Tương lai của nghệ thuật nhân loại sẽ ra sao?

Đọc 'Dẫn nhập về nghệ thuật', bạn sẽ hiểu tại sao tranh chép không bao giờ có giá trị ngang tranh thật; hay tương lai của nghệ thuật nhân loại sẽ là gì hoặc ở hình thức nào?

Nghệ thuật là một khái niệm rất trừu tượng và bao la mà chúng ta cần một người dẫn đường để soi lối đi, ít nhất vào những ngày đầu, vào thế giới đó - cuốn Dẫn nhập về nghệ thuật của tác giả Laurie Schneider Adams (Nhã Nam & NXB Thế Giới, Hồ Hồng Đăng dịch) là người dẫn đường đó.

Nếu bạn quan tâm đến lĩnh vực phân tâm học và tâm lý học, đồng thời muốn dấn bước sâu thêm vào thế giới không chỉ của Freud hay Carl Jung, cuốn Dẫn nhập về Phân tâm học Lacan của tác giả Lionel Bailly (Nhã Nam & NXB Thế Giới, Vi Bích dịch) sẽ là một trợ thủ đắc lực.

 Bìa sách Dẫn nhập về Phân tâm học Lacan và Dẫn nhập về nghệ thuật.

Bìa sách Dẫn nhập về Phân tâm học Lacan và Dẫn nhập về nghệ thuật.

Nếu thế kỷ 20 chứng kiến Freud đặt nền móng cho ngành phân tâm học từ nước Áo, thì vào nửa sau của thế kỷ này, người ta đã được chứng kiến cách mà những hậu bối người Pháp như Michel Foucault hay Jacques Lacan xây dựng công trình mới từ những viên gạch ban đầu đó.

Jacques Lacan “gói ghém” những khái niệm do Freud phát minh và nhào nặn chúng thành những hình hài mới bằng cách sử dụng những thuật ngữ ngôn ngữ học và thuyết cấu trúc. Một ví dụ thật nhanh, nếu Freud cho rằng phần vô thức, chứ không phải ý thức, mới là động cơ thúc đẩy phần lớn hành vi của con người, là “phần chìm của tảng băng” là lý do khiến bạn làm những gì bạn làm và nói những gì bạn nói, thì Lacan cụ thể hóa lý thuyết này lại bằng những khái niệm rất đanh gọn như Biểu Tượng (The Symbol) - phần “nổi” của “tảng băng” và Tưởng Tượng (The Imaginary) - phần “chìm” rồi cuối cùng là Thực Thể (The Real).

Có bao giờ bạn tự hỏi tại sao mình, nhất là trong thời đại của mạng xã hội, luôn tìm cách nuôi dưỡng và duy trì một “hình ảnh” hay một hình tượng nào đó về bản thân. Bạn có thể là bất cứ ai trên Facebook hay Instagram: Một người quan tâm và sành sỏi chính trị. Một nhà bình luận thể thao cừ khôi. Một người từ bi quan tâm đến vận mệnh nhân loại… Tại sao bạn có những hành vi này?

Bìa sách Dẫn nhập về nghệ thuật.

Lacan biết câu trả lời. Nhà phân tâm học được người đời gọi là “Freud của nước Pháp” cũng là người phát minh ra khái niệm “Giai đoạn Gương soi” (The Mirror Stage) trứ danh. Theo Lacan, một đứa trẻ từ 6 tháng tuổi đến hơn một tuổi sẽ phải trải qua giai đoạn tâm lý cùng tên. Với ông, khi đứa trẻ bắt đầu hình thành ý thức, giây phút nó nhìn thấy chính mình trong gương là một khoảnh khắc hệ trọng. Lần đầu tiên, đứa trẻ ý thức được về sự độc lập của sự tồn tại của chính nó, thay vì cứ phải gắn liền sự sinh tồn của nó với hình ảnh của người mẹ (hay bất cứ ai nuôi nấng nó từ lúc mới lọt lòng đến khi nó nhìn vào gương lần đầu).

Mấu chốt nằm ở đây: Khoảnh khắc đứa trẻ nhận ra chính mình, cũng là lúc nó nhận diện sai lệch về chính mình vì một lý do đơn giản: Nó còn quá nhỏ để hiểu rằng, cái hình ảnh trong gương mà nó “ngỡ” như hình ảnh toàn vẹn và tuyệt đối nhất của nó, rồi sẽ thay đổi liên tục khi nó lớn lên. Và đây chỉ là một trong những khái niệm hết sức thú vị về phân tâm học, được diễn giải bằng một ngôn ngữ trong sáng, mạch lạc và giản dị đúng với ý nghĩa “nhập môn” mà tác giả Lionel Bailly, ngoài đời cũng là một nhà phân tâm học, mang đến cho các bạn trong cuốn Dẫn nhập về phân tâm học Lacan.

Là tiến sĩ chuyên ngành lịch sử nghệ thuật của Đại học Columbia, Laurie Schneider Adams đã có 45 năm làm công việc giảng dạy về nghệ thuật tại trường Đại học CUNY (The City University of New York), nên trong cuốn Dẫn nhập về nghệ thuật của mình, bà rõ ràng biết cách chọn lựa từ ngữ và cách kể chuyện để người đọc có thể thâu tóm cho mình một cái nhìn tương đối tổng quan về khái niệm nghệ thuật lẫn các trường phái nghệ thuật, trước khi “dấn bước” thêm vào thế giới bao la và rộng lớn đó.

Bìa sách Dẫn nhập về Phân tâm học Lacan.

Đọc Dẫn nhập về nghệ thuật, bạn cũng hiểu tại sao tranh chép không bao giờ có giá trị ngang tranh thật. Tại sao một số loại hình nghệ thuật lại gây tranh cãi. Hay tương lai của nghệ thuật nhân loại sẽ là gì - hoặc ở hình thức nào. Có một điểm cần lưu ý, cuốn sách có xu hướng nhấn mạnh và dành nhiều “đất” cho nghệ thuật phương Tây, nên nếu bạn muốn tìm hiểu về nghệ thuật phương Đông, dù ở mức độ nhập môn hay không, cuốn sách có lẽ sẽ không thỏa mãn được bạn. Nhưng suy cho cùng, ở cương vị của một “người dẫn đường”, bạn hẳn sẽ không phải thất vọng với tác phẩm của Adams Laurie.

Trí Vương

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/tuong-lai-cua-nghe-thuat-nhan-loai-se-ra-sao-post1057543.html