Tương lai bất ổn của Huawei bắt đầu bộc lộ tại châu Âu và châu Á

Việc kinh doanh smartphone của Huawei sẽ ra sao là thắc mắc của nhiều người sau hàng loạt động thái từ Mỹ và các đối tác như Google, ARM. Tương lai bất ổn đã bắt đầu bộc lộ tại nhiều nước châu Âu và châu Á.

Phát biểu với TechRadar hồi đầu tuần, trang Music Magpie tiết lộ họ chứng kiến lượng giao dịch smartphone Huawei tăng mạnh trong vòng 24 giờ sau khi Google tuyên bố rút giấy phép Android. Website ghi nhận mức tăng 154% và đến khoảng 1 giờ chiều (giờ địa phương), thiết bị Huawei được bán nhiều hơn mọi thương hiệu khác.

Huawei P20, flagship ra mắt năm 2018, là một trong các món hàng phổ biến nhất. Các mẫu khác, bao gồm cả dòng Mate, “hạ cánh” trong danh sách 10 thiết bị “hot” nhất ngày.

Theo ADSLZone, các lệnh cấm áp đặt lên Huawei bắt đầu tác động tiêu cực đến hoạt động tại Tây Ban Nha. Trong 36 giờ, có hơn 10.000 đơn hàng Huawei bị hủy trên website Tây Ban Nha của Amazon. Hơn nữa, chiến dịch Prime Day quy mô mà Huawei lên kế hoạch hợp tác với Amazon cũng được cho là đã dừng lại. Ngoài ra, Huawei còn tạm ngưng tất cả chiến dịch quảng cáo tại các nhà bán lẻ và trên mạng tại nước này, trong đó có cả quảng cáo tập trung vào P30 Pro.

Trang El Pais lại đưa tin doanh số smartphone Huawei tại các cửa hàng địa phương như El Corte Inglés và Mediamarkt (Tây Ban Nha) giảm từ 50% đến 70% sau các tin tức bất lợi. Tệ hơn, khách hàng Tây Ban Nha còn trả lại hơn 15.000 thiết bị Huawei cho Amazon trong vài ngày qua.

Tại châu Á, hai trong số các nhà mạng lớn nhất Nhật Bản – SoftBank và KDDI – được cho là đã hoãn bán một số thiết bị Huawei, trong đó có Huawei P30 Lite. Giống với Vodafone và EE tại Anh, nguyên nhân là bất ổn xoay quanh việc hỗ trợ tương lai cho thiết bị.

Huawei dường như cũng đang đối mặt với khủng hoảng nhỏ tại Singapore, nơi nhiều người dùng gấp rút bán lại thiết bị bất chấp thực tế các máy hiện tại vẫn được cập nhật bảo mật và truy cập dịch vụ Google. Điều thú vị là các nhà bán lẻ và cửa hàng sửa chữa lại từ chối mua vì theo một nhân viên bán hàng, nếu “họ mua thứ gì vô dụng”, rất khó để bán lại về sau. “Không phải vì sản phẩm Huawei tệ, nó rất tốt, chỉ là không ai muốn mua nó bây giờ vì chính sách của Mỹ”. Tình hình căng thẳng tới mức người này thừa nhận anh đang cố bán số thiết bị Huawei còn trong kho ra nước ngoài, nơi khách hàng chưa biết nhiều về các vụ việc gần đây.

Một nhân viên khác tiết lộ ngày bình thường có khoảng 5 thiết bị Huawei được mang đến để bán lại. Song kể từ chủ nhật, con số tăng lên 20 máy mỗi ngày. Anh cũng chỉ ra, thông thường mọi người muốn “đổi máy cũ lấy máy mới” nhưng trong những ngày qua, họ mang những chiếc máy đời mới nhất đi đổi.

Tại Philippines, nhiều nhà bán lẻ không chấp nhận mua lại điện thoại Huawei vì khách hàng của họ không có hứng thú. Nếu chấp nhận, họ chỉ chấp nhận các thiết bị giảm giá tối thiểu 50% vì bán chúng khó như chơi bạc.

Du Lam (Theo PhoneArena)

Nguồn ICTNews: https://ictnews.vn/kinh-doanh/tuong-lai-bat-on-cua-huawei-bat-dau-boc-lo-tai-chau-au-va-chau-a-183026.ict