 363 được bố trí theo 2 cấp: Cấp Công an thành phố bao gồm lực lượng các phòng nghiệp vụ (Cảnh sát hình sự, Cảnh sát giao thông, Cảnh sát cơ động); cấp Công an quận, huyện bố trí các tổ tuần tra kiểm soát trên những tuyến, địa bàn quận huyện.

Hiện tại, cấp Công an thành phố bố trí 7 Tổ tuần tra liên kiểm hỗn hợp, quân số mỗi Tổ gồm 12 người với tổng quân số huy động 1 ngày là 252 người. Quân số của mỗi tổ gồm: 3 cảnh sát giao thông, 6 cảnh sát cơ động, 3 cảnh sát hình sự. Vì vậy mà có tên gọi là tổ công tác 363. Cấp Công an quận huyện căn cứ tình hình thực tế của đơn vị để huy động, hình thành tổ tuần tra hỗn hợp công khai đảm bảo số lượng tối thiểu mỗi tổ là 12 người.

Văn Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/tuong-minh-noi-gi-ve-cu-dam-thep-hinh-su-dac-nhiem-huong-nam-1363931.tpo