Tương lai lấy gì mà bắn

Mấy ngày nay, các trang mạng xã hội được một phen chộn rộn về cuốn tiểu thuyết lịch sử vừa được trao giải C hạng mục sách hay của giải thưởng Sách quốc gia. Tiểu thuyết có tên 'Chim ưng và chàng đan sọt', từng được trao giải B giải thưởng Hội Nhà văn cách đây hai năm.

Ảnh minh họa bìa sách

Nguyên nhân của việc chộn rộn nói trên là vì ai đó tình cờ đọc cuốn tiểu thuyết này và phát hiện có hai trang (trang 37-38) trong cuốn sách mô tả cảnh sinh hoạt tình dục của hai nhân vật lịch sử: Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một tôn thất nhà Trần, và công chúa Thiên Thụy.

Cách mô tả được thực hiện theo thủ pháp “tả thực” khiến nhân vật dường như bị... tầm thường hóa và điều này khiến cư dân mạng nổi giận. Khỏi phải nói là tác giả và tác phẩm nói trên đã hứng chịu búa rìu trên mạng ra sao trong những ngày vừa rồi.

Hành vi tính dục là hành vi quan trọng nhất đảm bảo việc phát triển của hầu hết giống loài trên hành tinh Trái Đất. Trên thực tế, văn chương khắp thế giới đông tây kim cổ đều đề cập đến hành vi tính dục, nhiều tác phẩm rất nổi tiếng và quen thuộc với bạn đọc Việt Nam. Có thể kể đến Lolita của V. Nabokov, Rừng Na Uy của Murakami, 50 sắc thái của E.L. James, Sex and the City của Candace Bushnell, Búp bê Bắc Kinh của Xuân Thụ... Ở Việt Nam cũng có những tác phẩm đề cập đến tình dục khá mạnh bạo từng gây xôn xao dư luận như tiểu thuyết Bóng đè của Đỗ Hoàng Diệu hay các bài thơ của nữ thi sĩ Vi Thùy Linh.

Dù vậy thì hầu hết những tác phẩm nói trên bất kể là của phương Tây với xu hướng nói về tình dục thẳng thắn hay phương Đông với đôi chút rụt rè hơn, đều sử dụng các thủ pháp để chí ít thì người đọc cũng phân biệt được chúng là tác phẩm văn chương chứ không phải là những mẩu chuyện nhan nhản trên các website chuyên về khiêu dâm, câu khách bằng cách mô tả trần trụi nhất cảnh sinh hoạt tình dục. Dưới góc nhìn như thế thì quả là hai trang tiểu thuyết “Chim ưng và chàng đan sọt” nói trên đã sa vào kiểu mô tả này.

Để bào chữa về việc trao giải cho cuốn sách, vị Trưởng Tiểu ban Sách văn học của giải thưởng Sách quốc gia 2018 cho biết sách “viết đúng, không sai về mặt chính trị” (?!) và vài chi tiết miêu tả cảnh sinh hoạt tình dục không ảnh hưởng tới nội dung cuốn sách.

Chẳng rõ yếu tố “không sai về chính trị” có phải nhằm khẳng định đây là cuốn tiểu thuyết lịch sử chứ không phải sách ngôn tình hay chăng, nhưng nếu đã là tiểu thuyết lịch sử thì có “vén màn” cũng cần được vén một cách tinh tế để không làm lệch lạc, bôi xấu hoặc tô hồng quá mức nhân vật lịch sử.

Kỳ thực thì cuốn sách nói trên chỉ bị phản ứng về cách hành văn ở hai trang sách cụ thể, còn việc có thể hình dung bút pháp, bút lực của một nhà văn từ vài trang sách hay không để trao giải cho cuốn sách thì lại do trình độ thẩm định của cơ quan chuyên môn như Hội Nhà văn chẳng hạn.

Một nền văn học dẫu chưa đủ tầm vóc để khái quát, mô phỏng cả một thời đại thì như văn hào Pháp Stenhdal từng nói, cũng vẫn “là tấm gương phản chiếu đời sống xã hội”.

Hãy thử nhìn vào xã hội chúng ta đang sống. Xu hướng học sinh chán học môn Lịch Sử đã có từ lâu, không hẳn vì phương pháp dạy Sử đã lạc hậu. Những tác động từ đời sống xã hội cho học sinh thấy Lịch Sử và các yếu tố làm nên nó, như nhân vật và sự kiện, trở nên không hề quan trọng ở thời đại của các em.

Nhà Trần, một trong những triều đại có sự phát triển rực rỡ nhất trong lịch sử phát triển của dân tộc Việt giờ đây được chúng ta nhớ đến qua những “event” với lễ thì ít mà mà kinh doanh thì nhiều. Người ta in ra một chiếc ấn trên giấy và bán cho đám đông cầu lợi cá nhân tại lễ hội đền Trần. Những ngôi đền thờ các nhân vật lịch sử, nếu đông đúc khách thập phương thì thường được đồn là “thiêng”, là dễ dàng cầu được ước thấy. Cách ứng xử như vậy nên điều dễ hiểu là vai trò của những nhân vật lịch sử có công dựng nước và giữ nước khá mờ nhạt trong cuộc sống của người Việt hiện đại. Thành ra dẫu có bị “bôi” trong hai mươi trang thay vì hai trang thì thẳng thắn mà nói là cụ Trần Khánh Dư cũng đành chịu rầu chờ tới khi xã hội có thái độ công bằng hơn với quá khứ, còn hiện tại thì ngay đến bậc thánh thần hàng ngày được hương khói vẫn lên tivi trong tư cách là... người đồng tính cơ mà.

Một nhà thơ ở xứ Đaghestan thuộc Liên Bang Nga từng có câu nói nổi tiếng: “Nếu bạn bắn súng lục vào quá khứ thì tương lai sẽ bắn đại bác vào bạn”. Liệu tương lai có gì để... bắn hay không lại tùy thuộc vào hành động hiện tại của chúng ta, chứ nếu tương lai cứ im lìm như đá ném ao bèo, thì buồn lắm.

PV

Nguồn Sống Mới: http://songmoi.vn/tuong-lai-lay-gi-ma-ban-81183.html