'Tương lai xanh' – cột mốc mới trên hành trình bền vững của Unilever

Đầu tháng 9/2020, Unilever đưa ra tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ Euro cho chương trình 'Tương lai xanh' để loại bỏ nguyên liệu hóa thạch trong các sản phẩm vệ sinh vào năm 2030. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Đỗ Thái Vương, Phó Chủ tịch Phát triển bền vững và Truyền thông Unilever Việt Nam về tuyên bố đáng chú ý này.

1. Thưa ông, đầu tháng 9 vừa qua, Unilever đưa ra tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ Euro cho chương trình Tương lai xanh” nhằm loại bỏ nguyên liệu hóa thạch trong các sản phẩm vệ sinh vào năm 2030. Xin ông cho biết việc loại bỏ nguyên liệu hóa thạch sẽ mang đến những lợi ích gì?

Nguyên liệu hóa thạch là nguồn tài nguyên có sẵn, được khai thác từ dưới lòng đất, và không thể tái tạo như than đá, dầu mỏ... Nhiều ngành công nghiệp đã và đang tận dụng nguồn nguyên liệu hóa thạch này trong sản xuất, dẫn đến việc nguồn tài nguyên này có thể bị cạn kiệt trong tương lai. Trong khi đó, thành phần chính của nguồn nguyên liệu hóa thạch này là carbon, thì lại đang có sẵn và dư thừa trên mặt đất, đến từ những nguồn tái chế hoặc có thể tái tạo. Vì thế, Unilever đã đưa ra sáng kiến “Tương lai xanh” và cam kết theo đuổi mục tiêu tận dụng nguồn carbon tái tạo hoặc tái chế thay cho các hóa chất từ nhiên liệu hóa thạch, nói theo một cách khác, chính là sự dịch chuyển có chủ ý ra khỏi nền kinh tế sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Việc phá vỡ sự phụ thuộc này, và thay thế sử dụng carbon tái chế chính là một trong những cách thức mà Unilever đã và đang xây dựng kinh tế tuần hoàn, giảm phát thải khí nhà kính, giảm suy thoái tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Hãy thử tưởng tượng các nguyên liệu hóa chất sản xuất sản phẩm vệ sinh và giặt giũ của mỗi gia đình đang sử dụng được thay thế bằng nguồn carbon tái tạo hoặc tái chế sẽ giúp giảm thiểu đáng kể sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào. Vì vậy, chương trình “Tương lai xanh”, được phát động ở quy mô lớn, là một bước quan trọng hướng tới cam kết của Unilever về giảm phát thải bằng 0 đối với các sản phẩm của mình vào năm 2039, thể hiện tầm nhìn của chúng tôi trong việc đổi mới toàn bộ hoạt động kinh doanh của mình.

2. Thưa ông, đứng ở góc độ của doanh nghiệp thì việc dịch chuyển này sẽ khá là tốn kém và lâu dài. Unilever đang rất thành công với những sản phẩm vệ sinh và giặt giũ hàng đầu thế giới, vì sao Unilever quyết tâm đầu tư để đổi mới?

Tại Unilever, chúng tôi có một niềm tin sâu sắc rằng trách nghiệm xã hội là một phần không thể thiếu trong hoạt động kinh doanh và là kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Chính vì vậy, từ năm 2010, chúng tôi đã bắt đầu triển khai Kế hoạch Phát triển Bền vững Unilever (USLP) trên toàn cầu, gắn mục tiêu phát triển của doanh nghiệp với các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc (SDGs). Kế hoạch này đã được triển khai đồng loạt tại các quốc gia mà công ty đặt trụ sở kinh doanh với 3 trụ cột chiến lược, bao gồm: 1-Đến năm 2020 sẽ giúp để cải thiện sức khỏe và điều kiện sống của hơn một tỷ người; 2- Giảm một nửa tác động môi trường trong các sản phẩm của chúng tôi trước năm 2030; 3- Hỗ trợ cải thiện sinh kế của hàng triệu người trước năm 2020.

USLP là chìa khóa để chúng tôi tạo dựng giá trị, bằng cách thúc đẩy tăng trưởng song hành với củng cố lòng tin, cắt giảm chi phí và giảm rủi ro. Các thương hiệu có mục đích rõ ràng (purposeful brand) của Unilever đã đóng góp 78% tổng mức tăng trưởng và 75% doanh thu vào năm 2019.

Chương trình “Tương lai xanh” của Unilever thuộc phạm vi trụ cột 2 – sẽ tiên phong giảm thiểu hơn nữa những tác động tiêu cực từ các sản phẩm làm sạch và giặt giũ bằng cách áp dụng các công nghệ bền vững mới nhất, áp dụng phương pháp tiếp cận “cầu vồng carbon” mới để chuyển đổi sang các nguồn carbon tái tạo và tái chế từ thực vật, không khí, tảo biển, và chất thải.* Nói một cách ngắn gọn, với “Tương lai xanh”, Unilever đang tái phát minh nền hóa học truyền thống để mang đến cho mọi người những sản phẩm vệ sinh hiệu quả cao với giá cả phải chăng, thân thiện với người tiêu dùng và môi trường. Bước đi táo bạo này sẽ đem lại lợi ích cho hàng tỷ người trên thế giới, giúp họ có cuộc sống khỏe mạnh hơn, bền vững hơn khi sử dụng các sản phẩm bền vững của chúng tôi.

3. Thưa ông, như vậy Tương lai xanh có thể coi là một cột mốc mới trên hành trình phát triển bền vững của Unilever từ năm 2010 đến nay. Ông có thể cho biết một số hoạt động tiêu biểu và thành quả đạt được của Unilever trong 10 năm triển khai kế hoạch này tại Việt Nam?

Năm nay, Unilever kỷ niệm 25 năm hoạt động tại Việt Nam. Từ những ngày đầu cho tới giờ, Unilever đã đặt mục tiêu mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng, nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người Việt Nam. Kế hoạch Phát triển bền vững Unilever (USLP) chính thức được giới thiệu vào năm 2010 tiếp tục trở thành kim chỉ nam cho mọi hoạt động của công ty. Trong hành trình 25 năm Unilever gắn bó với người tiêu dùng Việt Nam, 10 năm nỗ lực hiện thực hóa Kế hoạch phát triển bền vững, chúng tôi đã triển khai thành công rất nhiều chương trình như “Hành trình nhà vệ sinh sạch khuẩn”, “P/S bảo vệ nụ cười Việt Nam”, hay “Vì 1.000.000 trẻ em Việt Nam tự tin lấm bẩn và vui chơi an toàn” trong khuôn khổ kế hoạch hành động “Vì một Việt Nam khỏe mạnh” phối hợp với Bộ Y tế, từ đó hỗ trợ cải thiện điều kiện vệ sinh cho hơn 21 triệu người; hay chương trình hợp tác với Hội phụ nữ Việt Nam nhằm đào tạo nâng cao năng lực, kiến thức vệ sinh và dinh dưỡng cho 1,5 triệu phụ nữ, hỗ trợ xây dựng cơ chế và bàn giao cho Hội triển khai Quỹ Tài chính Vi mô, giúp hơn 46.000 hộ gia đình tiếp cận vay vốn với tổng số phát vốn lên đến 320 tỷ đồng. Và còn có thể kể đến dấu ấn 2,400 Làng Hoàn hảo mà Unilever tự hào thực hiện trong khuôn khổ chương trình hợp tác công tư “Xây dựng Nông thôn mới” cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam

Không ngừng lại tại đó, cam kết Phát triển bền vững của Unilever càng được khẳng định trong tình hình mới, khi thế giới và Việt Nam phải đối mặt với đại dịch COVID-19. Tôi muốn nhắc đến chương trình “Vững Vàng Việt Nam”, một chương trình Unilever tự hào chung tay cùng đất nước trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 như một ví dụ điển hình. Phối hợp thực hiện cùng Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo, và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, chúng tôi đã nhanh chóng chuyển hơn 500 tấn sản phẩm hỗ trợ cho hơn 1,6 triệu người tại 3.000 bệnh viện, trường học và các khu cách ly, đặc biệt là các bác sĩ, y tá, giáo viên và tình nguyện viên ở tuyến đầu ngay khi dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại Việt Nam. Song song với gói sản phẩm tài trợ, công ty cùng Bộ Y tế tiếp tục xây dựng chương trình truyền thông giáo dục nâng cao ý thức cộng đồng, tăng cường thói quen vệ sinh của người Việt để ngăn chặn sự lây lan của COVID-19 và một số bệnh lây nhiễm khác. Chương trình đã tiếp cận và mang thông tin hữu ích đến cho 25 triệu người Việt Nam chỉ trong vòng 6 tháng triển khai.

Một mục tiêu bền vững đáng chú ý khác của Unilever Việt Nam là thúc đẩy xây dựng nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, từng bước thay thế nền kinh tế tuyến tính truyền thống, vốn khai thác nhiều tài nguyên thiên nhiên và thải bỏ ra môi trường, gây ô nhiễm.

Với những cam kết, nỗ lực và kết quả đạt được trên chặng đường đồng hành và phát triền bền vững cùng đất nước, Unilever Việt Nam vô cùng tự hào được Chính phủ Việt Nam trao tặng danh hiệu “Doanh nghiệp Phát triển Bền vững hàng đầu” trong 4 năm liên tiếp (2016- 2019).

4. Thưa ông, ông vừa nhắc đến xây dựng kinh tế tuần hoàn của Unilever, đó cũng là một trong những mục tiêu của chương trình Tương lai xanh vừa được khởi động. Với mục tiêu nhất quán này, ông có thể cho biết thêm về những hoạt động thúc đẩy kinh tế tuần hoàn mà Unilever đã và đang triển khai trong thời gian qua?

Trên hành trình hướng đến phát triển bền vững, Unilever là một trong những doanh nghiệp tiên phong xây dựng kinh tế tuần hoàn trên phạm vi toàn cầu. Vào năm 2019, Unilever cam kết đảm bảo 100% bao bì nhựa của chúng tôi hoàn toàn có thể tái sử dụng, tái chế hoặc phân hủy vào năm 2025. Minh chứng cho những nỗ lực không ngừng, vào năm 2019 chúng tôi vô cùng tự hào được công nhận là công ty dẫn đầu ngành về Chỉ số bền vững Dow Jones và vào năm 2020 - năm thứ 10 liên tiếp, và là một trong những công ty dẫn đầu trong cuộc khảo sát của GlobeScan / SustainAbility Sustainable Leaders.

Tại Việt Nam, Unilever đã đặt ra mục tiêu xây dựng kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa, mà phần lớn hiện nay đang bị thải bỏ ra môi trường. Rác thải nhựa sẽ được thu gom, phân loại, và đưa vào tái chế, xử lý để tạo ra nhiều sản phẩm hữu ích cho người tiêu dùng, đồng thời làm giảm tình trạng ô nhiễm trắng tại Việt Nam. Để hiện thực hóa mục tiêu này trong 5 năm tới, Unilever đang hợp tác với Bộ Tài nguyên Môi trường và các công ty khác có cùng mục tiêu như Dow, SCG xây dựng mô hình kinh tế tuần hoàn trong quản lý rác thải nhựa tại Việt Nam trong khuôn khổ chương trình hợp tác Công – Tư với Bộ Tài nguyên và Môi trường, bao gồm 4 lĩnh vực: Phân loại rác tại nguồn, Kỹ thuật tái chế, Góp ý xây dựng luật, và Giáo dục – Truyền thông. Ngoài ra, Unilever cũng đang tiên phong hợp tác cùng Công ty Môi trường Đô thị Hà Nội (URENCO Hà Nội) xây dựng chương trình phân loại rác tại nguồn kết hợp thu gom, tái chế rác thải nhựa trên toàn thành phố Hà Nội. Chương trình đã được khởi động vào quý III năm nay và nhận được sự hưởng ứng hết sức tích cực từ người dân và chính quyền.

5. Thưa ông, Unilever nổi bật như một doanh nghiệp tiên phong phát triển bền vững, với những chương trình dài hơi nhiều năm qua, và các sáng kiến thời gian gần đây như “Vững vàng Việt Nam” hay Phân loại rác tại nguồn đã đưa ra lời giải cho những vấn đề nổi cộm nhất tại Việt Nam hiện nay. Là một nhà tiên phong thường sẽ đối đầu với nhiều khó khăn và đôi lúc sẽ cảm thấy “cô đơn”. Unilever sẽ làm gì để tiếp tục kiên trì theo đuổi mục tiêu này?

Khó có thể tránh khỏi những khó khăn và thử thách trên hành trình chinh phục những mục tiêu tham vọng của Unilever trong phát triển bền vững, nhưng một điều có thể chắc chắn, chúng tôi không hề đơn độc trong hoạt động này. Thực tế trong những năm qua, sự hợp tác lâu năm với các đối tác của Chính phủ như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo… đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho Unilever triển khai các hoạt động trong khuôn khổ chương trình “Vì Một Việt Nam khỏe mạnh” ở phạm vi rộng khắp cả nước, để nguồn lực được phân phối một cách tốt nhất và cho những đối tượng cần thiết nhất. Chúng tôi cũng thường xuyên chia sẻ sáng kiến, kinh nghiệm tại các hội nghị, hội thảo trong cộng đồng doanh nghiệp, từ đó những mục tiêu phát triển bền vững của Unilever càng nhận được sự ủng hộ của Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Chính sự đồng thuận của Chính phủ và các cơ quan bộ ban ngành, sự hợp tác bền chặt của các đối tác, sự ủng hộ từ khách hàng, các cơ quan truyền thông và đông đảo công chúng đã tạo ra sức mạnh giúp những chương trình Phát triển bền vững mà Unilever theo đuổi lan tỏa nhanh, rộng và hiệu quả trong suốt 25 năm qua.

Là một công ty hàng đầu trong ngành hàng tiêu dùng, Unilever cam kết sẽ đi đầu trong công cuộc đổi mới cho mục tiêu phát triển bền vững. Chúng tôi tin rằng tất cả chúng ta cần phải tiếp tục hiện thực hóa nhiều thay đổi mang tính đột phá hơn nữa. Với chương trình “Tương lai xanh”, Unilever Việt Nam mong muốn sẽ truyền cảm hứng và tạo tiền đề cho các doanh nghiệp khác cùng chung tay trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường. Vì người tiêu dùng và chính chúng ta, không ai muốn chọn lựa giữa một sản phẩm có chất lượng tốt hay một sản phẩm thân thiện với môi trường, chúng ta có thể chọn và nên cùng nhau tạo ra những sản phẩm vừa tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, vừa tốt cho môi trường, và tốt cho nền kinh tế.

Xin cảm ơn Ông!

* Phương thức tiếp cận “cầu vòng carbon”: thay thế các tài nguyên không thể tái tạo (carbon đen) bằng CO2 thu được (màu tím), thực vật và sinh học (xanh lá cây), tảo biển (xanh lam) và carbon thu hồi được từ chất thải như nhựa (xám). Tham khảo thêm thông tin tại https://www.unilever.com.vn/news/news-and-features/2020/we-are-reimagining-the-future-of-cleaning.html

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/tuong-lai-xanh-cot-moc-moi-tren-hanh-trinh-ben-vung-cua-unilever-1730943.tpo