Tương lai nào cho các 'ông lớn' phân đạm?

Nhìn vào kết quả kinh doanh của 4 'ông lớn' phân đạm sau 9 tháng đầu năm 2018, có doanh nghiệp (DN) lay lắt, có DN lỗ nặng và có DN đang chờ đón nguy cơ khi không còn 'cơ chế bảo hộ'. Tuy nhiên, các DN này đều đang rất cố gắng để chuyển mình dù khó khăn trước mắt rất lớn...

Đạm Cà Mau dự kiến sẽ gặp khó nếu áp dụng giá khí nguyên liệu đầu vào mới từ đầu năm 2019 (Ảnh: IT)

Mới đây nhất, Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (UpCOM: DHB) - “anh cả” của ngành phân đạm tại Việt Nam - đã công bố Báo cáo Tài chính hợp nhất quý 3.2018 với số lỗ lên tới hơn 100 tỷ đồng. Lũy kế 9 tháng đầu năm, DHB lỗ 268 tỷ đồng, song con số này tính ra vẫn là tích cực vì đã "giảm lỗ" được 213 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái (lỗ tới 481 tỷ đồng).

DN phân đạm... ảm đạm

Còn nhớ hồi đầu năm 2018, Đạm Hà Bắc khiến khá nhiều nhà đầu tư ngỡ ngàng khi đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.711 tỷ đồng, nhưng kèm theo đó là dự kiến lỗ trên... 720 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, ghi nhận trên báo cáo tài chính cho thấy, lũy kế 9 tháng đầu năm 2018, doanh thu thuần của DHB đạt 2.359 tỷ đồng, tăng 31% so với cùng kỳ và đạt 87% mục tiêu đề ra. Kèm theo đó, chi phí giá vốn chỉ tăng chưa đến 15% nên lợi nhuận gộp thu về đạt 455,6 tỷ đồng, gấp 3,1 lần cùng kỳ. Đây là một gắng không nhỏ của “anh cả” ngành phân đạm đến thời điểm hiện tại, sau chuỗi ngày “chật vật” vì các khoản nợ vay, lỗ nặng kéo dài.

Tuy nhiên, xét kỹ báo cáo tài chính, có thể thấy mục chi phí tài chính 9 tháng đầu năm lại tăng lên đến 615 tỷ đồng, cao hơn cả lãi gộp đạt được (trong đó có 531 tỷ đồng chi phí lãi vay), cộng theo các khoản chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp... nên kết quả là DHB ghi nhận lỗ hơn 268 tỷ đồng.

Song, điều khiến các nhà đầu tư không mấy mặn mà với cổ phiếu DHB là kết thúc quý 3.2018, tình hình vay nợ của DHB còn rất lớn, tương đương hơn 85% tổng tài sản của công ty. Cụ thể, DHB đang có tổng nợ phải trả là 9.600 tỷ đồng, trong đó tổng vay nợ thuê tài chính ngắn hạn và dài hạn lên đến 8.160 tỷ đồng (dư vay nợ thuê tài chính dài hạn là 7.020 tỷ đồng và dư vay nợ thuê tài chính ngắn hạn 1.140 tỷ đồng).

Từng là niềm kỳ vọng của ngành hóa chất, nhưng ngay sau khi đưa vào hoạt động (năm 2012), Nhà máy Đạm Ninh Bình luôn chìm đắm trong thua lỗ. Sau 4 năm hoạt động, với số lỗ quá lớn nên năm 2016 (lỗ lũy kế tính đến hết năm 2016 là 3.163 tỷ đồng), công ty này đã phải tạm dừng hoạt động và đến đầu năm 2017, sau khi có sự chỉ đạo của Chính phủ, Đạm Ninh Bình bắt đầu gượng dậy sản xuất nhưng khó khăn vẫn còn rất lớn.

Hiện tại, tình hình sản xuất kinh doanh quý 3.2018 của DN này chưa được công bố nhưng kết thúc quý 2.2018 vừa qua, doanh thu của doanh nghiệp này đạt 800 tỷ đồng, bằng 110% so với cùng kỳ năm 2017. Dù vậy, khoản nợ của DN này với Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Ninh Bình (khoản nợ do Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã ký Hợp đồng vay tín dụng đầu tư vào tháng 3.2008 và tháng 5.2009, với với tổng hạn mức tín dụng là 4.770 tỷ đồng) vẫn còn rất lớn.

Cụ thể, tính đến ngày 30.4.2018, dư nợ gốc của hai hợp đồng tín dụng nêu trên là 2.658 tỷ đồng và 1,69 triệu USD và chưa rõ Đạm Ninh Bình đã trả được bao nhiêu cho khoản nợ vay này.

Trái ngược với 2 “ông lớn” phân đạm khu vực phía Bắc, 2 “ông lớn” phân đạm khu vực phía Nam là Đạm Phú Mỹ (PVFCCo, HoSE: DPM) và Đạm Cà Mau (HoSE: DCM), dù vẫn đang có lợi nhuận song tình hình sắp tới được dự báo sẽ rất khó khăn.

Cụ thể, tại DPM, tổng doanh thu 9 tháng ước đạt 7.095 tỷ đồng, tương đương 83% kế hoạch năm, tăng 8% so với cùng kỳ 2017. Lợi nhuận trước thuế ghi nhận đạt 625 tỷ đồng, vượt 41% kế hoạch năm 2018. Trong khi đó, tại DCM, lũy kế 9 tháng đầu năm, công ty thu về tổng doanh thu 4.802 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế ước đạt 591,5 tỷ đồng, lần lượt thực hiện được đạt 88% và 87% chỉ tiêu cả năm.

“Thiên thời, địa lợi” đều... bất lợi

Với 2 “ông lớn” ngành phân đạm khu vực phía Bắc là Đạm Hà Bắc và Đạm Ninh Bình, câu chuyện về các khoản vay nợ lớn là nguyên nhân khiến cả 2 DN này chìm trong thua lỗ nhiều năm; thì với 2 “ông lớn” ngành phân đạm khu vực phía Nam, câu chuyện về giá khí cao và không đủ nguồn cung cho sản xuất là những lý do khiến lợi nhuận của Đạm Cà Mau và Đạm Phú Mỹ trồi sụt bấp bênh, thậm chí có nguy cơ thua lỗ.

Tại Đạm Phú Mỹ, một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận liên tục đi xuống vài năm trở lại đây là giá khí nguyên liệu (chiếm tới gần 75% nguyên liệu đầu vào) hiện đang áp ở mức cao (Giá khí trung bình của DPM là 4 - 6 USD/triệu BTU). Thời gian tới, dự báo giá khí sẽ tăng dựa trên cơ sở dự báo giá dầu dao động 70 USD/thùng nên giá vốn hàng bán của DPM chắc chắn sẽ tăng, kéo theo đó là biên lợi nhuận gộp giảm mạnh.

Tuy nhiên, câu chuyện của DPM không chỉ ở việc giá khí nguyên liệu tăng mà còn ở câu chuyện thuế VAT đầu vào phục vụ cho sản xuất và kinh doanh phân bón không được khấu trừ. Mới đây, ông Lê Cự Tân, Chủ tịch HĐQT DPM, cho biết: Từ khi áp dụng Luật 71/2014/QH14 vào năm 2015 đến nay, khoản thuế mà doanh nghiệp không được khấu trừ so với trước đây lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Nếu bây giờ sửa đổi Luật số 71/2014/QH13, đưa phân bón về diện chịu thuế VAT như trước đây thì DPM mới có cơ hội phát triển mạnh lên được.

Tất nhiên, để ứng phó với tình trạng giá khí tăng, DPM cũng như một số DN khác đầu tư thêm dây chuyền sản xuất phân bón NPK dù con số thuế không được khấu trừ dự kiến sẽ còn tăng cao hơn nữa.

“Không được khấu trừ thuế VAT đầu vào, DN bắt buộc phải hạch toán vào giá thành phân bón, đồng thời cũng khiến nhiều DN khác không dám đầu tư công nghệ hiện đại cho sản xuất phân bón khiến Việt Nam trở thành... “vùng trũng” cho phân bón nhập khẩu, công nghệ lạc hậu và ngành nông nghiệp, người nông dân là đối tượng phải chịu thiệt thòi nhất khi vừa chịu giá phân bón cao, vừa có khả năng sử dụng phải phân bón giả, kém chất lượng”, ông Tân khẳng định.

Trong khi đó, câu chuyện tại Đạm Cà Mau (DCM) càng u ám hơn. Cụ thể, bắt đầu từ 2019, Đạm Cà Mau sẽ phải mua khí ở một mức giá cao hơn rất nhiều so với hiện tại sau khi hưởng mức giá ưu đãi mà PetroVietnam (PVN) áp dụng cho doanh nghiệp này kể từ sau khi cổ phần hóa cuối năm 2014 cho tới hết năm 2018 (Theo cam kết trước đó, PetroVietnam áp giá khí cho DCM đảm bảo lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đạt 12%, tương đương với giá khí bán cho doanh nghiệp này khoảng 3 USD/triệu BTU).

Với giá dầu thế giới tăng, dự kiến Đạm Cà Mau có thể sẽ phải mua khí ở mức giá cao hơn 2 - 3 USD/triệu BTU so với mức giá khí áp dụng với Đạm Phú Mỹ. Khi giá khí tăng, Đạm Cà Mau nắm chắc sẽ lỗ lớn, bởi hiện tại mỗi năm chi phí khấu hao và trả nợ của DCM khoảng 1.600 tỷ đồng, trong đó có khoản nợ nước ngoài khi xây dựng dự án hiện vẫn còn gần 200 triệu USD.

Và cũng như câu chuyện của Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau cũng đang đầu tư thêm nhà mày phân bón NPK để phần nào bù đắp khó khăn khi sản xuất Đạm gặp khó.

Quốc Hải

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/kinh-te/tuong-lai-nao-cho-cac-ong-lon-phan-dam-927202.html