Tương lai nào cho chiến tranh thương mại Mỹ - Trung?

Trung Quốc ngày 31-8 tuyên bố, việc gây sức ép đối với Bắc Kinh về thương mại sẽ không có tác dụng, sau khi có thông tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng cho leo thang nhanh chóng một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này.

Trung Quốc ngày 31-8 tuyên bố, việc gây sức ép đối với Bắc Kinh về thương mại sẽ không có tác dụng, sau khi có thông tin cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump sẵn sàng cho leo thang nhanh chóng một cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc kinh tế này.

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lại có dấu hiệu tiếp tục leo thang, ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế toàn cầu. Ảnh: Getty Images

Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung lại có dấu hiệu tiếp tục leo thang. Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định, ông sẵn sàng áp thuế trị giá 200 tỷ USD đối với hàng hóa nhập khẩu Trung Quốc, ngay sau khi thời gian tiếp nhận ý kiến người dân về kế hoạch này kết thúc trong tuần tới.

Trung Quốc đã đáp trả khi tuyên bố việc gây sức ép đối với Bắc Kinh về thương mại sẽ không có tác dụng. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh đã đưa ra bình luận trên tại buổi họp báo thường ngày ở Bắc Kinh hôm 31-8.

Mở “cuộc tấn công” trên nhiều mặt trận

Tổng thống Trump đã vận động cho chiến dịch tranh cử hồi năm 2016 trên lời hứa tạo ra công bằng thương mại cho Mỹ. Và để hiện thực hóa cam kết đó, ông chủ Nhà Trắng không ngừng mở các cuộc chiến với một số đối tác thương mại lâu đời nhất của Mỹ.

Thật sự, Mỹ đã bị lôi kéo trong một trận chiến thương mại mạnh mẽ trên nhiều mặt trận như với Trung Quốc và cả các đồng minh trong Liên minh Châu Âu (EU). Trong động thái mới nhất, EU hôm 31-8 tuyên bố sẵn sàng đáp trả tương xứng nếu Mỹ áp thuế ô-tô. Theo cảnh báo của Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Jean-Claude Juncker cảnh báo, EU sẽ áp mức thuế tương xứng nếu Tổng thống Trump quyết định áp thuế đối với ô-tô nhập khẩu từ nước ngoài, trong bối cảnh quyết định tạm ngừng áp thuế giữa EU và Mỹ đang có dấu hiệu lung lay. “Chúng tôi nhất trí với Tổng thống Trump về lệnh ngừng bắn kiểu như vậy, khi đề cập tới mức thuế mới đối với ô-tô. Cũng giống như lệnh ngừng bắn theo nghĩa đen, thi thoảng vẫn bị đe dọa nhưng trên hết các bên vẫn tuân thủ. Tuy nhiên, nếu Tổng thống Mỹ có ý định vi phạm thỏa thuận, và áp thuế đối với mặt hàng ô-tô nhập khẩu từ EU thì chúng tôi sẽ làm điều tương tự”, ông Juncker nói khi trả lời phỏng vấn Đài Phát thanh ZDF của Đức. Cảnh báo trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng thống Trump được cho bác bỏ một đề xuất của EU trong việc bãi bỏ áp thuế đối với ô-tô, động thái làm “sống dậy” bất đồng thương mại xuyên Đại Tây Dương.

Tuy nhiên, cuộc chiến với EU không là gì so với cuộc chiến với Trung Quốc, khi những đòn “ăn miếng trả miếng” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gây ảnh hưởng toàn cầu.

Chưa bên nào “thấm đòn”?

Mỹ và Trung áp thuế nhằm vào nhau lần hai hôm 23-8 vừa qua và cuộc họp kéo dài 2 ngày giữa quan chức hai nước không đạt được kết quả đột phá.

Và giới chuyên gia cho rằng, Mỹ- Trung sẽ tiếp tục “cân sức cân tài” trong cuộc chiến thương mại hiện nay, bởi hai bên “chưa thấm đòn” đến mức phải lùi bước. “Tôi nghĩ chúng ta đang trong giai đoạn căng thẳng leo thang kéo dài. Một vấn đề là hai phía đều nghĩ họ đang chiếm ưu thế trong cuộc đối đầu”, một chuyên gia nhận định.

Tình hình dự kiến xấu đi trong những tháng tiếp theo, có thể qua cả cuộc bầu cử giữa kỳ ở Mỹ. Đó là thách thức. Giới quan sát đang dồn sự chú ý vào đợt đánh thuế tiếp theo của Mỹ đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD, dự kiến có hiệu lực vào cuối năm nay. Như giới phân tích nêu trước đó, Trung Quốc không nhập khẩu nhiều hàng hóa từ Mỹ để có thể bắt kịp nước này trong cuộc chiến thuế quan. Do đó, nếu Mỹ tiếp tục gia tăng khối lượng hàng hóa đánh thuế, “phải có thứ gì đó được cho đi”. Chuyên gia này cho biết: “Đó có thể là lĩnh vực dịch vụ, đáp trả các Cty Mỹ ở Trung Quốc... Chúng ta phải chờ và xem đó sẽ là gì”.

Một số người nhận định đồng Nhân dân tệ có thể trở thành vũ khí phi thuế quan trong chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, ngày 24-8, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc dường như xóa bỏ đồn đoán này khi thông báo thay đổi chính sách Nhân dân tệ nhằm giữ ổn định đồng nội tệ.

KHẢ ANH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/91_194678_tuong-lai-nao-cho-chien-tranh-thuong-mai-my-trun.aspx