Tương lai không có để ăn - đặc sản Hồng không hạt Bảo Lâm, Lạng Sơn

Bảo Lâm - một xã giáp biên giới trước đây nổi tiếng là 'cái nôi' của cây hồng đặc sản, nhưng mấy năm trở lại đây giống hồng đặc sản này đang có nguy cơ bị thoái hóa và mất dần thương hiệu 'Đặc sản hồng không hạt Bảo Lâm'.

Đến Bảo Lâm vào những ngày gần Trung thu, như mọi năm dọc đường đi vào xã đã thấy triền đồi bên kia đường lúc lỉu màu vàng những quả hồng không hạt, nức tiếng xa gần. Năm nay, cũng trên cung đường ấy, nhưng không còn hình ảnh những vườn hồng chín vàng nổi bật giữa vạt rừng xanh mướt. Đâu đó lác đác một vài cây thưa thớt quả, lá vàng và gần như đều đã “có tuổi”.

Bà Lê Thị Bách, thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm (Cao Lộc, Lạng Sơn) – một hộ gia đình hiện nay được cho là còn trồng và chăm sóc được nhiều nhất loại quả đặc sản này. Bà cho biết: Mấy năm trước nhà bà trồng rất nhiều, nhưng mấy năm gần đây, cây già, sâu bệnh chết hết. Hiện tại vườn nhà bà còn khoảng 30 - 40 gốc có tuổi thọ hơn 20 năm. Năm nào được mùa thì quả sai trĩu, màu vàng rất đẹp. Những năm được mùa nhà bà cũng thu được 4 – 5 tấn, cây cho nhiều quả nhất có thể lên tới gần 100kg/ cây. Năm nay vườn nhà bà cũng sai khá nhiều quả, nhưng quả bé và vỏ không mượt như những năm trước do cây đã già cỗi.

Loại trái cây đặc sản này đang bị thoái hóa và mất dần thương hiệu.

Theo bà Bách, việc chăm sóc cây hồng phải được thực hiện thường xuyên và liên tục. Mỗi năm vào khoảng tháng 2 và tháng 9 âm lịch, người trồng phải phát quang quanh gốc và bón phân. Giống cây này chỉ hợp với thổ nhưỡng và khí hậu tại một số xã của huyện Cao Lộc. Vùng núi giáp biên phía Trung Quốc cũng trồng hồng, nhưng chất lượng và vị ngon không thể bằng hồng Bảo Lâm.

Dù trong vườn còn ít cây, nhưng năm nay quả sai nhiều và cũng được giá nên bà Bách vui vẻ.

Hồng Bảo Lâm nổi tiếng xa gần và được ưa chuộng bởi vị ngọt, thơm, giòn và đặc biệt là không hạt. Quả hồng trơn, hơi thuôn dài, có 4- 6 rãnh kéo dài từ cuống đến giữa quả, mặt cắt ngang hình hoa thị 8-12 cánh đều nhau. Bà con thường thu hoạch khi vỏ quả đã ngả sang vàng, thịt quả mịn, có hạt cát đường màu đỏ hoặc vàng cam. Để chín cây, hồng chuyển màu đỏ, thịt mềm, vị đậm đà hơn so với hồng đã được ngâm.

Những quả hồng sắp cho thu hoạch, màu vàng đẹp mắt trong vườn của bà Bách

Bà Hoàng Thị Tải, thôn Còn Háng, xã Bảo Lâm, Huyện Cao Lộc, Lạng Sơn cho biết: Không biết giống hồng này có từ khi nào, chắc từ đời các ông, các bà vì từ hồi nhỏ đã thấy trong vườn có rồi. Nhà bà mấy năm trước nhiều lắm, có năm thu được 3- 4 tấn bán với giá 20- 25 nghìn/kg. Nhưng mấy năm gần đây, hồng chết hết, do cây trồng đã nhiều năm và sâu bệnh phát triển nhiều, không chăm sóc được thường xuyên. “Một, hai năm nữa, có khi không còn giống hồng đặc sản này để ăn”, bà chia sẻ.

Những vườn hồng còn sót lại năm nay sai nhiều quả.

Trao đổi với PV, Bà Đoàn Thị Áy, Phó bí thư Đảng ủy xã Bảo Lâm cho biết: Mấy năm trước, trên địa bàn xã trồng rất nhiều, sản lượng mỗi năm lớn, các thương lái vào đến tận nơi để thu mua. Nhưng mấy năm trở lại đây, giống hồng đặc sản này còn số lượng rất ít do cây trồng đã nhiều năm, thời tiết thay đổi dẫn đến cây bị sâu bệnh phá hoại. Mỗi nhà nhiều thì còn hơn chục cây, ít thì còn vài cây cho quả. Bảo Lâm là “cái nôi” của giống hồng đặc sản này nhưng đã bị thoái hóa nhiều dù đã cố gắng phục tráng để giữ gìn và nâng tầm thương hiệu. Bà con cũng tiến hành ghép cành để trồng nhưng hiệu quả không cao. Hiện nay nhiều xã lân cận như Thạch Đạn, Thanh Lòa...cũng mới bắt đầu trồng nhiều giống đặc sản này.

“Một, hai năm nữa, có khi không còn giống hồng đặc sản này để ăn”.

Trước đó, năm 2012 giống hồng không hạt này đã thực sự trở thành cây ăn quả mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nhiều hộ gia đình ở đây. Loại trái cây đặc sản này đã từng được tỉnh Lạng Sơn xác định là cây ăn quả đặc sản cần được ưu tiên nghiên cứu và phát triển ở các địa bàn có điều kiện khí hậu và đất đai phù hợp. Đồng thời đã chính thức được cấp giấy chứng nhận bảo hộ Chỉ dẫn địa lý, được thị trường tiêu dùng biết đến và ưa chuộng, nhu cầu tiêu thụ lớn.

Liễu Chang

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/dia-chi-xanh/tuong-lai-khong-co-de-an-dac-san-hong-khong-hat-bao-lam-lang-son-806454.html