Tướng Iran Soleimani bị giết đẩy Mỹ vào vòng luẩn quẩn 'đến-đi' ở Iraq

Việc quân đội Mỹ rút lui vì bất cứ lý do gì đều có thể làm tê liệt cuộc chiến chống IS và giúp nhóm phiến quân cực đoan này quay trở lại.

Sự hiện diện của quân đội Mỹ ở Trung Đông đang bị đe dọa khi hôm qua (5/1), Quốc hội Iraq đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầm chấm dứt sự hiện diện quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ Iraq. Động thái này diễn ra trong bối cảnh thủ lĩnh Phong trào Hezbollah Hassan Nasrallah lên tiếng cảnh báo quân đội Mỹ trên toàn khu vực sẽ phải trả giá sau cái chết của Tướng Iran .

Một binh sĩ Mỹ. Ảnh minh họa: AP.

Một binh sĩ Mỹ. Ảnh minh họa: AP.

Hassan Nasrallah nói rằng các căn cứ, tàu chiến và binh lính của Mỹ ở Trung Đông đều là những mục tiêu ngang nhau. Cuối ngày 5/1, ít nhất 3 vụ nổ đã làm rung chuyển thủ đô Baghdad ở Iraq, còi báo động hú vang ở khu vực ven sông Tigris. Các vụ nổ dường như do súng cối và rocket gây ra bên trong khu vực Vùng Xanh – nơi có Đại sứ quán Mỹ cùng Đại sứ quán các nước khác và trụ sở Chính phủ Iraq. Không có báo cáo về thương vong, đó là cuộc tấn công thứ 2 như vậy chỉ trong 1 ngày.

Theo Nasrallah, những chiến binh tấn công tự sát từng buộc người Mỹ rời khỏi khu vực hiện vẫn còn ở lại trong khu vực và số lượng cũng tăng lên. Không rõ vụ đánh bom tự sát mà Nasrallah đề cập là vụ nào, nhưng một cuộc tấn công hồi năm 1983 nhằm vào một doanh trại lính thủy đánh bộ của Mỹ ở Beirut, Lebanon, đã giết chết 241 quân nhân Mỹ và khiến Tổng thống Ronald Reagan phải quyết định rút toàn bộ lực lượng về nước.

“Khi lính Mỹ đến, họ đi theo hàng dọc và trở về Mỹ theo chiều ngang (trong những chiếc quan tài – ND) thì Trump và chính quyền của ông ta biết rằng họ đã thua ở khu vực và sẽ thua trong bầu cử”, Nasrallah nói. “Thường dân Mỹ trong khu vực không nên bị coi là mục tiêu bởi nếu tấn công họ thì sẽ vô tình tạo lợi thế cho ông Trump”.

Những bình luận đầu tiên của Nasrallah sau cái chết của Tướng Soleimani được ghi hình tại một địa điểm bí mật và được phát trên màn hình lớn cho hàng nghìn tín đồ Hồi giáo dòng Shiite ở miền nam Beirut, Lebanon theo dõi. Lời cảnh báo này cũng đến đúng vào lúc Quốc hội Iraq bỏ phiếu thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi trục xuất quân đội Mỹ khỏi nước này – động thái có thể mở đường cho sự hồi sinh của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Nghị quyết này yêu cầu Chính phủ Iraq chấm dứt thỏa thuận với Mỹ, theo đó cho phép Washington phái cử các lực lượng đến Iraq để giúp nước này chống lại những phần tử cực đoan IS. Trong khi đó, giữa các mối đe dọa báo thù từ Iran, liên minh quân sự do Mỹ lãnh đạo ở Iraq hôm 5/1 cho biết, họ đang tạm “treo” cuộc chiến chống IS để tập trung bảo vệ quân đội và căn cứ của chính mình.

Trước đó, trong một bài phát biểu trước các nhà lập pháp tại Quốc hội Iraq, Thủ tướng Adel Abdul-Mahdi nói rằng sau khi Tướng Soleimani bị sát hại, Chính phủ Iraq có hai lựa chọn: chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài ở Iraq hoặc hạn chế nhiệm vụ huấn luyện của quân đội nước ngoài cho lực lượng Iraq. Ông kêu gọi các biện pháp khẩn cấp để loại bỏ các lực lượng nước ngoài - bao gồm cả khoảng 5.200 lính Mỹ.

Ngay trước cuộc bỏ phiếu của Quốc hội Iraq, khi được hỏi liệu Mỹ có tuân thủ yêu cầu của Chính phủ Iraq để quân đội Mỹ rút đi hay không, Ngoại trưởng Mike Pompeo không trả lời trực tiếp mà chỉ nói rằng Mỹ đang theo dõi tình hình.

“Mỹ là nước đã sẵn sàng giúp đỡ người dân Iraq để họ có được những gì họ xứng đáng được hưởng và sẽ tiếp tục sứ mệnh của chúng tôi ở đó để tiêu diệt khủng bố IS và những nhóm cực đoan khác trong khu vực”, ông Pompeo nói.

Mỹ tiếp tục vòng luẩn quẩn “đến-đi”

Ông Abdul-Mahdi đã từ chức năm ngoái khi các cuộc biểu tình chống Chính phủ nhấn chìm Baghdad và các tỉnh miền Nam nước này. Tuy nhiên, các phe phái chính trị ở nước này đã không thể nhất trí về một Thủ tướng mới và ông Mahdi đã tiếp tục công việc trong vai trong vai trò Thủ tướng lâm thời. Các chuyên gia cho rằng một Chính phủ như vậy không được ủy quyền hợp pháp để ký thông qua một luật như vậy [chấm dứt sự hiện diện của quân đội nước ngoài trên lãnh thổ Iraq-ND].

Các lực lượng Mỹ đã rút khỏi Iraq năm 2011 nhưng đã trở lại vào năm 2014 theo lời mời của Chính phủ nước này để giúp chống lại IS sau khi tổ chức khủng bố này chiếm giữ các khu vực rộng lớn ở phía Bắc và phía Tây của đất nước, bao gồm cả Mosul – thành phố lớn thứ hai của Iraq. Không quân Mỹ đã yểm trợ các lực lượng Iraq (bao gồm cả các nhóm dân quân được Iran hậu thuẫn) để cùng đánh bại IS trong chiến dịch kéo dài suốt 3 năm đầy tốn kém.

Quân đội Mỹ rút lui có thể làm tê liệt cuộc chiến chống IS và giúp nhóm phiến quân cực đoan này quay trở lại. Các chiến binh có liên hệ với IS ẩn náu trong sa mạc và vùng núi hiểm trở thường xuyên thực hiện các cuộc tấn công ở miền Bắc và miền Tây Iraq. Với năng lực còn hạn chế, các lực lượng Iraq vẫn phải dựa phần nhiều vào hỗ trợ hậu cần và vũ khí từ phía Mỹ.

Một cuộc rút lui của Mỹ cũng có thể cho phép Iran tăng cường ảnh hưởng ở Iraq – quốc gia có đa số dân là người Shiite giống như Iran.

Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, một thành viên của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện trả lời Fox News cho rằng, cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội Iraq dường như có liên quan đến Iran.

“Chính phủ Iran đang cố gắng về cơ bản chiếm lấy hệ thống chính trị của Iraq. Iran đang thao túng các chính trị gia Iraq. Người dân Iraq đừng cho phép các chính trị gia của các bạn bị Iran thao túng”, ông Graham nói.

Đa số trong khoảng 180 nhà lập pháp có mặt tại phiên bỏ phiếu của Quốc hội Iraq đã ủng hộ việc “cấm cửa” quân đội nước ngoài. Phần đông các nghị sĩ trong Quốc hội Iraq là người Shiite, nhiều nhà lập pháp người Sunni và người Kurd đã không có mặt trong phiên họp, dường như để phản đối nghị quyết.

Việc sát hại vị tướng quyền lực nhất của Iran mà Thủ tướng Abdul-Mahdi gọi là "vụ ám sát chính trị" đánh dấu bước chuyển về chính sách của Mỹ bằng cách leo thang căng thẳng từ cuộc xung đột vốn bị coi là "chiến tranh ủy nhiệm" và qua đó đặt ra mối nghi ngờ về khả năng tiếp tục duy trì binh sĩ của Mỹ ở Iraq./.

Hùng Cường/VOV.VN (biên dịch)
Nguồn: AP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/tuong-iran-soleimani-bi-giet-day-my-vao-vong-luan-quan-dendi-o-iraq-997644.vov