Tương lai hợp tác vũ trụ giữa Nga - Mỹ

Ngày 11-10 vừa qua, Nga đã thất bại khi phóng tên lửa để đưa tàu vũ trụ Soyuz MS-10 chở hai phi hành gia và hàng trăm tấn nhiên liệu lên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Theo truyền thông Nga đưa tin, hai phi hành gia đã hạ cánh an toàn trên đất Kazakhstan.

Tàu vũ trụ Soyuz MS-10 rời khỏi bệ phóng hôm 11-10. Ảnh: Reuters

Sau khi cất cánh từ sân bay vũ trụ Baikonur (Kazakhstan), tàu vũ trụ Soyuz MS-10 phóng vào không gian với tốc độ nhanh hơn một viên đạn súng trường. Tuy nhiên, sau khi rời bệ phóng, tàu vũ trụ buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại điểm thành phố Zhezqazghan, miền Trung Kazakhstan. Hai cơ quan vũ trụ của Nga và Mỹ cho biết, phi hành gia người Nga Alexey Ovchinin và phi hành gia người Mỹ Nick Hague đều an toàn và đã được giải cứu trong vòng 1 giờ sau khi hạ cánh.

Nguyên nhân của sự cố đang được điều tra. Theo một quan chức thuộc cơ quan vũ trụ Nga (Roscosmos), tình trạng khẩn cấp xảy ra tại giây thứ 119 của chuyến bay, khi bộ tăng cường bên hông của giai đoạn đầu trong hành trình phóng tên lửa tách khỏi bộ tăng cường trung tâm của giai đoạn hai. Theo thông tin trên trang mạng xã hội Twitter của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), phi hành đoàn trở về trái đất theo đường bay dốc kiểu đạn đạo. Tức là khoang tên lửa của Soyuz đã hạ cánh mà không có bộ tăng cường, hướng rơi được xác định một cách thủ công và phanh nhờ hệ thống dù.

Cơ quan vũ trụ Nga đã đăng trên Twitter một bức ảnh hai phi hành gia trao đổi với ông Dmitri Rogozin, Giám đốc cơ quan vũ trụ Liên bang Nga. Sau khi vụ việc xảy ra, Nga tuyên bố đình chỉ nhiệm vụ lên ISS của Soyuz cho đến khi nguyên nhân sự cố được xác định. Các cơ quan liên quan của Nga và Mỹ sẽ hợp tác điều tra nguyên nhân này.

Tàu vũ trụ Soyuz, với các phiên bản khác nhau, là trụ cột chính trong các chương trình vũ trụ của Liên Xô và sau đó là Nga từ những năm 1960. Soyuz là một phương tiện đáng tin cậy đưa phi hành đoàn vào không gian và chưa bao giờ xảy ra tai nạn chết người. Trong các sự cố trước đây năm 1975 và 1983, hệ thống thoát hiểm của Soyuz đã đưa các phi hành gia hạ cánh an toàn.

Vụ tai nạn xảy ra tại thời điểm quan hệ Mỹ - Nga trong lĩnh vực không gian, vũ trụ đang có bước tiến mới. Tại buổi phóng tàu vũ trụ Soyuz hôm 11-10, ông Dmitri Rogozin và người đồng cấp Mỹ Jim Bridenstine đã có cuộc họp thảo luận về tương lai mối quan hệ hợp tác giữa hai nước. Các cuộc đàm phán có thể giúp NASA đạt được đề xuất xây dựng trạm vũ trụ đầu tiên trên mặt trăng tên gọi Lunar Gateway (với quỹ đạo quay quanh mặt trăng).

Trước đó, ông Dmitri Rogozin cho biết Nga muốn tiếp tục quan hệ đối tác lâu dài với Mỹ trong lĩnh vực không gian, vũ trụ, song cũng có thể chuyển hướng hợp tác sang các quốc gia không gian mới nổi khác như Trung Quốc, nếu Nga không nhận được khẳng định hợp tác từ phía Mỹ.

Kể từ khi kết thúc chương trình đưa đón trong vũ trụ vào năm 2011, Mỹ đã phụ thuộc nhiều hơn vào các nước khác - đặc biệt là Nga - và các nhà thầu tư nhân để khởi động các chương trình đưa con người vào quỹ đạo. NASA đang đầu tư cho các công ty của Mỹ như SpaceX và Boeing để phát triển tàu vũ trụ.

Nhưng do những trì hoãn liên tục trong quá trình thử nghiệm của các công ty này, tàu vũ trụ mới của Mỹ chưa thể đi vào hoạt động ít nhất đến năm sau.

Hà Thu

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tuong-lai-hop-tac-vu-tru-giua-nga-my/