Tương lai nào cho Thượng đỉnh liên Triều tháng tới?

Cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên tháng Chín tới tại Bình Nhưỡng ẩn chứa không ít rủi ro và thách thức.

Lần cuối cùng hai nhà lãnh đạo này tiếp xúc là vào ngày 26/5, sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố hủy bỏ thượng đỉnh Mỹ - Triều. Tuy ngắn ngủi và không có nhiều sự chuẩn bị, song rõ ràng cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un lần trước đã mang lại kết quả rõ rệt, tác động tới việc khiến ông chủ Nhà Trắng “hồi tâm chuyển ý”.

Dù vậy, so với hai lần trước, cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều sắp tới có thể sẽ khó khăn hơn đối với phía Hàn Quốc. Lần này, ông Moon Jae-in và Kim Jong-un sẽ cùng nhau thực hiện tuyên bố ngày 27/4 tại làng đình chiến Panmunjom (Bàn Môn điếm) về các hoạt động liên Triều và nối lại tình hữu nghị song phương.

Kể từ cuộc gặp hồi tháng Tư, các hoạt động liên Triều đã bắt đầu được tăng cường. Trước đó, không thể không kể đến những nỗ lực ngoại giao đầu tiên tại Thế vận hội mùa đông Pyeong Chang, nơi quan chức song phương không chỉ trao đổi về thể thao mà còn xây dựng lòng tin về chính trị.

Ngày 20 – 26/8 tới, Bình Nhưỡng và Seoul sẽ tổ chức cuộc đoàn tụ cho các gia đình bị ly tán trong chiến tranh Triều Tiên, đánh dấu một bước tiến nữa trong nỗ lực đưa hai miền Triều Tiên ngày càng xích lại gần nhau.

Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un (phải) và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in tại thượng đỉnh liên Triều lần thứ Hai ngày 26/5. (Nguồn: AFP)

Phía Hàn Quốc rất muốn thúc đẩy tất cả các hoạt động liên Triều, ngoại trừ những gì bị cấm bởi lệnh trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Sau khi Triều Tiên tiến hành hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân vào năm 2016 và 2017, cơ chế trừng phạt quốc tế dành cho nước này càng được mở rộng.

Về phần mình, truyền thông Triều Tiên đang đề cập đến việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, nhấn mạnh nước này giữ vững quyết tâm và cam kết thực thi đầy đủ Tuyên bố chung ngày 12/6 tại Singapore với thái độ trách nhiệm và chân thành. Theo đó, Bình Nhưỡng đã có hàng loạt các bước đi tích cực như dỡ bỏ các thiết bị thử nghiệm hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa, tháo dỡ cơ sở thử nghiệm động cơ đẩy nhiên liệu lỏng tại Trạm khởi động vệ tinh Sohae và trao trả 55 hài cốt binh lính Mỹ tử trận trong chiến tranh Triều Tiên.

Tuy nhiên, báo cáo của phía Mỹ cho thấy Triều Tiên tiếp tục sản xuất tên lửa đạn đạo và không loại trừ khả năng Bình Nhưỡng chưa “thật lòng” với những cam kết của mình. Đây có lẽ là lý do tại sao Washington vẫn không cân nhắc gỡ bỏ các lệnh trừng phạt.

Từ bên ngoài nhìn vào, động lực cho cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều có vẻ vững chắc. Song trên thực tế, đây sẽ là thử thách vô cùng khó khăn dành cho Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in. Một mặt, trước áp lực từ Mỹ về một Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn”, ông cần có những phát biểu cứng rắn tại Bình Nhưỡng, nhằm đảm bảo rằng những cam kết từ Tuyên bố Panmunjom ngày 12/4 và thượng đỉnh tại Singapore ngày 12/6 được thực hiện. Mặt khác, Tổng thống Moon Jae-in cần cẩn trọng, tránh phả hỏng tiến trình hòa bình song phương dày công vun đắp.

Tìm kiếm hòa bình chưa bao giờ là công việc dễ dàng, đặc biệt là tại một bán đảo Triều Tiên còn nhiều hoài nghi và toan tính.

Hải Yến

(theo The Diplomat)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/tuong-lai-nao-cho-thuong-dinh-lien-trieu-thang-toi-76208.html