Tương lai của Lebanon đang bị đe dọa

Vụ nổ thảm họa tại Thủ đô Beirut cuối tuần qua đã nhấn chìm Lebanon - quốc gia vốn kiệt quệ kinh tế đỉnh điểm, vào khủng hoảng toàn diện. Bạo loạn bùng nổ làm chấn động chính trường bởi người dân bất mãn tột độ trước quốc nạn tham nhũng sâu sắc và coi đây chính là 'gốc rễ' gây nên những thảm kịch.

Sự phẫn nộ của người dân Lebanon đạt tới đỉnh điểm sau vụ nổ lớn ở Beirut, ngày 4-8. Bạo loạn bùng nổ khi các nhóm cực đoan xâm chiếm các trụ sở cơ quan chính phủ và đụng độ liên tục với lực lượng an ninh. Ảnh: EPA

Sự phẫn nộ của người dân Lebanon đạt tới đỉnh điểm sau vụ nổ lớn ở Beirut, ngày 4-8. Bạo loạn bùng nổ khi các nhóm cực đoan xâm chiếm các trụ sở cơ quan chính phủ và đụng độ liên tục với lực lượng an ninh. Ảnh: EPA

Vụ nổ lớn hôm 4-8 đã khiến 158 người thiệt mạng, hơn 6.000 người bị thương, chia cắt toàn bộ khu vực, khiến 300.000 ngôi nhà bị phá hủy, san bằng các cơ sở kinh doanh và phá hủy nguồn cung cấp ngũ cốc quan trọng. Việc tái thiết Beirut có thể sẽ tiêu tốn hàng tỷ USD. Các nhà kinh tế dự báo, vụ nổ có thể xóa sổ tới 25% GDP của đất nước.

Những nhà quan sát quốc gia Trung Đông bất ổn này phân tích, trước khi xảy ra vụ nổ, Lebanon vốn chìm sâu trong khủng hoảng chính trị và tài chính. Nền kinh tế Lebanon vốn đang tan rã, siêu lạm phát tàn phá đất nước; kể từ tháng 9 năm ngoái, đồng tiền Lebanon đã mất từ 85 đến 90% giá trị; người dân nghèo đói, tuyệt vọng... Đó là lời tóm tắt cho bối cảnh khủng hoảng đỉnh điểm kể từ nội chiến 1975 – 1990. Vì vậy, vụ nổ phá hủy cảng trọng yếu của Lebanon hôm 4-8 cũng đồng nghĩa với việc phá hủy “cần câu” khiến kinh tế Lebanon khó khăn để “vực dậy”.

Những cuộc biểu tình từ ngày 8-8 kêu gọi cuộc bầu cử sớm, nhưng bạo loạn bùng nổ ngay lập tức. Các nhóm cực đoan đã xâm chiếm trụ sở Nhà nước như: Bộ Ngoại giao, Bộ Môi trường, Bộ Kinh tế, tòa nhà Quốc hội, Hiệp hội Ngân hàng... Người dân Lebanon cáo buộc nguyên nhân vụ nổ kho chứa khổng lồ chất amoni nitrat tại cảng Beirut xuất phát từ sự cẩu thả trong quản lý của một tầng lớp chính trị tham nhũng. Sự tức giận của công chúng về vụ nổ đã khiến một bộ phận không nhỏ người Lebanon kêu gọi cuộc nổi dậy lật đổ giới cầm quyền.

Sức ép từ người dân khiến chính quyền Lebanon chao đảo, thậm chí gây nên làn sóng từ chức hàng loạt của giới quan chức cấp cao. Nhiều chỉ trích cho rằng, các vụ việc từ chức chỉ là hành động “trốn tránh an toàn”. Giáo chủ nhà thờ Maronite của Lebanon Beshara Rai đã tham gia vào “tiếng nói giận dữ” của người dân và mô tả những gì đang diễn ra tại Lebanon là “tội ác chống lại loài người'.

"Việc một nhà lập pháp từ chức hoặc một vài Bộ trưởng từ chức là không đủ. Toàn bộ chính phủ phải từ chức vì họ không có khả năng đưa đất nước tiến lên" - Giáo chủ Beshara Rai bức xúc nói.

Liên hợp quốc và Pháp đã tổ chức Hội nghị các nhà tài trợ khẩn cấp cho Lebanon diễn ra ngày 9-8 và đưa ra cam kết trị giá hàng trăm triệu euro để cứu trợ người dân Lebanon ngay lập tức. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết, những cam kết đó sẽ không có điều kiện đối với cải cách chính trị hoặc thể chế. Cũng có những cam kết hỗ trợ lâu dài hơn tùy thuộc vào những thay đổi do chính quyền đưa ra.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia còn e ngại việc viện trợ Lebanon bởi vấn nạn tham nhũng quá sâu sắc tại nước này. Tổng thống Macron – người trực tiếp đến thăm Lebanon ngày 6-8, đã kêu các nước hãy gạt bỏ những mối lo ngại và đẩy nhanh tiến độ cứu trợ. Liên hợp quốc sẽ thực hiện biện pháp điều phối đảm bảo hàng viện trợ đến tận tay người dân. Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tuyên bố sẵn sàng tiếp tục cung cấp viện trợ để giúp đỡ người Lebanon, đồng thời kêu gọi người dân Lebanon hãy bình tĩnh vượt qua khủng hoảng. Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng sẵn sàng tăng gấp đôi nỗ lực cứu trợ để giúp Lebanon, nhưng chính quyền cần thể hiện sự sẵn sàng thực hiện cải cách.

Giới chuyên gia quốc tế đánh giá, vụ nổ ngày 4-8 không chỉ tạo ra thảm họa về nhân mạng, làm lún sâu khủng hoảng chính trị, xã hội, mà còn phơi bày sự thiếu tin tưởng từ các quốc gia đối với chính quyền Lebanon. Tham nhũng đang là “rào cản” lớn khiến viện trợ đến Lebanon chậm hơn. Chưa cần xét tới sự tàn phá khốc liệt của Covid-19, bức tranh Lebanon đã nhuốm màu u tối, nhất là khi “ngọn lửa” phẫn nộ trong nội bộ đất nước bùng cháy dữ dội hơn.

Thanh Trúc

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/tuong-lai-cua-lebanon-dang-bi-de-doa-post432031.html