Tưởng đau cổ vai gáy do ngồi 'bàn giấy', đi khám bất ngờ phát hiện bệnh rỗng tủy hiếm gặp

Thấy đau vùng cổ, vai, gáy, ban đầu chị H. (41 tuổi, ở Hà Nội) chỉ nghĩ do thay đổi thời tiết và ngồi nhiều. Thế nhưng khi đi khám, chị bất ngờ phát hiện mắc căn bệnh hiếm gặp, tỷ lệ mắc 8,4/100.000 người.

Chụp MRI tại Hệ thống y tế Thu Cúc (ảnh minh họa)

Chụp MRI tại Hệ thống y tế Thu Cúc (ảnh minh họa)

Ngày 12-4, Hệ thống y tế Thu Cúc cho biết, hệ thống này vừa tiếp nhận điều trị một nữ bệnh nhân mắc căn bệnh rỗng tủy – một căn bệnh mạn tính hiếm gặp ở tủy sống với tỷ lệ mắc rất ít: 8,4/100.000 người.

Bệnh nhân là chị H.T.H., 41 tuổi, nhân viên văn phòng ở Hà Nội. Chị H. có tiền sử khỏe mạnh nhưng từ 2 tháng nay bắt đầu xuất hiện triệu chứng đau vùng cổ gáy, nhức vai phải. Cứ nghĩ do đặc thù công việc ngồi nhiều và thay đổi thời tiết dẫn đến đau mỏi cơ, chị H. có cân đối nghỉ ngơi, xoa bóp, chườm ấm vùng đau…

Tuy nhiên, tình trạng bệnh không giảm mà còn thấy hiện tượng giảm sức cơ tay phải khi lao động. Chị H. đến Phòng khám Đa khoa Thu Cúc (32 Đại Từ, Hà Nội) thăm khám thì được bác sĩ phát hiện thêm nhiều triệu chứng bất thường khác như: mất cảm giác nóng lạnh tại tay phải, mất cảm giác đau tại tay phải dù có bị đứt tay, phản xạ gân xương tại tay phải cũng suy giảm nghiêm trọng.

Đặc biệt, sau khi chụp cộng hưởng từ (MRI), hình ảnh đoạn tủy sống của chị H. từ khu vực cột sống cổ gáy đến giữa lưng hình thành hốc rỗng chứa đầy dịch tủy, các dịch này tích lại thành các khoang và nang hốc. Đây là biểu hiện đặc trưng của căn bệnh rỗng tủy.

Bệnh nhân được tư vấn thăm khám định kỳ thường xuyên 2 tháng/lần, chụp MRI 6 tháng/lần để đánh giá và bổ sung các loại vitamin nhóm B, sử dụng một số loại thuốc giúp làm giảm triệu chứng đau mỏi, tê bì; hạn chế công việc phải cúi ngửa nhiều… Nếu bệnh tiến triển nặng hơn sẽ phải chỉ định can thiệp ngoại khoa để hút dịch

Theo TS.BS Nguyễn Vũ, Phó trưởng khoa Ngoại Thần kinh Cột sống - Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, có nhiều nguyên nhân gây ra căn bệnh rỗng tủy, trong đó một số lượng không nhỏ là nguyên nhân vô căn (tức là không xác định được nguyên nhân).

Đây là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Hiện có 2 phương pháp điều trị bệnh là điều trị bằng nội khoa và ngoại khoa. Khi điều trị nội khoa không đỡ sẽ tiến hành điều trị ngoại khoa, bởi nếu không được phẫu thuật, bệnh rỗng tủy sống thường dẫn đến yếu tay và chân tiến triển, mất cảm giác bàn tay và đau, yếu mạn tính.

Duy Tiến

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/tuong-dau-co-vai-gay-do-ngoi-ban-giay-di-kham-bat-ngo-phat-hien-benh-rong-tuy-hiem-gap-post463364.antd