Tương lai nào cho Nissan-Renault-Misubishi?

Ngày 21-11, Tòa án quận Tokyo tại Nhật Bản đã chấp thuận khuyến nghị của các công tố viên nước này về việc kéo dài lệnh giam giữ Chủ tịch Nissan Motors Carlos Ghosn (ảnh), vốn bị bắt giữ trước đó, thêm 10 ngày nữa.

Tòa án cũng ra phán quyết tương tự đối với trường hợp của Giám đốc đại diện của Nissan Motors Greg Kelly, một phụ tá thân cận của ông Ghosn, bị bắt giữ vì bị nghi đồng lõa với Chủ tịch Ghosn.

Theo luật sư Ayano Kanezuka, ông trùm trong ngành công nghiệp xe hơi, Tổng giám đốc điều hành (CEO) Carlos Ghosn - người đồng thời là chủ tịch liên danh 3 hãng Nissan, Renault và Mitsubishi đang bị giam tại một trung tâm giam giữ ở phía Bắc Tokyo. Trong khi đó, hãng sản xuất ô tô Renault SA của Pháp thông báo đã bổ nhiệm Giám đốc điều hành Thierry Bollore làm Phó Tổng giám đốc điều hành của hãng này.

Trong thông báo đưa ra sau cuộc họp hội đồng quản trị, hãng Renault nêu rõ: “Ông Ghosn tạm thời mất quyền quản lý hãng, nhưng vẫn duy trì cương vị Chủ tịch và Giám đốc điều hành”. Renault đồng thời khẳng định vẫn duy trì liên danh với 2 hãng xe Nissan và Mitsubishi, mặc dù các đối tác của Nhật Bản nhất trí sẽ kiến nghị bãi nhiệm ông Ghosn tại các cuộc họp hội đồng quản trị dự kiến diễn ra vào ngày 22-11 và trong tuần tới.

Renault cũng cho biết sẽ yêu cầu Nissan cung cấp tất cả thông tin mà hãng xe Nhật Bản thu thập được liên quan cuộc điều tra quốc tế đối với ông Ghosn. Chính phủ Pháp - cổ đông lớn nhất của hãng Renault, cho biết không tìm thấy chứng cứ về việc ông Carlos Ghosn gian luận thuế ở nước này.

Hãng Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết Nissan sẽ mở rộng điều tra vụ bê bối của Chủ tịch Ghosn đối với vấn đề tài chính của Renault-Nissan. Theo đó, Nissan đã thông báo với ban lãnh đạo Renault rằng hãng này đã nắm giữ bằng chứng cho thấy có dấu hiệu sai phạm tại Renault-Nissan BV - liên doanh do mỗi hãng xe góp vốn 50% có trụ sở tại Amsterdam, Hà Lan. RNBV có nhiệm vụ phác thảo chiến lược trung đến dài hạn cho liên minh, và quyết định việc phân phối nguồn lực giữa 3 công ty. Gohsn giữ chức Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO).

Theo báo Financial Times của Anh, ông Ghosn đã lên kế hoạch sáp nhập Renault - hãng xe nhà nước Pháp có 15% cổ phần, và Nissan trước khi ông bị bắt giữ, bất chấp sự phản đối của các giám đốc điều hành tại hãng xe Nhật Bản này. Dẫn lời một nguồn tin thân cận với Nissan, tờ báo trên cho biết thương vụ sáp nhập có thể diễn ra “trong vài tháng tới”.

Sau cuộc điều tra nội bộ kéo dài 1 tháng, Nissan tuyên bố ông Ghosn đã làm giả các báo cáo nộp lên Sở Giao dịch chứng khoán Tokyo và thực hiện các hành vi sai trái nghiêm trọng khác như biển thủ quỹ công ty cho mục đích cá nhân. Đến ngày 19-11, ông Ghosn, 64 tuổi, bị bắt với cáo buộc vi phạm Luật quản lý sàn giao dịch và công cụ tài chính của Nhật Bản, thao túng các hồ sơ tài chính và báo cáo không đầy đủ thu nhập cá nhân.

Theo các công tố viên Tokyo, ông Ghosn bị nghi báo cáo thu nhập tại Nhật Bản thấp hơn so với thực tế 5 tỷ yen (tương đương 44 triệu USD) từ năm 2011. Nếu bị kết tội, ông Ghosn sẽ đối mặt với mức án lên tới 10 năm tù và bị phạt 10 triệu yen (hơn 88.000 USD).

Sau khi ông Carlos Ghosn bị bắt giữ, giá cổ phiếu của hai hãng Nissan và Mitsubishi đã giảm mạnh. Phiên giao dịch ngày 21-11 đã ghi nhận tình trạng bán tháo cổ phiếu của hãng Nissan, kéo giá cổ phiếu của hãng này giảm hơn 6%, xuống còn mức 940 yen, giảm 65,5 yen so với ngày trước đó. Đây là mức giá cổ phiếu thấp nhất của hãng này kể từ tháng 7-2016.

Kết thúc phiên giao dịch sáng, cổ phiếu của Nissan tạm chốt ở mức 962 yen, giảm 43,5 yen (tương đương mức giảm 4,3%). Trong khi đó, giá cổ phiếu của Mitsubitsi - một thành viên trong liên danh gồm Nissan, Renault và Mitsubishi mà ông Carlos Ghosn làm Chủ tịch liên danh, cũng ghi nhận mức giảm tạm thời 7,1%, tương đương với 52 yen, xuống còn 678 yen/cổ phiếu.

Hà Lam

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/the-gioi/tuong-lai-nao-cho-nissanrenaultmisubishi-63373.html