Tương lai chờ đợi chồng cựu công chúa Nhật Bản

Tương tự những người nước ngoài hành nghề luật sư ở Mỹ, Kei Komuro có thể vấp phải rào cản về mặt ngôn ngữ và cạnh tranh gay gắt với đồng nghiệp bản địa.

Kei Komuro, chồng cựu Công chúa Mako của Nhật Bản, đỗ kỳ thi lấy bằng luật sư ở bang New York vào tháng này, trong bối cảnh công chúng ở quê nhà đổ dồn sự chú ý vào anh, theo Nikkei Asia.

Điều này khiến luật sư Stephen Givens, giáo sư trợ giảng tại Trường Luật Đại học Keio ở Tokyo, suy ngẫm về những lời khuyên nghề nghiệp mà ông dành cho nhiều sinh viên Nhật Bản khi họ hỏi về tiêu chuẩn trở thành luật sư ở Mỹ trong hơn 20 năm qua.

Đối với những người đã hoặc đang cố gắng vượt qua kỳ thi luật sư ở Nhật Bản, câu trả lời cho việc có nên theo đuổi bằng cấp tại Mỹ rất dễ dàng: Nếu có thể dành thời gian, chi phí để lấy bằng thạc sĩ tại một trường luật của Mỹ và tham gia kỳ thi luật sư của tiểu bang nào đó thì đừng chần chừ thực hiện.

Đối với người có đủ điều kiện làm luật sư ở Nhật Bản, được gọi là “bengoshi”, bằng cấp từ trường luật cùng giấy phép hành nghề ở Mỹ giúp hồ sơ của họ thêm ấn tượng.

Tuy nhiên, với những người không có ý định thi luật sư ở Nhật Bản mà có lựa chọn tương tự Komuro, tức là thi lấy chứng chỉ chuyên môn tại xứ sở cờ hoa, lời khuyên khó khăn hơn.

“Tôi chẳng vui vẻ gì khi buộc phải làm tiêu tan hy vọng của hàng chục sinh viên luật Nhật Bản trong nhiều năm qua khi không khuyến khích họ theo đuổi nghề luật sư tại Mỹ. Nhưng tôi chắc chắn lời khuyên đau đớn của mình giúp nhiều người tránh được những cay đắng trong nghề nghiệp”, ông Givens nói.

 Kei Komuro rời nhà ở thành phố New York ngày 19/4. Anh sẽ gặp không ít trở ngại khi hành nghề luật sư ở Mỹ. Ảnh: MEGA/GC Images.

Kei Komuro rời nhà ở thành phố New York ngày 19/4. Anh sẽ gặp không ít trở ngại khi hành nghề luật sư ở Mỹ. Ảnh: MEGA/GC Images.

Rào cản

Theo luật sư Stephen Givens, trở ngại lớn nhất ngay cả khi vượt qua kỳ thi luật sư cấp bang của Mỹ là ngôn ngữ. Hành nghề luật sư đòi hỏi kỹ năng đọc, viết và trình bày bằng lời nói ở mức cao nhất bằng ngôn ngữ của cơ quan tài phán được đề cập, trong trường hợp này là tiếng Anh.

Nếu không được tiếp xúc và giáo dục bằng ngôn ngữ này ngay từ khi còn nhỏ, các luật sư nước ngoài sẽ gặp bất lợi lớn và thường bị loại khi so với những người bản ngữ được giáo dục tốt trong nhiều tình huống.

Luật sư phải đọc lướt hàng trăm trang về các phán quyết của tòa án hoặc quy định về thuế để tìm tài liệu tham khảo phù hợp nhằm hỗ trợ thân chủ; viết bản tóm tắt thuyết phục hoặc sửa đổi hợp đồng theo cách tinh tế để có lợi cho khách hàng; có văn bản tổng kết ấn tượng trước bồi thẩm đoàn. Các kỹ năng ngôn ngữ bắt buộc chỉ đơn giản là ngoài tầm với của hầu hết luật sư không phải là người bản xứ.

Ngoài ngôn ngữ, ông Givens chỉ ra vấn đề còn nằm ở năng lực.

Vì sao một người Nhật Bản học luật lại muốn tham dự kỳ thi luật sư ở New York thay vì quê nhà? Câu trả lời là kỳ thi ở Nhật khó hơn rất nhiều, cả về điểm tuyệt đối và tương đối. Nhiều người thi lấy bằng cấp của Mỹ thường làm như vậy bởi họ thiếu tự tin rằng bản thân có thể vượt qua kỳ thi luật sư trên đất nước mình.

Những người Nhật Bản có giấy phép hành nghề luật sư của Mỹ mà không đủ điều kiện như “bengoshi” phải chịu sự kỳ thị và mặc cảm trong ngành. Họ sống dưới giả định bất thành văn rằng không thể vượt qua kỳ thi tiếng Nhật nên phải thi lấy bằng cấp thấp hơn.

Công chúa Mako mất tước vị hoàng gia sau khi lấy chồng thường dân. Ảnh: The Asahi Shimbun.

Sự so sánh bất lợi với “bengoshi” sẽ không thành vấn đề nếu người Nhật đủ tiêu chuẩn làm luật sư Mỹ có thể cạnh tranh trực tiếp với các luật sư bản địa và phục vụ khách hàng ở xứ cờ hoa. Tuy nhiên, do khả năng tiếng Nhật vẫn thành thục hơn, hầu như luật sư có bằng cấp của Mỹ đều làm việc trong các dịch vụ pháp lý liên quan đến thương mại và đầu tư vào - ra khỏi Nhật Bản.

Ở đây, tin xấu là thị trường quốc tế Nhật Bản đang cạnh tranh gay gắt và dần thu hẹp trong 30 năm qua. Các thương vụ mua bán, sáp nhập và đầu tư bất động sản từ Nhật Bản, chẳng hạn như mua Columbia Pictures, Rockefeller Center và Pebble Beach đã là dĩ vãng.

Không chỉ có ít giao dịch hơn, kỹ năng tiếng Anh được cải thiện trong 3 thập kỷ qua đồng nghĩa với việc ít khách hàng Nhật Bản cần người trung gian song ngữ để làm cầu nối liên lạc với các luật sư Mỹ trong các giao dịch.

Internet, Zoom và các nền tảng dịch thuật AI tinh vi đang nhanh chóng làm xói mòn giá trị kinh tế của các trung gian song ngữ để phục vụ chức năng bắc cầu hoặc pháp lý.

Mặc dù khuyên Kei Komuro từ bỏ con đường đã chọn, ông Givens ngưỡng mộ sự kiên trì của anh dưới áp lực quá lớn từ truyền thông. Vợ chồng cựu Công chúa Mako nên thở phào nhẹ nhõm và ăn mừng.

Truyền thông Nhật Bản cho biết bằng cách vượt qua kỳ thi luật sư ở New York, Komuro, hiện làm thư ký luật tại công ty quy mô trung bình của Mỹ ở khu vực New York, đã đảm bảo cho mình công việc và thu nhập ổn định với tư cách luật sư.

“Lời khuyên của riêng tôi dành cho Komuro là hãy cân nhắc xóa bỏ khoản đầu tư để lấy chứng chỉ luật sư ở New York để khám phá các lựa chọn nghề nghiệp ở đô thị lớn nhất nước Mỹ, bên ngoài thị trường pháp lý quốc tế hẹp của Nhật Bản. Tại sao không đầu tư mạo hiểm, tư vấn hoặc quản lý phòng trưng bày Greenwich Village có các nghệ sĩ Nhật Bản?”, ông Givens kết luận.

Thiên Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/tuong-lai-cho-doi-chong-cuu-cong-chua-nhat-ban-post1370039.html