Tương lai về một kế hoạch hòa bình tại Afghanistan

Thủ đô Kabul của Afghanistan tiếp tục 'rung chuyển' bởi vụ đánh bom liều chết vào một đám cưới khiến 63 người thiệt mạng và 182 người bị thương ngày 17-8. Vụ khủng bố 'đẫm máu' diễn ra trong khi Mỹ và Taliban gần đi đến một thỏa thuận chấm dứt xung đột vũ lực tại đất nước đã trải qua nhiều thập kỷ đau thương bởi chiến tranh này.

Một góc hiện trường vụ đánh bom khủng bố. Ảnh: EPA

Một góc hiện trường vụ đánh bom khủng bố. Ảnh: EPA

Theo công bố của Bộ Nội vụ Afghanistan, số thương vong trong vụ đánh bom liều chết đều là dân thường, trong đó có nhiều phụ nữ và trẻ em đang dự tiệc cưới. Cô dâu, chú rể đều may mắn thoát nạn. Tất cả bác sĩ tại Thủ đô Kabul được huy động để cấp cứu những người bị thương.

Vụ đánh bom nhắm vào khu vực thiểu số người Hồi giáo dòng Siite, diễn ra sau lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo và trước kỷ niệm 100 năm độc lập của Afghanistan (19-8). Thảm kịch diễn ra một ngày sau một vụ đánh bom liều chết đã khiến một người anh của thủ lĩnh Taliban –ông Haibatullah Akhundzada thiệt mạng. Dư luận ngay sau đó đặt nghi vấn rằng, Taliban là thủ phạm thực hiện vụ đánh bom vào đám cưới. Tuy nhiên, tổ chức khủng bố này đã phủ nhận và lên án vụ tấn công đẫm máu trên.

Ngày 18-8, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani đã kịch liệt lên án vụ thảm sát. Tổng thống Ghani mạnh mẽ khẳng định rằng, Taliban không vô tội, vì tổ chức này đã tạo nên “nền tảng” khủng bố. Trên trang mạng xã hội Twitter của mình, Tổng thống Ghani cho biết, Chính phủ ưu tiên hàng đầu cho việc thăm hỏi, động viên gia đình các nạn nhân, khắc phục hậu quả vụ đánh bom. Tổng thống Ghani cũng triệu tập cuộc họp đặc biệt để củng cố an ninh, ngăn chặn những thảm kịch tương tự.

Cùng ngày, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã đứng ra nhận tổ chức này mới là thủ phạm. Trong tuyên bố trên trang web của mình, các nạn nhân bị IS gọi là “kẻ ngoại đạo”. Thành viên của tổ chức khủng bố này đã vào khu vực lễ tân và phát nổ bom trên người. Taliban và IS đều thực hiện nhiều cuộc khủng bố trong thời gian qua tại Kabul. Gần nhất là vụ đánh bom của Taliban nhắm vào lực lượng an ninh sở tại vào ngày 7-8 khiến 14 người thiệt mạng và 145 người bị thương. Trước đó, ngày 25-7, Thủ đô Kabul đã “rung chuyển” bởi 3 vụ đánh bom liên hoàn do IS thực hiện khiến 15 người thiệt mạng và 50 người bị thương,...

Trong năm 2018, hơn 3.800 người thiệt mạng, gồm 900 trẻ em bởi xung đột vũ lực giữa Taliban, Mỹ, các lực lượng đồng minh, IS và các lực lượng khác ở Afghanistan. Thống kê của Liên hợp quốc cho biết, từ tháng 1 tới nay, đã có hơn 26.000 người thiệt mạng và khoảng 49.000 người khác bị thương do xung đột vũ trang.

Vụ đánh bom mới nhất xảy ra trong bối cảnh Mỹ muốn rút quân khỏi Afghanistan và đang thực hiện thương lượng với Taliban. Theo cam kết này, Taliban sẽ phải tiến hành đối thoại an ninh, cam kết hòa bình với Chính phủ Afghanistan.

Dự kiến, Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ rút khoảng 20.000 binh sĩ. Ngược lại, Taliban phải cam kết không để các nhóm thánh chiến Hồi giáo, trong đó có Al-Qaeda biến Afghanistan thành “nơi trú ẩn an toàn”. Đồng thời, Taliban phải tiếp tục chiến đấu với IS.

Trái ngược với Mỹ, Chính phủ Afghanistan luôn khẳng định không đàm phán với Taliban, dù Mỹ đã liên tục thực hiện đàm phàn kể từ năm ngoái. Đầu tháng 9 tới đây sẽ diễn ra bầu cử Tổng thống Afghanistan và Mỹ muốn đạt được một thỏa thuận vào trước đó. Trong một diễn biến khác, Taliban từng khẳng định với các nhà đối thoại Iran rằng, Taliban đặt tham vọng thành lập một chính phủ mới do Taliban đứng đầu và cai trị một tiểu vương quốc Hồi giáo.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-lai-ve-mot-ke-hoach-hoa-binh-tai-afghanistan/