Tương lai bền vững từ dịch vụ môi trường rừng

Việc tìm ra các nguồn thu phi truyền thống từ dịch vụ môi trường rừng và giảm phát thải mở ra tương lai phát triển bền vững với ngành Lâm nghiệp Việt Nam.

 Ngày hội trồng rừng tại Yên Bái. Ảnh: Đặng Bình giz.

Ngày hội trồng rừng tại Yên Bái. Ảnh: Đặng Bình giz.

Lần đầu được quốc tế chi trả giảm phát thải từ rừng 51,5 triệu USD

Với khoản tài chính 51,5 triệu USD cam kết trong Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ (gọi tắt là ERPA) do Quỹ Các-bon thuộc Quỹ Đối tác các-bon Lâm nghiệp (FCPF) tài trợ chính thức được ký kết tháng 10/2020, Việt Nam lần đầu tiên trong lịch sử được quốc tế chi trả giảm phát thải từ rừng.

Đây được coi là sự kiện đặc biệt với ngành Lâm nghiệp Việt Nam, thể hiện nỗ lực cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc giảm phát thải. Cùng với việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật theo luật pháp thông lệ quốc tế, Việt Nam từ bây giờ đã có thể chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn thực thi dựa vào thực tế phát thải CO2. Đây là nguồn bổ sung thêm rất có ý nghĩa với người trồng rừng tại 6 tỉnh Bắc Trung Bộ của Việt Nam.

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới, bà Carolyn Turk đánh giá, thỏa thuận giữa Ngân hàng thế giới và Việt Nam đánh dấu sự khởi đầu của một chương mới đối với Việt Nam trong việc huy động nguồn lực mới cho bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng và quản lý rừng bền vững, qua đó giúp Việt Nam đạt được mục tiêu giảm nhẹ biến đổi khí hậu với khát vọng lớn.

ERPA được ký kết nhằm chuyển nhượng lượng giảm phát thải 10,3 triệu tấn CO2e từ vùng Bắc Trung Bộ giai đoạn 2018 - 2024 cho FCPF, với tổng số tiền nhận từ FCPF là 51,5 triệu USD, trong đó, Bộ NN-PTNT với tư cách là chủ Chương trình và Ngân hàng Thế giới với tư cách là cơ quan được FCPF ủy thác.

Thứ trưởng Thường trực Bộ NN-PTNT Hà Công Tuấn và Giám đốc Quốc gia Ngân hàng thế giới, Bà Carolyn Turk ký kết thỏa thuận khoản tài chính 51,5 triệu USD cam kết trong Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ. Ảnh: Nguyên Huân.

Việc thực hiện ERPA sẽ tạo ra nguồn tài chính bổ sung quan trọng cho ngành Lâm nghiệp để đầu tư trực tiếp vào rừng, hình thành thị trường các-bon trong nước và tham gia thị trường các-bon thế giới. Lợi ích kinh tế trực tiếp sẽ đem lại là tăng thu nhập cho các chủ rừng, người dân và doanh nghiệp thông qua kết quả giảm phát thải, nâng cao năng suất rừng trồng, cải thiện sinh kế bền vững.

Về mặt xã hội, thực hiện ERPA giúp mang lại hiệu quả lớn về mặt xã hội trong khu vực Bắc Trung Bộ nói riêng và Việt Nam nói chung, trong đó điểm nhấn là nâng cao nhận thức của các cấp chính quyền, cơ quan quản lý, chủ rừng, cộng đồng, hộ gia đình, khu vực tư nhân về giá trị dịch vụ các-bon rừng, hiểu được lợi ích và giá trị kinh tế, môi trường do rừng mang lại.

Về môi trường, ERPA góp phần bảo vệ diện tích rừng hiện có và nâng cao độ che phủ của rừng vùng Bắc Trung Bộ. Cải thiện chất lượng rừng thông qua việc trồng mới, phục hồi rừng, tăng cường chức năng phòng hộ và giá trị sinh thái của rừng, giảm nhẹ các tác động của biến đổi khí hậu. Được sử dụng tối đa 95% tổng lượng chuyển quyền giảm phát thải theo ERPA để thực hiện cam kết của Việt Nam trong thực hiện Thỏa thuận Paris và Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) của Việt Nam.

Thỏa thuận cũng góp phần thu hút lao động nông thôn, tạo việc làm tham gia bảo vệ và phát triển rừng, hạn chế tình trạng lấn chiếm đất rừng trái phép, qua đó góp phần tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo, ổn định sản xuất và đời sống, ổn định chính trị, củng cố an ninh, quốc phòng. ERPA là thỏa thuận vừa có tính chất hỗ trợ vừa có tính thương mại đối với lượng giảm phát thải từ rừng được triển khai trong phạm vi 6 tỉnh và duy trì trong thời gian tương đối dài, ít nhất đến hết năm 2025.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiền lần nhấn mạnh, Việt Nam không đánh đổi môi trường lấy mục tiêu tăng trưởng kinh tế bằng mọi giá. Do đó, quan điểm nhất quán là từ nay đến ít nhất năm 2030 không khai thác gỗ rừng tự nhiên và quản lý chặt việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng cho các dự án kinh tế, nhất là các dự án thủy điện.

Trên cơ sở những thắng lợi đầu tiên trong việc triển khai được chính sách, cơ chế chi trả dịch vụ môi trường rừng, bán được tín chỉ các-bon CO2 cho quốc tế tại các tỉnh Bắc Trung Bộ, ngành lâm nghiệp coi đây là một tiêu chính, quan trọng để phát triển bền vững trong giai đoạn tiếp theo bởi tỷ lệ che phủ rừng của Việt Nam về cơ bản cũng đã đến giới hạn. Bên cạnh bán tín chỉ cho các tổ chức quốc tế, tới đây Ngành lâm nghiệp sẽ triển khai thí điểm bán tín chỉ CO2 nội địa tại Việt Nam.

Dấu ấn 9 năm chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng

Trước thỏa thuận chi trả giảm phát thải Chương trình giảm phát thải vùng Bắc Trung Bộ do Quỹ Các-bon thuộc Quỹ Đối tác các-bon Lâm nghiệp tài trợ chính thức được ký kết tháng 10/2020, Việt Nam cũng đạt được thành công to lớn mang tính lịch sử với chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng (DVMTR) từ năm 2011.

Xuất phát từ Tổ chức Winrock International, được sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ), đã hỗ trợ Việt Nam xây dựng thí điểm chi trả DVMTR theo Quyết định số 380/QĐ-TTg ngày 10/4/2008 của Thủ tướng Chính phủ tại tỉnh Sơn La và Lâm Đồng.

Sau hai năm thí điểm, Dự án được tổng kết rút kinh nghiệm và đánh giá là thành công. Ngày 24/9/2010 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2010/NĐ-CP về chính sách chi trả DVMTR có hiệu lực từ ngày 01/01/2011.

Với việc ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP ngày 14/01/2008 của Chính phủ về Quỹ bảo vệ phát triển rừng và Nghị định 99, lần đầu tiên ở Việt Nam, giá trị môi trường của hệ sinh thái rừng được thể chế hóa, hình thành DVMTR để đưa vào đời sống xã hội, tạo mối quan hệ kinh tế giữa bên cung ứng dịch vụ và bên sử dụng DVMTR, tạo cơ sở khoa học, cơ sở pháp lý, hình thành nguồn lực tài chính xã hội hóa bền vững phục vụ BV&PTR.

Trong hơn 9 năm qua, chi trả DVMTR đã trở thành một chính sách lớn, đáp ứng nhu cầu thực tiễn, được các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân đồng tình ủng hộ và thực hiện, nhân dân hưởng ứng và tham gia mạnh mẽ. Chính sách nhanh đi vào cuộc sống và đạt được những thành tựu được ghi nhận, đưa chi trả DVMTR là một trong 10 thành tựu nổi bật nhất của ngành NN-PTNT trong giai đoạn 2011-2015 và tiếp tục giữ vững là một trong những lĩnh vực hàng đầu của ngành lâm nghiệp.

Chi trả DVMTR tiếp tục được Luật hóa trong Luật Lâm nghiệp năm 2017, khi quy định DVMTR là hoạt động cung ứng các giá trị sử dụng của môi trường rừng, bao gồm các loại dịch vụ: “Bảo vệ đất, hạn chế xói mòn và bồi lắng lòng hồ, lòng sông, lòng suối; điều tiết, duy trì nguồn nước cho sản xuất và đời sống xã hội; hấp thụ và lưu giữ các-bon của rừng; giảm phát thải khí nhà kính từ hạn chế mất rừng và suy thoái rừng, quản lý rừng bền vững, tăng trưởng xanh; bảo vệ, duy trì vẻ đẹp cảnh quan tự nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học hệ sinh thái rừng cho kinh doanh dịch vụ du lịch; cung ứng bãi đẻ, nguồn thức ăn, con giống tự nhiên, nguồn nước từ rừng và các yếu tố từ môi trường, hệ sinh thái rừng để nuôi trồng thủy sản”.

Để thực hiện chi trả DVMTR dưới hình thức chi trả gián tiếp bằng cơ chế ủy thác thông qua Quỹ BV&PTR, ngày 14/01/2008 Chính phủ đã ban hành Nghị định số 05/2008/NĐ-CP về Quỹ BV&PTR nhằm “Huy động các nguồn lực của xã hội để BV&PTR, góp phần thực hiện chủ trương xã hội hóa nghề rừng; nâng cao nhận thức và trách nhiệm đối với công tác BV&PTR của những người được hưởng lợi từ rừng hoặc có các hoạt động ảnh hưởng trực tiếp đến rừng; nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý, sử dụng và bảo vệ rừng cho các chủ rừng, góp phần thực hiện chiến lược phát triển lâm nghiệp”.

Quỹ BV và PTR là quỹ tài chính Nhà nước ngoài ngân sách; tổ chức, hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, không vì mục đích lợi nhuận và do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định thành lập; Quỹ BV&PTR Việt Nam do Bộ trưởng Bộ NN và PTNT thành lập ở cấp Trung ương; Quỹ BV&PTR ở cấp tỉnh do Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định thành lập; nguồn tài chính hình thành Quỹ BV&PTR từ tiền chi trả DVMTR và các nguồn khác.

Ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý và bảo vệ rừng. Ảnh: Đặng Bình giz.

Trong 8 năm, từ năm 2012 đến năm 2019, cả nước đã thu gần 14.000 tỷ đồng tiền DVMTR từ 871 hợp đồng ủy thác chi trả DVMTR, bình quân mỗi năm thu được 1.550 tỷ đồng chiếm khoảng 20% tổng đầu tư toàn xã hội cho ngành lâm nghiệp để chi trả cho chủ rừng và hộ nhận khoán bảo vệ rừng. Đây là nguồn thu lớn giúp cho ngành lâm nghiệp có nguồn tài chính bền vững cho bảo vệ rừng.

Tiền quản lý phí chiếm 8,9% thấp hơn quy định tối đa là 10,5%; số tiền còn lại chủ yếu là chi trả cho chủ rừng là tổ chức nhà nước như các ban quản lý rừng hoặc CTLN chiếm tới 62,7% và hộ gia đình, cộng đồng dân cư chiếm tới 20,1%.

Những diện tích rừng mà các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp khoán cho người nhận khoán là hộ gia đình, cộng đồng dân cư các ban quản lý rừng, công ty lâm nghiệp phải trả cho người nhận khoán theo diện tích khoán với đơn giá bằng 90% mức chi trả tiền DVMTR cho 1ha. Như vậy, trên thực tế hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nhận tiền từ DVMTR là 5.366 tỷ đồng, trong đó 1.824 tỷ đồng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư là chủ rừng; 3.342 tỷ đồng cho hộ gia đình, cộng đồng dân cư nhận khoán bảo vệ rừng. Năm 2018 mức chi trả bình quân cho 1ha rừng là 400.000 đồng.

Thực tế cho thấy, trong những năm qua do thực hiện chi trả DVMTR, công tác bảo vệ rừng ở nhiều địa phương đã có sự chuyển biến tích cực, góp phần giảm số vụ vi phạm và giảm diện tích rừng bị thiệt hại. Nghiên cứu tại 4 tỉnh Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang và Hà Giang cho thấy số vụ phá rừng ở diện tích rừng được chi trả DVMTR giảm hơn so với diện tích rừng không được chi trả DVMTR, trong đó, số vụ phá rừng ở các khu rừng được trả tiền DVMTR giảm 30% so với số vụ phá rừng ở những khu rừng không được chi trả DVMTR. Điều này đã chứng tỏ chính sách chi trả DVMTR có tác động tích cực, làm tăng hiệu quả của công tác bảo vệ rừng bằng việc thu hút được lực lượng lớn lao động tham gia bảo vệ rừng ở những khu rừng được chi trả DVMTR.

Đến hết tháng 12/2019, đã thành lập Quỹ BV&PTR Trung ương trực thuộc Bộ NN-PTNT, 45 Quỹ BV&PTR tỉnh, trong đó 17 Quỹ trực thuộc UBND cấp tỉnh, 28 Quỹ trực thuộc Sở NN-PTNT. Đặc điểm cơ bản của Quỹ BV&PTR là không sử dụng tiền ngân sách Nhà nước. Nguồn thu thực tế bền vững từ 1.284 tỷ đồng năm 2011, hàng năm đều tăng từ 15 đến 20%, đến năm 2019 đã thu được 2.801 tỷ đồng, 9 tháng đầu năm 2020 thu đạt trên 1.400 tỷ đồng.

Đăng Quân

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/trang-4-5-tuong-lai-ben-vung-tu-dich-vu-moi-truong-rung-d278872.html