Tương lai hòa bình ở Ukraine vẫn xa vời

Tiến trình hòa bình hướng tới chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua tại miền Đông Ukraine đã ghi nhận những dấu hiệu tích cực trong tháng 9 vừa qua, khi quân đội Chính phủ và các lực lượng nổi dậy đòi độc lập cuối cùng đã chấp nhận rút vũ khí và binh lính của mình khỏi chiến tuyến sau khi một lệnh ngừng bắn mong manh được thiết lập. Tuy nhiên cho đến nay tương lai cuộc xung đột này có thể đi đến hồi kết vẫn còn rất xa vời bởi các bên tỏ ra không mấy thiện chí với thỏa hiệp chính trị.

Ngoại trưởng 3 nước Ukraine, Đức và Pháp sau cuộc họp báo công bố kết quả cuộc gặp ở Kiev hồi đầu năm nay

Đã trở thành thông lệ, cứ vào tháng 9 hàng năm, quân đội Ukraine và lực lượng nổi dậy lại thiết lập lệnh ngừng bắn để trẻ em có thể đến trường an toàn. Tuy nhiên, hiệp định ngừng bắn “trở lại trường học” năm nay không giống với các năm trước và đã diễn ra rất ngắn. Chỉ sau hai tuần sau khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực, các bên xung đột đã ghi nhận sự leo thang các hoạt động thù địch, khiến ít nhất 6 chiến binh thiệt mạng và 15 người bị thương.

Thỏa thuận ngừng bắn nhanh chóng bị phá vỡ cũng là một minh chứng khác cho thấy sự bế tắc trong việc thực thi thỏa thuận hòa bình Minsk do Đức, Pháp, Nga và Ukraine làm trung gian hồi đầu năm 2015. Để khôi phục thỏa thuận này, ngày 15-9 vừa qua, Ngoại trưởng Đức Frank- Walter Steinmeier và người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault đã tới Kiev trong một chuyến thăm được giới phân tích Ukraine đánh giá là một bước ngoặt đối với tiến trình hòa bình.

Trong cuộc họp tại Kiev, Ngoại trưởng Pháp đã lần đầu tiên công bố một kế hoạch chi tiết, thực chất là đường lối chỉ đạo để phục vụ cho việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk. Kế hoạch này bao gồm 3 bước: Thứ nhất là về an ninh, hướng tới chấm dứt thù định và giải giáp các lực lượng dọc chiến tuyến. Tiếp theo là chính trị, cho các quan sát viên quốc tế quyền tiếp cận hoàn toàn với khu vực xung đột và thảo ra một bộ luật nhằm giải quyết cuộc đối đầu quân sự này. Bước cuối cùng là thực hành, theo đó sắp xếp tổ chức các cuộc bầu cử địa phương tại vùng Donbas và trao cho vùng này một quy chế đặc biệt.

Giới chuyên gia nhận định kế hoạch 3 bước này trên thực tế nhằm đề xuất quyền tự trị đầy đủ cho vùng Donbas, phù hợp với các điều lệ trong thỏa thuận Minsk. Kế hoạch mới, với việc thiết lập một chiến lược tương đối rõ ràng cho việc thực thi đầy đủ thỏa thuận Minsk, có khả năng trở thành một bước đột phá ngoại giao trong việc giải quyết cuộc xung đột. Lệnh ngừng bắn vốn bị cả hai bên phớt lờ trong nhiều tháng qua tiếp tục có hiệu lực rộng rãi, và quan trọng hơn là các bên đã đồng ý rút binh lính và vũ khí của mình khỏi khu vực chiến sự.

Trong khi đó, một số chuyên gia ở địa phương tỏ ra không lạc quan về khả năng của nỗ lực phi quân sự hóa này, cho rằng sự rút quân và vũ khí không đồng nghĩa với việc họ sẽ không quay trở lại chiến tuyến nếu như căng thẳng leo thang. Rõ ràng các bên xung đột đều có thiện chí để đạt được những tiến triển trong vấn đề an ninh, và điều này chỉ ra rằng họ cũng đang tìm một con đường để chấm dứt xung đột và đã sẵn sàng ngừng chiến đấu. Tuy nhiên, việc các lực lượng chấm dứt thù địch và giải trừ quân bị, dù có được hoàn thành trọn vẹn, cũng không đảm bảo cho hòa bình bền vững ở khu vực.

Có ý kiến cho rằng việc thiết lập vùng an toàn, dù là dọc toàn bộ chiến tuyến, không thể giải quyết được cuộc xung đột mà chỉ có thể thay đổi tình hình theo hướng “đóng băng xung đột”. Để thúc đẩy tiến trình hòa bình, kế hoạch của Đức - Pháp cần phải được thực thi một cách toàn vẹn. Cho đến nay, sự ngờ vực ở cả hai phía vẫn còn, bằng chứng là vẫn có sự trì hoãn trong việc thả các tù binh, các giám sát viên quốc tế vẫn không thể tiếp cận toàn diện khu vực xung đột và vẫn chưa có sự chuẩn bị tốt cho việc thiết lập một nền tảng pháp lý cho vùng tự trị Donbas.

Thêm vào đó, bước thực hành cũng không có nhiều cơ hội hiện thực hóa do sự chia rẽ sâu sắc ngay trong nội bộ giới cầm quyền ở Ukraine. Ngay cả khi Tổng thống Petro Poroshenko và bè cánh của mình có thảo được bộ luật cần thiết cho quy chế đặc biệt của các khu vực miền Đông và đệ trình lên quốc hội, khả năng nó có thể được các nhà lập pháp ủng hộ là rất thấp.

Lan Huyền

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/tuong-lai-hoa-binh-o-ukraine-van-xa-voi.aspx