Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm được công nhận là bảo vật quốc gia

Thủ tướng vừa có quyết định công nhận 27 hiện vật, nhóm hiện vật là bảo vật quốc gia đợt 8, đợt xét duyệt năm 2019. Trong đó có tượng đôi sư tử đá chùa - đền Bà Tấm (niên đại thế kỷ XII, xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội).

Đền - chùa Bà Tấm nằm ở phía Đông Bắc ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thành phố chừng 16km. Đền và chùa tọa lạc trong cùng một khuôn viên rộng và thoáng mát, gần quốc lộ 5. Diện tích khoảng trên dưới 2 ha.

Tượng đôi sư tử đá chùa Bà Tấm có kích thước lớn (cao 110, rộng 140cm). Sư tử có trán lạc đà ngắn, giữa trán chạm chữ "Vương" để biểu hiện quyền năng tối thượng của linh vật tầng trên. Chiếc mũi lớn bè, chạm nhiều đường cong. Miệng sư tử mở rộng, để lộ răng, lưỡi đỡ viên ngọc, tai kiểu thú đặt trên mang bạnh.

Điểm xuyết trên mang là các hoa văn dấu hỏi cùng chạy về một tâm. Chân sư tử có 5 móng gà. Theo Phật giáo, sư tử là hiện thân của sức mạnh trí tuệ. Song, với những biểu tượng của tinh tú trên thân, sư tử đá chùa Bà Tấm còn mang ý nghĩa cõng bầu trời chuyển động.

Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Tượng đôi sư tử đá đền - chùa Bà Tấm (xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội) được công nhận là bảo vật quốc gia.

Với bộ tượng này, người nghệ nhân xưa đã thể hiện tài nghệ điêu khắc khéo léo, khi thì gợn nhỏ tựa lưng vào nhau thành đường viền quanh miệng, khi thì to sù lên ở vai, khi lại xếp thành những bông hoa hé nở ở móng và chân, khiến cho người xem có ấn tượng vật đang sống và thở nhịp nhàng.

Cùng được công nhận là bảo vật quốc gia với tượng đôi sư tử đá chùa-đền Bà Tấm còn có: Sưu tập nha chương (Niên đại: Văn hóa Phùng Nguyên, khoảng 3.500 năm cách ngày nay, hiện lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ); Trống đồng Quảng Chính (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, khoảng Thế kỷ III - II trước Công nguyên hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh); Trống đồng Trà Lộc (Niên đại: Văn hóa Đông Sơn, cách ngày nay khoảng 2.500 năm, hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Quảng Trị, thuộc Trung tâm quản lý Di tích và Bảo tàng tỉnh Quảng Trị); Linga - Yoni gỗ Nhơn Thành (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ V, hiện lưu giữ tại Bảo tàng thành phố Cần Thơ); Tượng Phật gỗ Giồng Xoài (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ IV - VI; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang); Tượng Phật đá Khánh Bình (Niên đại: Văn hóa Óc Eo, Thế kỷ VI - VII; hiện lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh An Giang); Tượng sư tử đá chùa Hương Lãng (Niên đại: cuối Thế kỷ XI - đầu Thế kỷ XII, hiện lưu giữ tại chùa Hương Lãng, xã Minh Hải, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên)...

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/tuong-doi-su-tu-da-den-chua-ba-tam-duoc-cong-nhan-la-bao-vat-quoc-gia/840852.antd