Tương lai phát triển rộng mở với Triều Tiên

Một kết quả tích cực đạt được tại Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên diễn ra tại Hà Nội được cho là sẽ mở rộng cánh cửa hội nhập, tạo cơ hội lớn cho nền kinh tế Triều Tiên 'cất cánh'.

Hàng nghìn công nhân Triều Tiên đã làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong liên danh giữa hai miền Triều Tiên

Hàng nghìn công nhân Triều Tiên đã làm việc tại Khu công nghiệp Kaesong liên danh giữa hai miền Triều Tiên

Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần thứ hai diễn ra trong 2 ngày 27 và 28-2 tại Hà Nội theo thông báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang được dư luận khắp thế giới dõi theo với quan tâm sâu sắc. Một kết quả tích cực đạt được giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại hội nghị diễn ra ở Hà Nội - thành phố vì Hòa bình này sẽ tạo ra bước đột phá trong tiến trình phi hạt nhân hóa cũng như việc hòa giải, đối thoại và hợp tác giữa Mỹ - Triều Tiên và các bên liên quan.

Mối quan hệ giữa hai quốc gia có mối quan hệ thù địch từ sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai tới nay đã có bước tiến được xem là “phá băng” khi đạt cam kết phi hạt nhân hóa tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore tháng 6-2018. Tuy nhiên, việc thực thi thỏa thuận phi hạt nhân hóa Triều Tiên - chặng đầu tiên trên con đường dài chấm dứt tình trạng chiến tranh, tiến tới hòa giải, bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Triều Tiên - đã hầu như không tiến triển đáng kể từ đó đến nay.

“Nút thắt” phi hạt nhân hóa đang được trông đợi Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un cùng chung tay tháo gỡ trong cuộc gặp thượng đỉnh ở Hà Nội. Việc hai nhà lãnh đạo đạt được thỏa thuận tại Hà Nội về những cam kết cụ thể thực thi tiến trình phi hạt nhân hóa không thể đảo ngược và có thể giám sát, kiểm chứng sẽ giúp hai bên “vượt chướng ngại vật” để đi tới các bước tiếp theo là hủy bỏ cấm vận, chấm dứt tình trạng chiến tranh, bình thường hóa quan hệ và thiết lập quan hệ ngoại giao.

Bình thường hóa quan hệ Mỹ - Triều Tiên là nhân tố quyết định để mở ra con đường đi tới hòa giải, đối thoại và hợp tác trên Bán đảo Triều Tiên cũng như khu vực Đông Bắc Á. Điều đó cũng mở ra cánh cửa hòa nhập, hợp tác rộng lớn với cộng đồng quốc tế của Triều Tiên, qua đó thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế có dấu hiệu khởi sắc thời gian qua song còn nhiều khó khăn.

Tổng thống Mỹ Donald Trump tin tưởng Triều Tiên có thể trở thành một trong những “cường quốc về kinh tế” nếu từ bỏ toàn bộ kho vũ khí hạt nhân.

Tổng thống Donald Trump trong thông báo đăng tải trên Twitter ngày 24-2 trước khi khởi hành tới Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên đã bày tỏ tin tưởng rằng, Triều Tiên sẽ thành cường quốc kinh tế nếu không có vũ khí hạt nhân. Đánh giá của Tổng thống Donald Trump cũng là điều được giới kinh tế thế giới chia sẻ nhiều trước đó.

Với vị trí địa lý thuận lợi, nền tảng hạ tầng, khoa học-kỹ thuật, dân số cần cù, kỷ luật và tài nguyên khoáng sản phong phú, Triều Tiên có tiềm năng phát triển nhanh chóng về kinh tế. Trên thực tế, giới đầu tư thế giới, đặc biệt là Hàn Quốc, đã chuẩn bị từ khá lâu để đón bắt cơ hội làm ăn một khi Triều Tiên được dỡ bỏ cấm vận và mở cửa, hội nhập với quốc tế.

Nền kinh tế Triều Tiên đã có sự chuyển mình đáng kể từ sau khi Chủ tịch Kim Jong-un lên nắm quyền vào cuối năm 2011 bất chấp các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên hợp quốc, trong đó tăng trưởng ấn tượng nhất vào năm 2016 với mức tăng 6,1%. Nhiều cải cách theo định hướng kinh tế thị trường cũng được triển khai vào năm 2014 nhằm tự do hóa hơn nữa nền kinh tế và nâng cao mức sống của người dân.

Nhiều tập đoàn của Nga, Trung Quốc và phương Tây cũng đang chuẩn bị đầu tư vào nước này ngay sau khi Liên hợp quốc dỡ bỏ lệnh cấm vận Triều Tiên. Mới đây, Tập đoàn Samsung của Hàn Quốc cho biết, họ có kế hoạch dời nhà máy sản xuất điện thoại tới Triều Tiên.

HOÀNG TUẤN

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/the-gioi/tuong-lai-phat-trien-rong-mo-voi-trieu-tien/800504.antd