Tương lai nào cho tân Thủ tướng Boris Johnson?

Boris Johnson và nước Anh, hai hình ảnh trái ngược cuối cùng lại hòa làm một.

Ngày 24-7 vừa rồi, một trong những chính trị gia khó dự đoán nhất đã ngồi vào chiếc ghế Thủ tướng Anh. Và giờ là lúc người dân Anh thấp thỏm cùng vị lãnh đạo mới của mình.

Nửa nhà báo, nửa chính trị gia

Chưa từng có vị thủ tướng nào ít kinh nghiệm làm việc trong nội các như Boris Johnson, khi bước vào ngôi nhà số 10 phố Downing. Thực tế, ngoài 2 năm giữ chức vụ Ngoại trưởng Anh dưới thời bà Theresa May (2016-2018), nhà lãnh đạo 55 tuổi chưa từng làm việc gì khác trong Chính phủ Anh trước đó. Thậm chí năm 2018, ông đã phải từ chức vì chính những phát biểu "lố" của mình.

Tuy nhiên, Boris Johnson không phải là một cái tên lạ lẫm. Trong 8 năm giữ vị trí Thị trưởng London (2008-2016), ông rất nổi tiếng với màn treo người trên dây cổ vũ cho Thế vận hội London 2012. Boris Johnson sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị. Cha ông - Stanley Johnson - từng là lãnh đạo nhóm nghị sĩ đảng Bảo thủ.

Sự nghiệp của Boris Johnson cũng được biết đến từ khá sớm với vai trò là nhà báo làm việc cho tờ Daily Telegraph ở Brussels (Bỉ) và biên tập viên cho tờ Spectator. Như vậy, ông chính là nhà báo chuyên nghiệp đầu tiên bước chân vào số 10 phố Downing.

"Nhà báo" Boris Johnson khi đó ghi dấu vì tâm lý hoài nghi châu Âu trong bối cảnh EU vẫn đang phát triển mạnh mẽ. Sau khi bất ngờ trở thành Thị trưởng London, Boris Johnson gây ấn tượng với hình ảnh một nhân vật bình dân, hài hước và vui tính, với sức hấp dẫn vượt khỏi các cử tri Bảo thủ truyền thống, khác xa với những lãnh đạo thường bị đánh giá là quá nghiêm nghị của đảng này.

Ngược lại, ông cũng bị chỉ trích vì để cao chủ nghĩa tinh hoa, chủ nghĩa thân hữu, không trung thực, lười biếng và sử dụng ngôn ngữ kỳ thị phân biệt chủng tộc cùng những phát ngôn bừa bãi.

Tham vọng về một “Nước Anh toàn cầu” đầy hoài niệm của vị tân Thủ tướng.

Tham vọng về một “Nước Anh toàn cầu” đầy hoài niệm của vị tân Thủ tướng.

Ông từng bị tờ The Times sa thải vì làm giả một trích dẫn khi mới bước vào làng báo. Trong 8 năm làm Thị trưởng London, ông xây dựng được nhiều nhà ở xã hội, trồng được 10.000 cây xanh, mở rộng hệ thống giao thông công cộng nhưng đồng thời cũng bị cho là chẳng phải làm gì ngoài việc tiêu tiền vì khi đó cả nước Anh đang dồn sức cho London tổ chức Thế vận hội.

Khoảng thời gian 2 năm làm Ngoại trưởng, ông "nổi tiếng" vì thường xuyên bỏ bê các buổi thông báo về hoạt động ngoại giao, thường xuyên có những pha "vạ miệng" và liên tục vô cớ công kích chính phủ các nước EU. Nhiều nhà ngoại giao Anh nói rằng họ cảm thấy nhẹ nhõm hẳn khi Johnson từ chức Ngoại trưởng.

Tuy nhiên, Boris Johnson lại ghi điểm ở giai đoạn ông làm Thị trưởng London, thành phố này phát triển mạnh mẽ và trở nên thân thiện với môi trường hơn.

Thêm vào đó, sự thắng lợi của Brexit năm 2016 được cho là thành quả của Johnson khi ông luôn đứng lên kêu gọi cho một nước Anh độc lập với EU cùng những thuận lợi cho nó để có thể cất cánh. Chính vì thái độ kiên định với Brexit đó mà bà Theresa May đã chỉ định ông làm người kế nhiệm mình hòng giải quyết vấn đề lớn nhất của nước Anh ở thời điểm hiện tại.

Hình ảnh một chính trị gia với mái tóc lộn xộn, đôi mắt trố, tròn luôn tỏ vẻ ngạc nhiên đầy hài hước, không hề biết giữ kẽ trong mỗi phát ngôn và luôn có vẻ nhiệt tình thái quá giờ đây lại trở thành người lãnh đạo con thuyền Anh trong cơn bão tố thật sự làm không ít người cảm thấy tò mò.

Brexit không cần thỏa thuận

Phát biểu đầu tiên của ông Boris Johnson khi nhậm chức lãnh đạo đảng Bảo thủ thay bà Theresa May là: "Nước Anh sẽ hoàn tất quá trình Brexit đúng ngày 31-10 tới. Chúng ta không cần thỏa thuận nào hết. Người dân Anh hãy tận dụng cơ hội này để lấy lại niềm tin. Giống như một người khổng lồ ngủ quên, hãy đứng dậy và loại bỏ mọi nghi ngờ".

Tại sao ông Boris Johnson lại tuyên bố mạnh mẽ đến như vậy? Dễ hiểu bởi trong 8 năm lãnh đạo London, ông đã chứng kiến một thành phố phát triển như vũ bão, trở thành trung tâm tài chính của thế giới, vượt khỏi khuôn khổ châu Âu, đồng thời cũng chứng kiến những cuộc khủng hoảng châu Âu cản trở nước Anh bứt phá như thế nào.

Một giấc mơ đẹp, trong đó nước Anh hùng mạnh sẽ tháo khỏi mình xiềng xích mà châu Âu đặt ra, để tự do làm gì mình muốn là điều mà Boris Johnson cùng những người ủng hộ ông hướng tới.

Tuy nhiên, con số tuyệt đối 87,4% đảng viên ủng hộ ông Boris Johnson lên vị trí lãnh đạo trong cuộc bỏ phiếu nội bộ đảng Bảo thủ hôm 23-7 vừa qua thì lại khá bất ngờ với nhiều người. Trong tình thế bà Theresa May gần như tuyệt vọng với mớ hỗn độn Brexit, một người sẵn sàng làm tất cả để Anh được ra đi như Boris Johnson có vẻ là một sự lựa chọn hợp lý. Nhưng...

Chỉ ngay trong ngày hôm đó, giá đồng bảng Anh đã giảm 5% xuống chỉ còn đổi được 1,24 USD. Đây là mức thấp nhất của đồng tiền này trong hơn 2 năm qua kể từ khi Brexit được thông qua chính thức. Nên nhớ, nước Anh đang phải nhập 53% hàng hóa từ EU.

Nếu một Brexit không thỏa thuận diễn ra thì số hàng hóa này sẽ bị đánh thuế ngay lập tức. Giá cả leo thang kéo theo lạm phát, Viện Kinh tế Anh đã dự báo mức lạm phát 4% và đồng bảng mất giá 10% ngay trong năm nay nếu kịch bản xấu này diễn ra.

Thêm vào đó, khác với thời ông Johnson còn làm Thị trưởng London, kinh tế Anh từ đầu năm tới giờ đang có dấu hiệu suy thoái và cũng theo Viện Kinh tế Anh thì năm 2020, bất chấp một Brexit có hay không thỏa thuận, nền kinh tế đảo quốc này cũng khó tăng trưởng dương được.

Còn người dân Anh thì sẽ nhanh chóng cảm nhận được rắc rối ngay thôi, bởi có thể sau ngày 31-10 tới, biên giới giữa Anh và EU sẽ lập tức được thiết lập hàng rào kiểm soát. Lúc đó, chính những người đã từng ủng hộ cho kế hoạch của ông Johnson sẽ phải tự hỏi mình rằng: đây là một nước Anh tự do hay nước Anh bị cô lập?

Một giấc mơ toàn cầu?

Nhưng Boris Johnson còn tham vọng hơn rất nhiều, khi trong một tuyên bố mới nhất của mình đã nhắc tới chiến lược “Nước Anh toàn cầu” (Global Britain): “Chúng ta sẽ rời khỏi châu Âu. Tôi sẽ làm cho Vương quốc Anh vĩ đại trở lại và thịnh vượng như xưa”.

Nghe có vẻ giống một nhà lãnh đạo đầu bạc khác bên kia bờ Đại Tây Dương, người thường được sánh với Boris Johnson như là hai ngôi sao của phe cực hữu trên chính trường các nước nói tiếng Anh: Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Nhưng, trong khi ông Trump có sức mạnh của đồng USD và sẵn sàng đóng cửa biên giới để bảo vệ mình thì Boris lại muốn vươn ra thế giới để lấy lại tầm ảnh hưởng như một nước Anh của 200 năm trước.

Ông Boris Johnson với nỗ lực đưa nước Anh thoát khỏi châu Âu.

Theo đó, Global Britain của Boris Johnson là chiến lược đưa nước Anh trở lại vị thế siêu cường hải quân mạnh nhất châu Âu, đưa sự ảnh hưởng của Anh ra mọi nơi trên thế giới, tiếng nói của quốc gia phải có trọng lượng mạnh mẽ. Chưa biết những bước đi tiếp theo của chiến lược ấy sẽ như thế nào nhưng muốn làm được điều đó thì trước hết quân đội Anh phải mạnh mẽ và linh hoạt.

Vấn đề là, từ sau cuộc chiến năm 1982 trên quần đảo Falkland với Argentina, nước Anh chưa từng dẫn đầu một cuộc chiến nào khác. Trong chiến dịch Lá chắn sa mạc năm 1991 và Iraq tự do năm 2003, Anh tuy có huy động lực lượng quân sự lớn nhưng đều dưới sự điều động của Mỹ. Các chiến dịch không kích tại Nam Tư năm 1999 hay Lybia năm 2013 cũng đều là những chiến dịch phối hợp.

Với ngân sách quốc phòng giảm từ 2.4% GDP trong năm tài khóa 2010-2011 xuống còn 1.8% trong năm 2017-2018, quân đội Anh đang thiếu cả trang bị lẫn con người.

Vụ Iran bắt giữ tàu Stena Impero của Anh cách đây hơn một tháng được cho là đã tiến hành ngay trước mũi của hải quân Anh, khi một tàu chiến của hải quân Hoàng gia đã cố gắng hộ tống tàu chở dầu này trước đó. Một cú đấm vào niềm tự hào của hải quân Hoàng gia vốn từng giữ vị trí thống lĩnh biển cả trong quá khứ.

Cựu Đô đốc hải quân đồng thời là Tư lệnh hải quân Anh, Huân tước Alan West cũng phải thừa nhận: “Hải quân có quá ít chiến hạm khả dụng để hộ tống các thương thuyền qua các vùng nước nguy hiểm”.

Điều dễ thấy nhất của chiến lược “Nước Anh toàn cầu” sẽ là tăng cường năng lực quốc phòng với những khoản chi lớn cho quân đội trong thời gian tới và nước Anh sẽ phải tăng cường can dự nhiều hơn vào các vấn đề quốc tế, bất chấp những rắc rối của Brexit vẫn chưa được giải quyết.

Ông Boris Johnson dường như đang làm đúng như những gì mà người ta vẫn nhìn nhận về ông khi ngồi vào ghế thủ tướng: Kế hoạch của ông ấy cho vấn đề là chẳng có kế hoạch nào cả. Một tương lai bất định đang chờ đợi nước Anh.

Tử Uyên

Nguồn ANTG: http://antgct.cand.com.vn/so-tay/tuong-lai-nao-cho-tan-thu-tuong-boris-johnson-557082/