Tượng danh tướng có công dụng trấn yểm?

TP - Tượng đài anh hùng lịch sử hoành tráng có nhiều, nhưng ít ai chú trọng việc biến các bức tượng này thành vật phẩm văn hóa, lưu niệm.

Tượng Lý Thường Kiệt và tượng Võ Nguyên Giáp của Trần Văn Thức có điểm chung ở cánh tay giơ lên cao. Ảnh: N.M.Hà

Bốn mẫu tượng có công dụng này của Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Quang Trung và Võ Nguyên Giáp đang trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam để tiếp tục trưng cầu dân ý trước khi trở thành sản phẩm hàng loạt.

Dự án làm tượng Danh tướng Việt Nam do Hội quán Di sản cùng Circle Group thực hiện vừa trình làng 4 mẫu thành phẩm đầu tiên tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam (28A Điện Biên Phủ, Hà Nội) từ nay đến hết 24/2 để tiếp tục lấy ý kiến chuyên gia và người dân.

Tượng Lý Thường Kiệt và tượng Võ Nguyên Giáp của Trần Văn Thức có điểm chung ở cánh tay giơ lên cao. Ảnh: N.M.Hà

Bên cạnh hai mẫu thu nhỏ tượng đài Trần Hưng Đạo (của Vương Duy Biên) và Quang Trung (của Vương Học Báo) vẫn sừng sững tại Nam Định và Hà Nội, là hai mẫu mới của Trần Văn Thức.

Về quá trình định hình khuôn mặt Lý Thường Kiệt, anh Trần Văn Thức (tốt nghiệp khoa Điêu khắc ĐH Mỹ thuật Việt Nam năm 2008) cho hay: “Từ các dữ liệu trong sử sách, nghe các nhà sử học nói về tinh thần, con người của cụ cộng với giác quan của nghệ sĩ, tôi cảm nhận và thể hiện. Cụ là ái quan có tinh thần chiến đấu, hoạt động chính trị rất mạnh. Khuôn mặt thanh tú nhẹ nhàng nhưng cử chỉ quyết đoán, thể hiện khí phách”.

Một số chuyên gia trong đó có ba trợ lý của tướng Giáp có mặt trong buổi lễ công bố tác phẩm và đóng góp những ý kiến đầu tiên. “Hình ảnh Đại tướng giản dị như một người lính bình thường, chỉ khác cái là có quân hàm 4 sao,” anh Trần Thanh Tùng, chủ nhiệm dự án nhận định.

“Đấy cùng là một đặc điểm của văn hóa Việt chúng ta- đi vào sự mộc mạc, thể hiện con người là chính chứ không phải ở trang phục hay gì khác”. Tuy nhiên, anh Tùng công nhận một số sản phẩm cùng loại của Trung Quốc đẹp ở sự cầu kỳ tinh xảo và các anh “đang tiếp tục đi tìm vẻ đẹp của người Việt”.

Trần Thanh Tùng- người sáng lập Hội quán Di sản- khẳng định chưa tiếp tục làm thêm tượng các danh tướng khác mà tiếp tục hoàn thiện những mẫu đã có. Bên cạnh đó, nhóm sẽ tiếp tục sáng tác thêm nhiều mẫu với kiểu dáng khác nhau vẫn về 4 vị danh tướng đó.

“Chúng tôi chủ trương làm sâu chứ không làm theo chiều rộng, không đi theo số lượng”, anh nói. “Sau đợt công bố này, còn gì khiếm khuyết chúng tôi sẽ hoàn thiện tiếp”. Anh cũng hy vọng sự đón nhận của cộng đồng sẽ thúc đẩy nhiều tổ chức khác bắt tay vào làm những dự án tương tự.

Trần Thanh Tùng nói: “Giới trẻ bây giờ cần nhìn, vì vậy chúng ta cần biến hình ảnh của những anh hùng thành vật phẩm văn hóa. Đó là cách đưa văn hóa vào đời sống để thay thế những thứ chúng ta mượn của phương Bắc. Tại sao chúng ta đặt tượng ông Quan Vân Trường bảy hư ba thực mà không phải là vị thánh Việt?! Nhiều người bảo tượng của ta không đẹp, thì chúng ta phải làm đẹp để cho người dân hiểu và sử dụng. Đó là một trong những cách để giữ văn hóa. Và chỉ có dân gian giữ văn hóa là tốt nhất. Cái gì tốt, cộng đồng đón nhận sẽ lan tỏa”.

Ngoài việc để làm vật lưu niệm, bày cho đẹp, những người tham gia thực hiện dự án Danh tướng Việt Nam cũng nghĩ đến khả năng người dân có thể dùng sản phẩm của dự án vào hoạt động tâm linh. “Ai có lòng tin, thấy các vị có một nhân cách có thể trị an trong lòng mình, cho khu vực mình thì có thể đem về nhà trấn yểm như tượng Phật Bà, tượng Quan Công”, tác giả tượng Lý Thường Kiệt nói.

Dưới mỗi mẫu tượng có phần chú giải bằng tiếng Anh và tiếng Việt về vị danh tướng. Đáng tiếc phần giới thiệu về Đại tướng Võ Nguyên Giáp còn khá nhiều lỗi. Ngay từ dòng đầu tiên “Võ Nguyên (1911-2013).

Ông là Đại tướng đầu tiên của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Tức là thiếu tên Đại tướng. Rồi “đánh thắng nhiều đế quốc với những trận thắng trấn động địa cầu”…

Nguồn Tiền Phong: http://www.tienphong.vn/van-nghe/tuong-danh-tuong-co-cong-dung-tran-yem-678188.tpo