Tương lai xuất bản Mỹ vẫn ảm đạm sau chiến thắng của Bộ Tư pháp

Ngăn chặn thành công vụ sáp nhập 2,175 tỷ USD không khiến người làm xuất bản Mỹ yên tâm, nhất là trong thời điểm hậu đại dịch, suy thoái kinh tế khiến doanh số bán sách sụt giảm.

 Lạm phát và hạn chế chuỗi cung ứng khiến nhiều người có cái nhìn ảm đạm về thị trường xuất bản Mỹ. Ảnh: ABC News.

Lạm phát và hạn chế chuỗi cung ứng khiến nhiều người có cái nhìn ảm đạm về thị trường xuất bản Mỹ. Ảnh: ABC News.

Vừa qua, Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện thành công, ngăn chặn vụ sáp nhập của 2 nhà xuất bản lớn nhất nước Mỹ - Penguin Random House và Simon & Schuster. Vụ kiện này được thực hiện nhằm chống sự độc quyền trên thị trường xuất bản, bảo vệ quyền lợi cho không chỉ người tiêu dùng mà cả các tác giả. Tuy nhiên, chiến thắng này không giúp tương lai ngành xuất bản Mỹ bớt mịt mùng được nhiều.

Theo tờ New York Times, Nhà xuất bản Penguin Random House tuyên bố sẽ kháng cáo quyết định của Thẩm phán Florence Yu Pan. Hồ sơ của tòa án tiết lộ rằng thỏa thuận mua bán giữa Penguin Random House và công ty mẹ của Simon & Schuster, Paramount Global, sẽ hết hạn vào cuối tháng 11. Kháng cáo lại cần nhiều thời gian để dàn xếp. Cho đến ngày 1/11, cả hai công ty vẫn chưa xác nhận xem liệu thỏa thuận này có được gia hạn hay không. Hiện vẫn chưa rõ chiến lược của Penguin Random House sẽ là gì.

Kinh doanh xuất bản đang gặp nhiều trở ngại

Sự không chắc chắn này xuất hiện vào thời điểm vốn không mấy tươi sáng đối với ngành xuất bản: nhiều người đang lo lắng về một cuộc suy thoái rình rập; lực cản lợi nhuận từ lạm phát và chuỗi cung ứng hạn chế.

Trong đại dịch, doanh số bán sách tăng đột biến. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, doanh số bán sách giấy đã giảm 6% so với 2021, tức hơn 37 triệu đơn vị theo thống kê của NPD BookScan. Hiệp hội các nhà xuất bản Mỹ đã báo cáo rằng, dựa trên dữ liệu thu được từ 1.368 nhà xuất bản, doanh thu của các nhà đã giảm 2,5% trong 7 tháng đầu năm nay.

Trong đó, doanh số bán sách bìa cứng đặc biệt thấp, giảm tới 10,5% so với năm ngoái. Ngay cả những công ty lớn như Hachette hay Penguin Random House cũng báo cáo doanh số khiêm tốn hơn nhiều.

Duy có Simon & Schuster lội ngược dòng và tăng trưởng vượt trội so với những đối thủ khác. Tính riêng 2 quý trong năm nay, doanh thu nhà xuất bản này đã tăng 34%, phần lớn là nhờ những tựa sách cũ bỗng được lan truyền trên các nền tảng mạng xã hội như tiểu thuyết It ends with us của Colleen Hoover; The last thing he told me - tiểu thuyết của Laura Dave, dành một năm trong danh sách bán chạy nhất và hiện đã bán được 2 triệu bản; tác phẩm đoạt giải Pulitzer Cuba: An American history của Ada Ferrer.

Những thành công thương mại của nhiều tác phẩm có thể phần nào “an ủi” Simon & Schuster và công ty mẹ - Paramount. Ngay cả khi thương vụ với Penguin Random House không thành, Paramount vẫn nhận được khoản phí bồi thường thiệt hại 200 triệu USD. Tuy nhiên, con số này chẳng thấm vào đâu nếu so với khoản tiền 2,175 tỷ USD trong hợp đồng sáp nhập.

Bên ngoài Nhà xuất bản Simon & Schuster. Ảnh: Hiroko Masuike/NYT.

Big Five sẽ chịu sự giám sát chống độc quyền gắt gao hơn

Tại buổi họp báo hôm thứ 2, thẩm phán Florence Yu Pan đã chính thức ủng hộ Bộ Tư pháp Mỹ trong vụ kiện ngăn chặn 2 nhà xuất bản Penguin Random House và Simon & Schuster sáp nhập. Với lập luận rằng thương vụ 2,175 tỷ USD ấy sẽ cản trở cạnh tranh thị trường và ảnh hưởng tiêu cực tới lợi ích tác giả, Bộ Tư pháp Mỹ đã giành được phần thắng.

Thương vụ kếch xù này làm dấy lên nhiều tranh luận về sự độc quyền mua tại phiên tòa. Nhiều ý kiến lo ngại rằng khi một nhà xuất bản đạt đến tầm cỡ như vậy, nó sẽ có quá nhiều quyền kiểm soát với những nhà cung cấp - trong trường hợp này là những tác giả bán chạy.

Người xét xử vụ kiện tại Tòa án Quận Columbia - Thẩm phán Pan đã đứng về phía Bộ Tư pháp. Hiệp hội Tác giả và Hiệp hội người bán sách Mỹ cho rằng quyết định này là một chiến thắng của các nhà văn và cho ngành xuất bản nói chung.

Nhà văn Douglas Preston, chủ tịch Hiệp hội Tác giả cho rằng thẩm phán đã thực sự lắng nghe tiếng nói của các tác giả. “Nếu không có tác giả thì không có sách”, ông nói. Preston cho rằng phán quyết này không chỉ có ý nghĩa với các tác giả và những đơn vị kinh doanh sách mà còn với những người ủng hộ sự tự do sáng tạo trong xã hội.

Dù có một năm kinh doanh khởi sắc, nhưng phán quyết từ phía tòa án vẫn khiến nhiều người ở Simon & Schuster lo lắng. Nhất là vào thời điểm công ty này vừa mới có 2 năm liên tiếp bấp bênh trên thị trường, tình hình kinh doanh không mấy khá khẩm.

Tối thứ 2, Jonathan Karp, giám đốc điều hành của Simon & Schuster, đã gửi một bức thư trấn an nhân viên. Ông viết: “Bất chấp phán quyết này, công ty vẫn tiếp tục phát triển. Simon & Schuster vẫn đang thành công và phát triển hơn bao giờ hết”.

Một số nhà phân tích suy đoán rằng phán quyết này sẽ gây cản trở cho các vụ sáp nhập và mua bán sau này, đồng thời khiến các nhà xuất bản lớn khác khó có thể thoát khỏi sự giám sát chống độc quyền.

Mike Shatzkin, nhà sáng lập và giám đốc điều hành của Idea Logical - một công ty phân tích hoạt động kinh doanh sách - cho biết: “Sẽ rất khó để bất kỳ công ty nào trong Big Five có thể mua được công ty nào khác cũng trong Big Five”.

Minh Hùng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-xuat-ban-my-van-am-dam-sau-chien-thang-cua-bo-tu-phap-post1371919.html