Tương lai của Italy tại Eurozone lung lay trước 'cơn bão' chính trị

Italy cần nỗ lực giải quyết bế tắc chính trị hiện tại và duy trì tư cách thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Giữa bối cảnh Italy đang đối mặt với cuộc khủng hoảng chính trị chưa có hồi kết, một quan chức giấu tên từ Bộ Tài chính Mỹ ngày 29/5 cho rằng, nước này cần nỗ lực giải quyết bế tắc chính trị hiện tại và duy trì tư cách thành viên của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Theo kế hoạch, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin sẽ tham gia Hội nghị bộ trưởng tài chính Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) tại British Columbia, Canada vào cuối tuần này, với các vấn đề nổi cộm đang thu hút sự quan tâm là cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy và bất đồng trong quan hệ thương mại giữa Mỹ với một số nền kinh tế lớn.

Đảng cực hữu Liên đoàn và đảng dân túy phong trào 5 sao (M5S) vốn là đối thủ của nhau trong cuộc bầu cử ở Italy hồi tháng Ba năm nay. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, không chính đảng nào hội đủ số phiếu để thành lập chính phủ, nên bắt buộc phải liên minh.

Mâu thuẫn giữa hai đảng trên với Tổng thống Italy Sergio Mattarella đã khiến kế hoạch thành lập chính phủ liên minh sụp đổ, đồng thời làm dấy lên hoài nghi về khả năng ở lại Eurozone của Italy.

Theo quan chức giấu tên từ Bộ Tài chính Mỹ, tốt hơn hết là Italy nên ở lại Khu vực đồng tiền chung châu Âu ( Eurozone) và giải quyết cuộc khủng hoảng hiện tại mà không gây ra sự thay đổi đáng kể nào trong khối.

Bộ Tài chính Mỹ theo dõi sát diễn biến của cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy những chưa thấy mối đe dọa nào trước mắt tới sự ổn định của hệ thống tài chính nói chung.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng trung ương Italy, Ignazio Visco, đã đưa ra những đánh giá kỹ thuật về diễn biến kinh tế của Italy thời gian gần đây để gửi tới Liên minh châu Âu (EU) một thông điệp tích cực, đồng thời xoa dịu lo ngại của giới đầu tư về tình hình chính trị tại nước này.

Trong báo cáo được công bố ngày 29/5, ông Visco nhấn mạnh vận mệnh của Italy là vận mệnh của châu Âu. Italy là một phần của Eurozone và sự phát triển của Eurozone quyết định sự phát triển của Italy.

Dù có đưa ra những cảnh báo về niềm tin mong manh vào sự ổn định chính trị tại Italy, song ông Visco vẫn cho rằng quan ngại về kinh tế Italy đang bị thổi phồng quá mức.

Riêng ngày 28/5, các doanh nghiệp niêm yết trên sàn giao dịch chứng khoán Italy đã mất hơn 12 tỷ euro (13,9 tỷ USD) và lợi suất trái phiếu Chính phủ nước này leo lên mức cao nhất kể từ năm 2013, chủ yếu là do các nhà đầu tư ồ ạt bán trái phiếu của Italy khi lo ngại kịch bản một cuộc bầu cử sớm ở nước này vào tháng 9/2018 sẽ mang tới chiến thắng cho các chính đảng có quan điểm phản đối hay hoài nghi EU.

Tới phiên 29/5, lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Italy tăng 300 điểm cơ bản so với trái phiếu Đức và chỉ số FTSE MIB tại thị trường Milan (Italy) mất 2,7%, xuống 21.350 điểm.

Phản ứng của các nhà lãnh đạo châu Âu về cuộc khủng hoảng chính trị tại Italy lại khá chia rẽ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ủng hộ quyết định của người đồng cấp Italy và cho rằng ông Sergio Mattarella đang thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ hiến pháp quốc gia với sự "can đảm và tinh thần trách nhiệm".

Người phát ngôn của Thủ tướng Đức cho biết Berlin tôn trọng nền dân chủ của Italy và Chính phủ Đức sẽ cùng chờ đợi Chính phủ Italy mới và những ý tưởng mà chính phủ này sẽ mang tới cho các đối tác trong EU.

Ủy viên Ngân sách EU Guenther Oettinger kêu gọi các đối tác trong Eurozone nỗ lực để thuyết phục các cử tri Italy về giá trị của việc sử dụng đồng tiền chung, qua đó thể hiện sự ủng hộ với quan điểm thân EU của Tổng thống Italy.

Trong khi đó, theo quan điểm hoài nghi châu Âu, cựu lãnh đạo đảng Độc lập Vương quốc Anh (UKIP) Nigel Farage lại cho rằng đã đến lúc Italy cần tổ chức bầu cử lại.

Theo số liệu năm 2017, Italy là nền kinh tế lớn thứ ba Eurozone và lớn thứ 8 thế giới với tổng GDP 2.320 tỷ USD và dân số gần 60 triệu người. Italy cũng là một thành viên của NATO và nhóm G7.

Vậy nếu không trả được khoản nợ công 2.700 tỷ USD ( tính đến cuối tháng 3/2018) thì liệu nước này có được “cứu” như Hy Lạp hay không? Cho đến nay, sự giải cứu Italy đang là vấn đề trực tiếp mà các nước thành viên trong EU phải đối diện.

Tương lai của Italy hiện phụ thuộc chủ yếu vào sự kiên trì của các nhà lãnh đạo hai đảng League và M5S trong việc theo đuổi chương trình nghị sự đã được nhất trí của họ.

Sau quyết định từ bỏ việc thành lập chính phủ của ông Conte, Tổng thống Mattarella, người kiên định với đường lối Italy phải ở lại EU, đã triệu tập nhà kinh tế, trước đây đã làm việc cho Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Carlo Cottarelly, để nói về khả năng thành lập một chính phủ kỹ trị tạm thời khi Italy đối diện với khả năng phải tổ chức bầu cử vào mùa Thu tới.

Tuy nhiên ông Cottarelly sẽ phải vật lộn để giành được sự ủng hộ của Quốc hội, nơi League và M5S đang có đa số tại cả hai viện.

Đây là lần đầu tiên kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Italy phải tổ chức hai cuộc bầu cử lập pháp trong vòng một năm. Điều này cho thấy nền dân chủ của Italy bị “trục trặc”, nhưng đồng thời cũng báo trước một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng đang "thai nghén" trong lòng EU.

Minh Trang (Tổng hợp)

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/tuong-lai-cua-italy-tai-eurozone-lung-lay-truoc-con-bao-chinh-tri/86056.html