Tương lai cụm mỏ Tân Đông Hiệp của KSB đã được định đoạt

Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương đã cho thông qua tờ trình gia hạn thời gian khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp đến hết năm 2019.

Mỏ đá Tân Đông Hiệp đóng góp một nửa doanh thu của KSB

Kỳ họp bất thường của Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương ngày 12/6 vừa qua đã thông qua tờ trình về điều chỉnh, bổ sung ba nội dung trong quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường của tỉnh giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Cụ thể, đối với đá xây dựng, điều chỉnh thời gian khai thác cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp và mỏ đá Núi Nhỏ thuộc thị xã Dĩ An đến ngày 31/12/2019; điều chỉnh độ sâu khai thác cụm mỏ đá Tân Đông Hiệp, mỏ đá Núi Nhỏ và mỏ đá Thường Tân III, Thường Tân IV thuộc huyện Bắc Tân Uyên.

Đồng thời, bổ sung 80ha khu vực dự trữ đá xây dựng tại xã Tam Lập, huyện Phú Giáo. Đối với cát xây dựng, bổ sung 27 ha mỏ cát tại khu vực Bàu Sen. Đối với đất san lấp, bổ sung 232ha với trữ lượng khoảng 5 triệu m3, tập trung ở huyện Bắc Tân Uyên, Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và thị xã Tân Uyên.

Cụm mỏ Tân Đông Hiệp đang được bốn công ty khai thác là Công ty CP Xây dựng và Khoáng sản Bình Dương (KSB), Công ty CP Đầu tư và Xây dựng 3 tháng 2, Công ty CP Xây dựng Trung Thành và Công ty CP Xây dựng Bình Dương.

Hồi đầu năm, UBND tỉnh Bình Dương có văn bản cho phép bốn công ty này được thăm dò khai thác xuống sâu trong khi chờ điều chỉnh quy hoạch để cấp phép mới.

Việc Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương cho phép khai thác mỏ đá Tân Đông Hiệp đến hết năm tới đã giải tỏa lo lắng của các cổ đông và nhà đầu tư về việc đảm bảo doanh thu và lợi nhuận trong năm 2018 của KSB.

Trong số các mỏ đá của KSB, Tân Đông Hiệp được xem như ‘gà đẻ trứng vàng’, đóng góp phần lớn doanh thu và lợi nhuận. Trước khi mỏ đá tạm dừng khai thác cuối năm ngoái, mỏ Tân Đông Hiệp đóng góp khoảng 50% tổng doanh thu của KSB.

Năm nay, KSB đặt mục tiêu 1.168 tỷ đồng và lợi nhuận 400 tỷ đồng trong năm 2018. Kế hoạch kinh doanh này chưa bao gồm các mỏ đá mà KSB sẽ đầu tư trong năm nay, bao gồm hai mỏ phía Bắc và mỏ ở Đông Nam Bộ. KSB đang trong quá trình tiếp quản nên vẫn chưa tính toán doanh thu và lợi nhuận ở các mỏ này vào kế hoạch.

Đại diện KSB cho biết, trong trường hợp nếu hoạch toán thêm các mỏ khác, doanh thu của KSB sẽ có bước tăng trưởng đột biến. Trước đó, theo báo cáo kết quả kinh doanh quý I/2018, doanh thu ước đạt 252 tỷ đồng, lãi trước thuế 87,2 tỷ đồng và lãi sau thuế 69 tỷ đồng.

KSB đã xác định mục tiêu chiếm 60% thị phần trong ngành khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất vật liệu xây dựng trong 5 năm sắp tới bằng cách mua thêm mỏ mới, đồng thời sẽ tìm một đối tác chiến lược để khẳng định và nâng cao vị thế của mình là đơn vị đầu ngành.

KSB cũng đẩy mạnh thêm mảng phát triển khu công nghiệp, trong đó đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện giai đoạn mở rộng 300ha của khu công nghiệp KSB. Công ty con KSB IDC cũng đang tìm kiếm mua các khu công nghiệp có tiềm năng tại khu vực Đông Nam Bộ.

Được biết, KSB cam kết với cổ đông sẽ chia cổ tức năm 2018 ở mức 20% đến 28%, tăng nhẹ so với năm 2017. Công ty cũng vừa có nghị quyết về việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2017.

Hà Linh

Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/tuong-lai-cum-mo-tan-dong-hiep-cua-ksb-da-duoc-dinh-doat-1529028048550.htm