Tướng Lê Trọng Tấn và hồi ức đánh cứ điểm 'bất khả xâm phạm' Him Lam

Sau khi quân ta chiếm được Him Lam, viên thiếu úy tù binh đã thán phục nói: 'Đánh được Him Lam thì các ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ'.

Đại tướng Lê Trọng Tấn, trong chiến dịch Điện Biên Phủ là Tư lệnh Đại đoàn 312, đơn vị đánh trận Him Lam mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử đêm 13/3/1954.

Trong hồi ký Từ Đồng Quan đến Điện Biên (NXB Quân đội nhân dân), kể lại: "Sau khi nhận nhiệm vụ ngày nào chúng tôi cũng đi trinh sát thực địa. Nhưng đến lúc này tình hình trung tâm Him Lam ra sao chúng ta vẫn chưa hiểu rõ cụ thể. Không thể thông qua một kế hoạch tiến công khi chưa thật hiểu cụ thể kẻ thù. Trận này phải tổ chức hiệp đồng tới từng mũi tiến công".

Ông liền cho gọi trung đội trưởng quân báo đại đoàn đến, hỏi về quy luật hoạt động của địch.

Trung đội trưởng quân báo Lư trả lời:

- Báo cáo đại đoàn trưởng, tôi nắm được quy luật hành động của chúng nó. Ban ngày cứ khoảng hai đến ba giờ chúng lại cho một trung đội ra bờ sông Nậm Rốm lấy nước. Chúng đi theo lối này. - Lư chỉ trên tấm bản đồ cụm cứ điểm Him Lam. - Ban đêm địch đi theo cổng chính ra phục kích cách đồn khoảng 500 m.

Nhìn bản đồ, tướng Tấn nghĩ: "Đây là đoạn đường ngày nào tôi cũng quan sát. Hai bên đường có rãnh thoát nước, những mô đất, những vạt cỏ cháy xém lúp xúp. Có thể phục kích ở chỗ này được đây! Địch ngăn chặn không cho ta vào đồn lại tổ chức phục ở ngoài, ta tổ chức phản phục kích bắt chúng phải khai. Khi đã ra ngoài phục thì chắc chúng nó không đề phòng phía trong. Phải làm những điều mà địch không tin ta làm được. Một trận phản phục kích của đối phương ở ngay sát chân đồn chắc là trong kế hoạch phòng ngự của địch không tính đến".

"Nghĩ thế tôi bảo Lư: - Ban đêm, khi địch mang quân ra phục kích, các đồng chí cho một trung đội bí mật bò sát vào gần đồn, chỗ cửa chính, dàn thành đội hình cái phễu, bí mật tiến về phía địch. Chờ nó đi phục về bắt sống vài tên. Cố bắt cho được tên chỉ huy. Đi như thế không lo vấp mìn. Đánh như thế cũng không sợ hỏa lực địch bắn thẳng và pháo. Bởi vì đường đi của lính đi phục, đường về và thời gian về của chúng đều nằm trong kế hoạch hiệp đồng rồi. Ta phải lợi dụng cách làm ăn bài bản của địch để đánh nó.

Lư chăm chú nghe tôi nói. Khuôn mặt thiếu ngủ của cậu trung đội trưởng quân báo bừng sáng:

- Báo cáo đại đoàn trưởng có thế mà chúng tôi không nghĩ ra. Xin phép đại đoàn trưởng cho tôi về tổ chức anh em.

- Khoan đã! Kế hoạch của cậu như thế nào, ta cùng bàn.

Lư trình bày cách tổ chức bộ đội thật gọn nhẹ, ngụy trang bằng đất (ở vùng này không có cỏ). Lực lượng này sẽ tiến ra cửa rừng vào lúc địch đi lấy nước. Quan sát đường đến trận địa phục kích, phân công cho từng tay súng. Chọn độ mươi người có sức khỏe để bắt sống tù binh. Cứ hai người vật một tên.

Tôi đưa Lư bao thuốc lá và ấm chè Phú Thọ mang về cho anh em. Tôi nói:

- Hẹn cho các cậu ba hôm phải bắt bằng được tù binh.

- Rõ!

Ba hôm phải hoàn thành nhiệm vụ. - Lư phấn chấn trả lời.

Đúng ba ngày sau, Lư dẫn lên sở chỉ huy tên thiếu úy Jacques (trong trận này quân báo đại đoàn đã tiêu diệt hơn một tiểu đội địch, bắt sống ba lính lê dương)".

"Jacques là một thiếu úy trẻ mới tốt nghiệp ở trường ra", tướng Tấn mô tả. "Tên thiếu úy đã khai hết những điều chúng tôi hỏi và cả những điều chưa kịp hỏi. Căn cứ vào những điều tổng hợp được, đối chiếu với lời khai của Jacques, chúng tôi thấy lời khai của tù binh này có thể tin cậy được. Him Lam trước có năm mỏm, nay địch dùng máy ủi san đi còn ba. Địch bố trí theo kiểu điểm tựa phòng ngự hình tròn. Mỗi điểm tựa có thể vừa tự bảo vệ mình lại vừa có thể chi viện cho nhau. Do địa hình nên địch bố trí hỏa lực thành nhiều tầng. Giữa các hỏa điểm có hào giao thông nối liền. Giữa các điểm có hàng rào và bãi mìn ngăn cách. Cứ điểm nào cũng có hầm ngầm và lực lượng phản kích. Trong khi tôi hỏi cung, anh em quân báo, tác chiến đã lên sơ đồ. Nhìn ngọn chì trong tay anh em tôi biết tất cả lời cung của Jacques đã được thể hiện lên sơ đồ.

Tôi cho Jacques điếu thuốc lá và một tách cà phê. Hắn cảm ơn rối rít. Tôi bảo hắn:

- Chúng tôi sẽ không giết anh đâu. Anh có điều gì cần nói không?

Jacques nói: - Thưa ngài, tôi đã khai hết những gì tôi biết về Beátrice(mật danh quân Pháp đặt cho cứ điểm Him Lam). Bây giờ tôi xin phép ngài cho tôi nói một điều từ trái tim tôi: các ngài không nên đụng đến Beátrice. Đó không phải là một vị trí thông thường. Nó là một pháo đài thực sự, một pháo đài “bất khả xâm phạm”.

Một cán bộ tác chiến có mặt trong cuộc hỏi cung nói với tên thiếu úy: - Chúng tôi đã được nghe khá nhiều về những cái “bất khả xâm phạm” của các anh. Từ cụm cứ điểm kiểu Đông Khê của tướng Carpentier cho đến hệ thống boong-ke của tướng De Lattre. Như anh biết đấy, ở đời không có cái gì là không thể chiếm được.

Tôi thấy tên thiếu úy đỏ mặt. Hắn nói tiếp: - Thưa các ông, Beátricedo chính một cố vấn Mĩ vừa ở Triều Tiên về thiết kế và trực tiếp đôn đốc thi công. Tướng Mĩ O' Daniel và ngài đại tá De Castries thân chinh tham gia bố phòng. Ngài bộ trưởng quốc phòng Pleven cũng đã đến tận nơi thanh tra. Chỉ huy Beátricelà thiếu tá Pégot, một sĩ quan lê dương chính cống.

Tôi bảo hắn: - Các anh hãy chờ đấy! Chúng tôi sẽ tiêu diệt Beátrice. Đây là Việt Nam. Anh hiểu không?"

Đại tướng viết tiếp về diễn biến trận đánh: "Chiến dịch lịch sử bắt đầu! Tôi nhìn đồng hồ: 17h10. Đạn pháo của ta rót trúng Him Lam, khu trung tâm tập đoàn cứ điểm, sân bay Mường Thanh, sân bay Hồng Cúm. Đòn phủ đầu của ta khá mạnh và rất bất ngờ (40 khẩu từ 75, cối 120 đến lựu pháo 105 ly). Chỉ huy trưởng và phó cụm Him Lam cùng trung tá chỉ huy phân khu trung tâm và cả ban tham mưu đều bị chết trong đợt này".

Sau trận tấn công cam go, quả cảm của các chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam, cứ điểm Him Lam đã bị tiêu diệt. Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn kể về diễn biến sau trận đánh:

"Hai mươi ba giờ 30 phút tôi báo cáo lên Bộ chỉ huy chiến dịch, đại đoàn đã hoàn thành nhiệm vụ tiêu diệt Him Lam, thu toàn bộ vũ khí. Giọng chỉ huy trưởng Võ Nguyên Giáp ấm áp:

- 312 đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời gian Bộ quy định 30 phút. Anh Tấn cho anh em sửa sang lại công sự. Chắc chắn sáng mai chúng nó sẽ phản kích.

- Anh Quang Trung đã lên Him Lam, ngay sau khi tiếng súng nổ vừa dứt. - Tôi báo cáo.

- Anh cho hỏi tên thiếu úy Jacques xem Him Lam có phải là pháo đài bất khả xâm phạm nữa không?

Tôi cho gọi Jasques lên. Hắn tròn xoe mắt kinh ngạc trước cái tin Beátrice bị diệt. Hắn nói, lần này cũng rất thật:

- Thưa ngài, ngài đánh được Him Lam thì ngài có thể đánh được bất cứ chỗ nào ở Điện Biên Phủ.

Lê Tiên Long

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/tuong-le-trong-tan-va-hoi-uc-danh-cu-diem-bat-kha-xam-pham-him-lam-post930025.html