Tương lai thương mại điện tử và bán lẻ đang được viết lại tại Trung Quốc

Trải nghiệm mua sắm tại Trung Quốc đã chuyển tới một nấc thang mới và cả thế giới cần phải dõi theo. Trong đó, người nắm vai trò chìa khóa là Alibaba, doanh nghiệp thương mại điện tử khổng lồ được đánh giá đang ở thời kỳ bùng nổ khi nắm giữ nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới (quy mô gấp hơn 2 lần Amazon) và đứng thứ ba về quảng cáo số, chỉ sau Google và Facebook.

Trong ít nhất 12 tháng qua, Alibaba đã mang tới trải nghiệm mới cho người dùng mang tên gọi “bán lẻ kiểu mới”. Cụ thể, hơn 1 triệu cửa hàng đã tham gia sáng kiến mang tên gọi Lingshoutong. Đây là sáng kiến tiến hành trang bị lại các thiết bị cho cửa hàng, cho phép các cửa hàng sử dụng trực tiếp các kênh logistics, dữ liệu khách hàng của Alibaba với mức chiết khấu ưu đãi hàng tháng.

Bên cạnh đó, chuỗi cửa hàng bán lẻ thực phẩm công nghệ cao của Alibaba mang tên Hema cũng đang mở rộng nhanh chóng. Hema là mô hình nhà hàng, siêu thị, quầy thực phẩm tất cả trong một, đồng thời là nhà kho cho dịch vụ vận chuyển đồ ăn trong vòng 30 phút trong bán kính 3 km. Hiện tại, có 64 Hema đang hoạt động và mỗi tuần có thêm 2 cửa hàng mới.

Tới nay, chuỗi cửa hàng Hema đã đi vào hoạt động được 18 tháng và doanh thu đạt 50.000 nhân dân tệ/m2, cao gấp 5 lần mức các cửa hàng truyền thống có thể đạt được. 60% doanh thu của Hema tới từ kênh đặt hàng online, khiến các cửa hàng này hoạt động với hiệu suất cao hơn, nhiều thời gian hơn và mang lại doanh thu tốt hơn.

Đáng chú ý, điều khiến Hema được kỳ vọng sẽ tăng trưởng rất mạnh mẽ là việc cửa hàng này có một thị trường chưa khai thác cực kỳ rộng lớn. Nếu như tại Mỹ, 90% các loại đồ ăn, thức uống được cung cấp tại các cửa hàng tiện lợi, siêu thị thì tại Trung Quốc, các chợ nông sản, thực phẩm vẫn là hình thức cung cấp loại hàng hóa này chủ yếu, chiếm 70% thị phần.

Với việc tập trung vào đồ ăn tươi sống và thực phẩm chế biến sẵn, Hema đang sở hữu thị trường dường như không giới hạn và sẽ tiếp tục thúc đẩy thêm các trải nghiệm mua sắm online và offline cùng lúc tại lĩnh vực này.

Chưa kể, tham vọng của Alibaba còn được thể hiện ở việc thâu tóm Ele.me, nền tảng vận chuyển đồ ăn online với 167 triệu người dùng. Ele.me đang nhắm tới 600 triệu khách hàng sử dụng nền tảng thương mại điện tử Taobao và Tmall, đều thuộc Alibaba và 870 triệu khách hàng của Alipay – dịch vụ thanh toán điện tử của Tập đoàn.

Đặc biệt, với việc sáp nhập Tmall, Alibaba đang tạo ra chuỗi các cửa hàng cho phép người tiêu dùng bước vào, thử sản phẩm, lựa chọn mọi phụ kiện trên một màn hình điện tử lớn ngay tại cửa hàng, thanh toán bằng Alipay và lựa chọn tự mang về hay sẽ được vận chuyển tận nhà. Alibaba cũng có các siêu thị nội thất sử dụng thực tế ảo (VR) cho phép khách hàng trải nghiệm không gian nội thất như thật khi được sắp đặt trong ngôi nhà của mình.

Tuy nhiên, phát triển trải nghiệm bán lẻ không phải là con đường toàn hoa hồng. Sáng kiến kết hợp kênh online và offline nhắm vào thị trường mục tiêu có thể mang lại doanh thu lớn hơn 5 lần chỉ bán online, nhưng lợi nhuận chỉ đạt 1/5 so với bán online. Trong khi đó, kỳ vọng của người tiêu dùng và các nhà buôn sẽ không ngừng thay đổi, tạo nên cả cơ hội và thử thách mới.

Bên cạnh đó, đây là yếu tố thúc đẩy việc mua sắm? Ngoài nhu cầu, còn là thói quen, thú vui và sự bốc đồng. Các doanh nghiệp bán lẻ không chỉ cung cấp hàng hóa, sự thuận tiện, giá cả phải chăng và trải nghiệm mà còn phải tạo kết nối với người dùng.

Vấn đề này không mới, nhưng không phải nền tảng thương mại điện tử nào cũng có thể làm được như Alibaba, khi mọi phản ánh của khách hàng đều trở thành vấn đề được ưu tiên giải quyết hàng đầu. Trong bối cảnh này, dễ nhận thấy ngành bán lẻ đang trong giai đoạn phát triển mới, nhưng mọi việc diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn tại Trung Quốc.

Lam Phong - Theo báo chí nước ngoài

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/quoc-te/tuong-lai-thuong-mai-dien-tu-va-ban-le-dang-duoc-viet-lai-tai-trung-quoc-249340.html