Tương lai khó đoán định của cuộc đàm phán Brexit

Trước bối cảnh cuộc đàm phán về việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (EU) rơi vào bế tắc, Thủ tướng Anh Theresa May đã lên tiếng loại trừ khả năng Anh tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần thứ 2 về Brexit và kêu gọi EU cần linh hoạt hơn trong lập trường. Trong một diễn biến khác, lãnh đạo các nước EU thông báo sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới.

Lãnh đạo các nước EU tham gia hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Salzburg (Áo). Ảnh: Getty

Cuối tuần trước, lãnh đạo các nước EU đã tập trung tại thành phố Salzburg (Áo) để tham gia hội nghị thượng đỉnh không chính thức. Một trong những vấn đề chính thảo luận trong hội nghị đó là sự bế tắc của cuộc đàm phán Brexit. Theo dự kiến, thỏa thuận cuối cùng giữa Anh và EU về Brexit cần phải đạt được vào tháng 10 năm nay. Đồng thời, tại hội nghị lần này, các nước EU quyết định sẽ tổ chức thêm một hội nghị thượng đỉnh đặc biệt về Brexit vào tháng 11 tới.

Trước đó, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết nước Anh đã đưa ra những đề xuất nghiêm túc và khả thi về Brexit, và bây giờ đến thời điểm EU cần quyết định và linh hoạt trong lập trường. Phát biểu với lãnh đạo các nước EU trong hội nghị, bà Theresa May kêu gọi EU xem xét đề xuất của Anh về kế hoạch rời khỏi khối. Nhưng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk và các nhà lãnh đạo châu Âu khác đã bác đề xuất có tên gọi “Chequers” của chính phủ Anh.

Hồi tháng 7 năm nay, bà Theresa May đã đưa ra kế hoạch Chequers, trong đó đề xuất việc Anh tiếp tục tuân thủ quy định về thương mại hàng hóa của EU, tiến hành tự do thương mại hàng hóa giữa biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland, nhưng Anh vẫn có quyền kiểm soát người nhập cư và ký kết hợp tác thương mại với các nước ngoài EU. Theo ông Mugitaba Raman, nhà phân tích chính trị châu Âu thuộc Cơ quan phân tích và tư vấn Eurasia Group (Mỹ), trong hội nghị lần này, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã chủ động lập luận rằng EU cần phải cứng rắn hơn trong việc phản đối kế hoạch Chequers. Ông Macron cho rằng EU không thể chấp nhận đề xuất của Anh vì xét về mặt kinh tế, Chequers không tôn trọng tính toàn vẹn của thị trường đơn nhất EU. Bên cạnh đó ông Donald Tusk khẳng định kế hoạch Chequers không khả thi và gây ảnh hưởng đến thị trường chung EU. Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng cho biết sẽ không có thỏa hiệp giữa Anh và EU trong vấn đề tự do thương mại hàng hóa.

Ngay cả những nước thường có thái độ trung lập trong vấn đề Brexit như Hà Lan, Đan Mạch và Thụy Điển cũng đã ủng hộ kế hoạch phản đối đề xuất Chequers của Trưởng đoàn đàm phán của EU về Brexit Michel Barnier. Theo đó, sẽ có một trạm kiểm soát cuối giữa biên giới Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland nhằm đảm bảo Bắc Ireland vẫn nằm trong phạm vi điều chỉnh của liên minh thuế quan và và chính sách thương mại chung của EU.

Có thể thấy vấn đề biên giới Bắc Ireland đang là tâm điểm bất đồng giữa chính phủ Anh và EU. Trong nội bộ nước Anh cũng đang diễn ra những mâu thuẫn xung quanh việc tương lai chính sách thương mại của Anh, do những người ủng hộ Brexit trong chính phủ Anh đòi hỏi nước Anh cần hoàn toàn rời khỏi EU mà không bị ràng buộc bởi bất kỳ chính sách thương mại nào của khối này.

Hội nghị nhóm họp tại Salzburg chưa phải là hội nghị thượng đỉnh chính thức của EU, vì vậy các nước chưa đưa ra kết luận chính thức về vấn đề Brexit. Tuy nhiên, ông Donald Tusk cho biết nếu đàm phán về Brexit có những tiến triển trong hội nghị tháng 10, thì EU và Anh có thể chính thức đạt thỏa thuận cuối cùng vào tháng 11 năm nay. Giới chuyên gia phân tích, trong cuộc đàm phán tới, mỗi bên cần nhượng bộ để tránh kịch bản xuất nhất là không đạt được thỏa thuận nào. Điều này phụ thuộc vào cách “chèo lái” của thủ tướng Anh Theresa May đối với các nhà lãnh đạo EU cứng rắn và trong chính nội bộ nước Anh.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-lai-kho-doan-dinh-cua-cuoc-dam-phan-brexit/