Tương lai mờ mịt của Afghanistan một năm sau ngày Taliban nắm quyền

Một vài người đã đổ xuống đường phố thủ đô Kabul nổ súng ăn mừng một năm cầm quyền của Taliban, nhưng không khí trên hầu khắp thành phố 4,5 triệu dân lại khá tĩnh lặng.

Mỹ rời đi, chính quyền thân phương Tây ở Afghanistan sụp đổ. Các tay súng Taliban cách đây đúng một năm, ngày 15/8/2021, tiến thẳng vào thủ đô Kabul mà không gặp trở ngại nào, sau đó tiếp quản Phủ Tổng thống và nhanh chóng trở thành lực lượng nắm quyền thực tế. Trong những tuyên bố đầu tiên tháng 8 năm ngoái, Taliban ám chỉ họ đã trưởng thành hơn giai đoạn nắm quyền 1996-2001 khi khẳng định muốn xây dựng một một chính phủ với nhiều thành phần và không trở thành mối đe dọa với phương Tây. Taliban cũng hứa đảm bảo quyền học tập của trẻ em gái và quyền làm việc của phụ nữ.

Một gia đình người Afghanistan bước qua một tay súng Taliban ở Kabul. Ảnh: AP.

Một gia đình người Afghanistan bước qua một tay súng Taliban ở Kabul. Ảnh: AP.

Tuy nhiên, thực tế không diễn ra như mong đợi. Qua vài tháng đóng cửa trường học vì lí do COVID-19, Bộ Giáo dục Afghanistan đầu tháng 3/2022 thông báo các nữ sinh trung học sẽ được phép trở lại trường và được giảng dạy bởi các nữ giáo viên. Nhưng ngay trước thời khắc tựu trường, Taliban đổi ý, không cho phép hàng chục ngàn nữ sinh từ độ tuổi trung học trở lên tới lớp nữa.

Taliban sau đó tiếp tục ban bố sắc lệnh hạn chế quyền của phụ nữ họ đi lại ngoài phạm vi 72km tính từ nhà mà không có mahram, tức người giám hộ nam giới đi cùng. Trước quy định che mặt mới, hầu hết phụ nữ Afghanistan vốn đã mặc hijab, loại khăn che đầu và cổ, hoặc các loại khăn tương tự. Nhưng sắc lệnh mới buộc phụ nữ mặc niqab (trang phục che mặt, hở mắt) hoặc burqa (trang phục che kín toàn thân, phần mắt có lưới) khi ra đường. "Kể từ ngày Taliban đến, cuộc sống mất đi ý nghĩa", Ogai Amail, một cư dân Kabul, nói, France24 dẫn lời.

Theo báo cáo mới nhất của Phái bộ Hỗ trợ của Liên Hợp Quốc tại Afghanistan (UNAMA), các sắc lệnh của Taliban gây ra "những hạn chế nghiêm trọng” đối với quyền con người của phụ nữ và trẻ em gái, "dẫn đến việc họ bị loại khỏi hầu hết khía cạnh của cuộc sống hằng ngày".

Về kinh tế, Taliban muốn chấm dứt sự phụ thuộc của Afghanistan vào viện trợ nước ngoài thông qua tăng cường thu thuế. Taliban cũng tìm cách xóa bớt thủ tục giấy tờ trong xuất khẩu trái cây và than tới các nước láng giềng. Liên Hợp Quốc ước tính kim ngạch xuất khẩu của Afghanistan trong năm 2022 sẽ là 1,8 tỷ USD, tăng khoảng 1,5 lần so với con số 1,2 tỷ USD năm 2019.

Trước khi Taliban giành kiểm soát Afghanistan vào tháng 8/2021, viện trợ quốc tế chiếm 40% GDP và 80% ngân sách Afghanistan. Taliban ước tính những nỗ lực trên giúp họ có tổng cộng 231 tỷ afghani (khoảng 2,5 tỷ USD) ngân sách trong năm 2022. Thế nhưng khoản tiền này sẽ giúp họ chi trả lương viên chức, chứ không còn lại đáng kể để tái đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, tình trạng hạn hán, lũ lụt, dịch bệnh kéo dài 2 năm qua khiến sản lượng lương thực và cả nền kinh tế của Afghanistan khủng hoảng nghiêm trọng. Theo nghiên cứu của Tổ chức Cứu trợ trẻ em (Save the Children), khoảng 9,2 triệu trẻ em Afghanistan có thể phải đối mặt với tình trạng mất an ninh lương thực khẩn cấp hoặc trong nửa sau năm 2022. Tháng 6 và tháng 7/2022, quốc gia Nam Á tiếp tục hứng chịu loạt vụ động đất kinh hoàng không chỉ làm hơn 1.000 người chết mà còn tiếp tục kéo lùi điều kiện sống tại nhiều khu vực.

Thảm cảnh là vậy, nhưng chính quyền Taliban lại không thể sử dụng các khoản tiền của Ngân hàng Trung ương Afghansitan gửi ở nước ngoài. Thời điểm Taliban lên nắm quyền cũng là lúc Mỹ đóng băng khối tài sản 9,5 tỷ USD thuộc về Ngân hàng Trung ương Afghanistan và dừng viện trợ tiền mặt cho Kabul.

Taliban không hiện thực hóa các cam kết, đồng nghĩa với việc họ rất khó tìm kiếm sự công nhận của cộng đồng quốc tế. Khi chiếm Kabul lần đầu năm 1996, có 3 quốc gia là Pakistan, Arab Saudi và Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) công nhận chính quyền Taliban. Lần này, chưa có quốc gia nào sẵn sàng làm vậy. Tài sản bị phong tỏa, chính quyền thực tế không được công nhận, Afghanistan không có động lực vực dậy nền kinh tế trong ngắn hạn.

Bên cạnh đó, cần nhắc lại rằng, Taliban đã thắng chính quyền thân phương Tây nhờ kỷ luật nội bộ, sức mạnh quân sự và sự sợ hãi của các đối tượng tiềm năng. Thế nhưng chiếm quyền kiểm soát đất nước là một câu chuyện, quản lý của đất nước ra sao lại là một câu chuyện đầy thách thức khác.

Dù xung đột giữa các nhóm vũ trang ở Afghanistan thuyên giảm, nhưng quốc gia Nam Á lại đang đối mặt với việc nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng thường xuyên tiến hành các cuộc tấn công nhắm vào tín đồ Hồi giáo Shiite, hiện chiếm khoảng 10 đến 20% trong tổng dân số 38 triệu dân ở Afghanistan.

Trong nỗ lực trấn an các nước láng giềng trước sự trỗi dậy của chủ nghĩa khủng bố, Ngoại trưởng chính quyền Taliban Amir Khan Muttaqi hôm 26/7 khẳng định, Kabul sẽ không để bất cứ "cá nhân hay tổ chức nào, bao gồm al-Qaeda, dấy lên mối đe dọa an ninh tại các nước khác từ lãnh thổ Afghanistan".

Thế nhưng chỉ sau vài ngày, quyết tâm của Taliban trước al-Qaeda bị đặt dấu hỏi, sau khi Mỹ hôm 30/7 tiêu diệt thành công thủ lĩnh hàng đầu của al-Qaeda Ayman al-Zawahihi tại nhà riêng của hắn giữa Kabul. Sau vụ tập kích của Mỹ, Taliban đã lên tiếng phản đối. Sự kiện này cho thấy các mối liên hệ giữa Taliban và cộng đồng quốc tế, ít nhất là khối phương Tây do Mỹ dẫn đầu, rất xa cách. Nếu không có sự hợp tác của Afghanistan - từng là nơi ẩn náu của các phần tử khủng bố khét tiếng, cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu sẽ gặp nhiều khó khăn.

Ngoài ra, Taliban được cho là còn đương đầu với các khúc mắc nội bộ, với một bên là lực lượng Taliban đến từ Kandahar và các tỉnh phía Nam, thân cận với ông Mullah Abdul Ghani Baradar, người đồng sáng lập Taliban và là một trong những nhà lãnh đạo chính trị quan trọng nhất của lực lượng này. Bên còn lại là mạng lưới Haqqani, nổi tiếng với sức mạnh quân sự, đến từ phía Đông.

Căng thẳng giữa hai phe chủ yếu xoay quanh việc bên nào xứng đáng được công nhận nhiều hơn vì chuỗi sự kiện tháng 8/2021. Những người ủng hộ ông Mullah Baradar, người đã đàm phán thỏa thuận mở đường cho việc Mỹ rút quân, coi đó là một chiến thắng ngoại giao. Ngược lại, người Haqqanis, với nhiệm vụ đào tạo những kẻ đánh bom, nói rằng thắng lợi đạt được là nhờ giao tranh.

Nhìn tổng thể, tình thế hiện nay cho thấy chính quyền mới do Taliban lập ra vẫn chưa bảo đảm tính ổn định, thống nhất và chưa đủ sức để xử lý khủng hoảng, các kịch bản diễn biến phức tạp khi thiếu sự hỗ trợ tức thời của quốc tế. Trong trường hợp Taliban và cộng đồng quốc tế không đi đến một giải pháp, dù là tức thời, tình hình tại Afghanistan sẽ tiếp tục diễn biến xấu đi, thậm chí đẩy quốc gia này vào tình trạng trở thành "thiên đường" của các tổ chức cực đoan.

Thái Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/tuong-lai-mo-mit-cua-afghanistan-mot-nam-sau-ngay-taliban-nam-quyen-i664154/