Tương lai của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper sau khi công khai đối đầu Tổng thống

Chiếc ghế Bộ trưởng Quốc phòng của ông Mark Esper đang có nguy cơ lung lay sau khi ông công khai tuyên bố không ủng hộ Tổng thống Trump điều động quân đội chính quy để trấn áp làn sóng biểu tình đang lan khắp nước Mỹ.

Người biểu tình đối mặt với Vệ binh Quốc gia tại Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: Sky news

Người biểu tình đối mặt với Vệ binh Quốc gia tại Minneapolis, bang Minnesota. Ảnh: Sky news

Hôm 3/6, phát biểu trong cuộc họp báo tại Lầu Năm góc, Bộ trưởng Quốc phòng Esper đã đưa ra quan điểm đối lập với Nhà Trắng khi nói rằng ông không ủng hộ Tổng thống sử dụng Đạo luật 1807 để huy động quân đội dập tắt làn sóng biểu tình bùng phát sau cái chết của công dân da màu George Floyd ngày 25/5. Ông Esper nhấn mạnh rằng quân đội chỉ nên được điều động tham gia thực thi pháp luật như một lựa chọn cuối cùng.

“Lựa chọn sử dụng lực lượng quân đội chính quy trong vai trò thực thi luật pháp chỉ nên được dùng như một giải pháp cuối cùng, và chỉ trong những tình huống khẩn cấp và nghiêm trọng nhất. Hiện tại chúng ta không rơi vào một trong những tình huống đó. Tôi không ủng hộ kích hoạt Đạo luật Chống bạo loạn”, Bộ trưởng Esper thẳng thắn nói.

Khi rạn nứt được công khai

Việc ông Esper công khai quan điểm phản đối Tổng thống Donald Trump càng dấy lên những đồn đoán về mối quan hệ không mấy mặn mà của hai người cũng như số phận của ông chủ Lầu Năm góc.

Tổng thống Trump được cho là đã mất niềm tin ở Bộ trưởng Esper từ trước khi ông có phát biểu công khai phản đối huy động quân đội trấn áp biểu tình. Ảnh: AP

Cùng ngày 3/6, họp báo tại Nhà Trắng, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany đã không trả lời trực tiếp câu hỏi liệu Tổng thống có còn tin tưởng Bộ trưởng Esper hay không, mà lấp lửng rằng “cho đến thời điểm hiện tại, Bộ trưởng Esper vẫn là Bộ trưởng Esper”. “Về việc liệu Tổng thống còn tin tưởng hay không, tôi sẽ nói rằng nếu ông ấy mất niềm tin vào Bộ trưởng Esper, tôi chắc chắn tất cả các bạn sẽ là người đầu tiên biết”, bà McEnany nói.

Theo một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng, ông Trump và các quan chức hàng đầu khác, bao gồm Cố vấn An ninh quốc gia Robert O’Brien, đã không hài lòng với Bộ trưởng Esper sau phát biểu nói trên, nhưng không phải là bức xúc với nội dung phát biểu, mà chủ yếu là việc ông Esper đã công khai mối rạn nứt với Tổng thống.

Trước đó, trong tuyên bố gây tranh cãi hôm 1/6, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định nếu người đứng đầu các bang hoặc thành phố từ chối “thực hiện những hành động cần thiết để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân”, ông sẽ kích hoạt Đạo luật Chống bạo loạn (Đạo luật 1807 - ra đời từ năm 1807), cho phép Tổng thống triển khai quân đội dẹp bạo loạn và vãn hồi trật tự.

Sau tuyên bố này, Bộ trưởng Esper và Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley đã đối mặt với một loạt câu hỏi và những lời chỉ trích. Về phần mình, ông Esper đã gọi vụ sát hại nạn nhân Floyd là “một tội ác kinh khủng” và rằng “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc là có thật ở Mỹ, chúng ta phải thừa nhận điều đó, đối mặt và xóa bỏ nó”.

Cùng ngày 3/6, cựu Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cũng bất ngờ "tấn công” Tổng thống Trump, gọi ông là “tổng thống đầu tiên mà tôi thấy trong đời không tìm cách đoàn kết người dân Mỹ, kể cả chỉ là giả vờ cố gắng”.

Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper. Ảnh: AP

Bộ trưởng Esper đối mặt nguy cơ bị sa thải

Phát biểu trong cuộc họp báo hôm 3/6 của Bộ trưởng Esper đã hướng sự chú ý tới số phận của ông. Trên thực tế, sự ủng hộ bên trong Nhà Trắng dành cho Mark Esper đã ngày một suy giảm ngay cả trước khi ông công khai quan điểm. Cả Tổng thống Trump và Cố vấn An ninh quốc gia O’Brien đều nhìn nhận ông Esper chưa hoàn toàn tận tâm thực hiện tầm nhìn của Tổng thống về quân sự.

Một nguồn tin cho biết, Nhà Trắng còn do dự chưa sa thải ông Esper, một phần là bởi cuộc khủng hoảng hiện tại và hơn nữa, chỉ còn 5 tháng nữa là đến cuộc bầu cử Tổng thống. Một nguồn tin khác cho rằng, Tổng thống có thể vẫn để ông Esper nắm giữ cương vị hiện tại nhưng tìm cách đổ lỗi cho ông. Ông Trump được cho là có tiền lệ để các quan chức cấp cao giữ nguyên vị trí trong một thời gian dài sau khi đã mất niềm tin vào họ.

Nhiều quan chức chính quyền cho biết, trong nhiều tháng qua, ông chủ Nhà Trắng đã mất niềm tin vào khả năng lãnh đạo quân đội của Bộ trưởng Esper, cho rằng ông có xu hướng né tránh cung cấp sự bảo vệ toàn diện dành cho Tổng thống và các chính sách của ông.

Những tuần gần đây, chính ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng đối với Bộ trưởng Quốc phòng Esper. Các trợ lý tổng thống cho rằng sự thất vọng này được thể hiện ngày càng nhiều trong những bình luận của ông Trump về làn sóng biểu tình đang diễn ra trên toàn quốc. Theo một số nguồn tin, Tổng thống Mỹ đã than phiền về ông Esper khi đến thăm Trại David vào cuối tuần qua.

Những lời phàn nàn này dấy lên câu hỏi về tương lai của Bộ trưởng Esper tại Lầu Năm góc tại thời điểm mà cơ quan này lẽ ra nên hỗ trợ ông Trump giành thắng lợi nhiệm kỳ 2. Việc công khai phản đối quan điểm của Tổng thống dấy lên đồn đoán rằng thời điểm ra đi của Bộ trưởng Esper có thể bị đẩy sớm hơn. “Tôi nghĩ đây là dấu chấm hết cho ông ấy”, một nguồn tin nói với CNN.

Trước đó, hồi tháng 12/2019, trả lời phỏng vấn kênh Fox News, ông Esper từng nói rằng "Tổng thống chỉ là một trong nhiều ông chủ mà tôi từng phục vụ, và bạn cần phải có thời gian để học cách làm việc ăn ý”.

Thu Hằng/Báo Tin tức (CNN, Time)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/tuong-lai-cua-bo-truong-quoc-phong-my-mark-esper-sau-khi-cong-khai-doi-dau-tong-thong-20200604174922788.htm