Tương lai máy bay điện sắp đến gần

Chính phủ Anh đang lên kế hoạch đầu tư phát triển máy bay điện và máy bay không người lái trong áp lực giảm ô nhiễm môi trường và tình trạng tắc nghẽn giao thông đô thị.

Mô hình máy bay điện có khả năng chở 180 người của hãng hàng không giá rẻ EasyJet (Anh). Ảnh: CNN Business

Anh muốn tiên phong về công nghệ hàng không

Hôm 6-12, tại một sự kiện ở thành phố Bristol (Anh), Bộ trưởng Kinh doanh, năng lượng và chiến lược công nghiệp Anh Greg Clark thông báo thỏa thuận hợp tác giữa chính phủ và ngành công nghiệp hàng không nhằm phát triển chương trình có tên gọi “Thách thức chuyến bay tương lai” với mục tiêu giới thiệu máy bay điện, máy bay không người lái (UAV) dịch vụ và chở hàng hóa vào năm 2025.

Theo thỏa thuận, chính phủ Anh sẽ phân bổ 125 triệu bảng và khu vực tư nhân sẽ đóng góp với con số tương đương để phát triển các công nghệ mới giúp giảm ô nhiễm môi trường cũng như giúp giảm tắc nghẽn giao thông ở London và các khu vực đô thị khác.

Số tiền này sẽ được chi cho các hoạt động nghiên cứu phát triển máy bay điện có khả năng cất cánh thẳng đứng và máy bay không người lái chở hàng hóa hoặc thực hiện các dịch vụ. Theo kế hoạch, các công ty trong lĩnh vực công nghiệp hàng không Anh tham gia thỏa thuận sẽ tập trung phát triển các máy bay điện và máy bay không người lái loại nhỏ để chứng minh tính khả thi của công nghệ mới trước khi phát triển các máy bay lớn hơn.

Bộ trưởng Greg Clark nói: “Tương lai của ngành hàng không là sạch hơn, xanh hơn và hiệu quả lơn. Chúng tôi muốn Anh trở thành nước tiên phong về công nghệ mới giúp mở đường cho điện hóa và tự động hóa trong hàng không thương mại”.

Ngoài ra, chính phủ Anh cũng cung cấp 15 triệu bảng để hỗ trợ Công ty sản xuất linh kiện máy bay GKN Aerospace xây dựng Trung tâm Công nghệ toàn cầu mới trị giá 32 triệu bảng ở Bristol. Trung tâm này dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2020, hứa hẹn giúp nước này trở thành trung tâm công nghệ sáng tạo tầm cỡ thế giới đối với thế hệ máy bay tiết kiệm năng lượng trong tương lai.

Cuộc đua phát triển máy bay điện

Ngành công nghiệp hàng không kỳ vọng máy bay điện sẽ giúp giảm khí thải CO2. Năm ngoái, các chuyến bay của trên toàn cầu thải ra 859 triệu tấn CO2, chiếm 2% tổng lượng thải CO2 do con người tạo ra mỗi năm. 80% lượng khí thải CO2 máy bay đến từ các chuyến bay dài hơn 1.500km.

Tuy nhiên, trong tương lai gần, ngành công nghiệp hàng không toàn cầu nhắm đến mục tiêu giảm khí thải CO2 cho các chặng bay ngắn. Hãng sản xuất máy bay Airbus, hãng sản xuất động cơ máy bay Rolls-Royce (Anh) cùng tập đoàn công nghiệp Siemens (Đức) đang hợp tác sản xuất máy bay động cơ lai xăng điện có tên gọi E-Fan X, có khả năng chở 100 người. Mẫu máy bay concent (ý tưởng) E-Fan X có thể cất cánh vào năm 2020.

Paul Stein, Giám đốc công nghệ Rolls-Royce, cho rằng máy bay động cơ lai xăng điện với tiếng ồn và khí thải CO2 thấp hơn sẽ cho phép các sân bay được xây dựng gần các trung tâm đô thị hơn.

Hãng không giá rẻ EasyJet (Anh) cũng theo đuổi phát triển máy bay điện. EasyJet cho biết sẽ triển khai máy bay điện trên một số tuyến bay ngắn của hãng này vào năm 2027. “Máy bay điện đang trở thành hiện thực và chúng tôi có thể nhìn thấy một tương lai ngành vận chuyển hàng không không còn phụ thuộc hoàn toàn vào nhiên liệu máy bay”, Johan lundgren, Giám đốc điều hành EasyJet, nói.

EasyJet muốn triển khai máy bay điện có tầm bay 500km trong vòng một thập kỷ tới. Điều này có nghĩa là hãng này có thể sử dụng máy bay điện cho tuyến bay London - Amsterdam (Hà Lan). Năm ngoái, EasyJet đã ký hợp thỏa thuận hợp tác với Công ty khởi nghiệp máy bay điện Wright Electric (Mỹ) để sản xuất máy bay điện 180 chỗ ngồi, thân thiện với môi trường và có độ ồn thấp với tầm bay 500km.

Wright Electric đang phát triển một động cơ điện sử dụng cho máy bay chở khách 9 chỗ ngồi dự kiến sẽ bay vào năm sau. Trước đó, công ty này đã phát triển thử nghiệm thành công máy bay điện cỡ nhỏ với hai chỗ ngồi.
Với sự hậu thuẫn tài chính từ hãng sản xuất máy bay Boeing và hãng hàng không JetBlue, Công ty khởi nghiệp Zunum Aero (Mỹ) dự kiến giới thiệu ra thị trường máy bay có động cơ lai xăng điện có khả năng chở 12 người trên chặng bay từ 480 - 800km vào năm 2022 và sức chở sẽ được nâng lên 50 - 100 người vào năm 2030. Zunum Aero dự báo động cơ điện của công ty này sẽ giúp các máy bay giảm khí thải CO2 đến 80%.

Tại Israel, Công ty khởi nghiệp Eviation đang theo đuổi phát triển máy bay điện cỡ nhỏ, chở được 9 hành khách, 2 phi công và có thể bay 1.000km với chỉ với một lần sạc điện. Eviation cho biết máy bay này có thể đi vào hoạt động trong vòng 3 năm tới. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất, theo ông Omer Bar-Yohay, Giám đốc điều hành Eviation, chi phí vận hành của máy bay này chỉ khoảng 7-9 cent/khách/1 dặm bay (1,6km). Điều này có nghĩa là chi phí vận hành chở 9 khách cho mỗi giờ bay chỉ vào khoảng 200 đô la, thấp hơn nhiều với mức chi phí 1.000 đô la Mỹ của các máy bay tuốc bin cánh quạt.

Công ty tư vấn quản lý Roland Berger (Đức) ước tính có khoảng 70 chương trình phát triển động cơ điện cho máy bay đã được khởi động trên toàn cầu và một nửa trong số thuộc về các công ty khởi nghiệp.

Theo Bloomberg, Wired

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/282681/tuong-lai-may-bay-dien-sap-den-gan.html