Tương lai kinh tế Trung Quốc ảm đạm vì ổ dịch COVID-19 mới

Ổ dịch COVID-19 mới tại Bắc Kinh đã khiến tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc thêm khó khăn.

Người bán hàng và du khách đều đeo khẩu trang tại một khu vực bán hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Người bán hàng và du khách đều đeo khẩu trang tại một khu vực bán hàng ở Bắc Kinh. Ảnh: Getty Images

Ông Bruce Pang tại Ngân hàng China Renaissance ngày 15/6 nhận định: “Dữ liệu cho thấy một số hoạt động kinh doanh nội địa tại Trung Quốc đang hồi phục nhưng làn sóng dịch COVID-19 thứ hai có thể tác động đến người tiêu dùng”.

Sau hơn 50 ngày không ghi nhận ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 nào tại Bắc Kinh, đến 11/6, thành phố đột ngột nhận tin về một trường hợp mắc COVID-19. Ngày 12/6, có thêm 6 ca mắc COVID-19. Đến 15/6, tổng cộng có 106 ca nhiễm mới được ghi nhận.

Những ca nhiễm này này đều liên quan đến chợ bán buôn Tân Phát Địa cách trung tâm Bắc Kinh 14km về phía Tây Nam. Cả Trung Quốc và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đều chưa công bố chính xác nguồn dẫn đến ổ lây nhiễm virus SARS-CoV-2 mới này.

Nhà phân tích Dan Wang tại Cơ quan Tình báo Kinh tế (EIU) phân tích: “Do Tân Phát Địa là chợ nông sản lớn nhất ở miền Bắc Trung Quốc, việc đóng cửa sẽ dẫn đến lạm phát thực phẩm và khiến ngành kinh doanh nhà hàng gặp khó. Dịch tái bùng phát dự kiến làm giảm tiến độ mở cửa của những thành phố khác, gây tổn thương lòng tin của người tiêu dùng và tăng tỷ lệ thất nghiệp”.

EIU trong tháng 6 đưa ra dự báo rằng tỷ lệ thất nghiệp thành thị có thể lên đến mức 10%, còn doanh thu bán lẻ đứng trước nguy cơ giảm 8% tại Trung Quốc trong năm nay.

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã sụt giảm 6,8% trong quý đầu năm 2020 - thời điểm dịch COVID-19 đạt đỉnh ở Trung Quốc. Ngày 10/1, Vũ Hán ghi nhận 41 ca nhiễm SARS-CoV-2 đầu tiên. Đến 1/4, thế giới ghi nhận ca mắc COVID-19 thứ 1 triệu. Kể từ thời điểm đó đến nay, toàn thế giới có trên 8 triệu người mắc COVID-19.

Kênh CNBC (Mỹ) cho biết đến cuối tháng 5, tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc có dấu hiệu lắng xuống và chính phủ trung ương còn tổ chức Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc (Quốc hội) tại Đại Lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Cuộc họp với hàng nghìn đại biểu là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh đã dần trở lại với cuộc sống thường nhật, học sinh có thể quay trở lại trường, người dân có thể di chuyển ra vào thành phố…

Tuy nhiên, những ổ dịch mới khiến mọi hoạt động ngưng đọng. Lãnh đạo Bắc Kinh cho biết thành phố đang bước vào “thời gian khác thường” và khởi động xét nghiệm virus cho hàng chục nghìn người sống gần chợ Tân Phát Địa hoặc từng ra vào nơi đây.

Ngoài ra, các phòng tập bị đóng cửa, nhiều cơ sở áp dụng đo thân nhiệt từ cửa ra vào. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 15/6, nhiều tỉnh thành khác tuyên bố áp dụng biện pháp cách ly bắt buộc với người đến từ Bắc Kinh.

Dịch COVID-19 tái bùng phát ở Bắc Kinh càng gia tăng khó khăn với tiêu dùng - yếu tố quan trọng trong tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc.

Công ty tư vấn Oliver Wyman dự báo thị trường may mặc Trung Quốc sẽ mất 60 tỷ USD trong năm nay do tác động của dịch COVID-19. Những người có thu nhập thấp sẽ mua sản phẩm giá rẻ, đồng thời hạn chế chi tiêu.

Khu chợ Tân Phát Địa đã bị đóng cửa. Ảnh: Sky News

Nhiều tỉnh thành tại Trung Quốc đã áp dụng biện pháp kích thích chi tiêu. Bắc Kinh vào đầu tháng này đưa ra gói kích thích chi tiêu dưới dạng phiếu (voucher) trị giá 12,2 tỷ nhân dân tệ phát hành qua ứng dụng JD.com trong vài tuần tới.

Doanh thu bán lẻ tại Bắc Kinh đã giảm 21,5% trong 3 tháng đầu năm nay, trong khi mức giảm của toàn quốc là 19% và Thượng Hải là 20,4%.

Thượng Hải cũng tổ chức sự kiện kích thích tiêu dùng trong đầu tháng này trị giá hơn 24 tỷ nhân dân tệ. Trong thời điểm từ ngày 1-10/5, biện pháp này giúp đem về 48,2 tỷ nhân dân tệ cho các cửa hàng và 40 tỷ nhân dân tệ thương mại trực tuyến.

Tuy dữ liệu về doanh thu bán lẻ giảm trong tháng 5 nhưng doanh thu bán hàng trực tuyến tại tăng đến 15,6% so với cùng kỳ năm trước.

Nhà sáng lập Viện YaSong – ông Qin Gang - cho biết người dân Trung Quốc ngày nay ngày càng sẵn sàng chi tiêu hơn thế hệ trước. Theo ông Qin Gang, xu hướng tiêu dùng dài hạn của Trung Quốc có xu hướng không thay đổi và thường thích chi tiêu liên quan đến văn hóa, du lịch cũng như giáo dục, y tế…

COVID-19 cũng tạo tăng trưởng cho một loại hình kinh doanh mới. Trang giao hàng hóa trực tuyến Dada cho biết doanh thu tại Bắc Kinh trong hai ngày 12 và 13/6 đã tăng 41% so với tuần trước.

Bà Imke Wouters vào đầu tháng này nhận định: “Với nhóm thu nhập cao, bạn sẽ thấy sự hồi phục mạnh mẽ”. Bà Imke Wouters nói rằng các cửa hàng có thể thu hút thêm khách hàng qua dịch vụ tư vấn.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tuong-lai-kinh-te-trung-quoc-am-dam-vi-o-dich-covid19-moi-20200617160529201.htm