Tượng đài người mẹ, người vợ trong bài hát 'Màu hoa chiến công'

Bài hát như lời tự sự của một người phụ nữ chịu đựng nhiều mất mát, hy sinh khi người đàn ông của mình không trở về.

Ca sỹ Trang Viên vừa ra mắt bài hát đầy cảm xúc về những người phụ nữ trong chiến tranh, (Ảnh: NVCC)

Ca sỹ Trang Viên vừa ra mắt bài hát đầy cảm xúc về những người phụ nữ trong chiến tranh, (Ảnh: NVCC)

Trong rất nhiều bài hát về những người lính đã hy sinh quên mình cho Tổ quốc gần đây, ca khúc “Màu hoa chiến công” do ca sỹ Trang Viên sáng tác và thể hiện đã gây xúc động sâu sắc cho người nghe.

Tác phẩm này đã được phát sóng trên kênh truyền hình Quốc phòng và được lồng vào một chương trình “Đi tìm đồng đội.”

Ca sỹ Trang Viên sinh ra trong một gia đình có truyền thống Cách mạng ở Tuyên Quang, với người cha là dũng sỹ diệt Mỹ, người bác ruột (anh trai của mẹ) là liệt sỹ. Chính những tình cảm chân thành đã khiến cô viết ra những lời ca từ trái tim mình và cất lên tiếng hát như tiếng lòng đồng cảm với mẹ mình, bác mình và biết bao những người phụ nữ khác.

“Sự thật của chiến tranh thật thật tàn khốc, biết bao anh hùng, liệt sỹ đã hy sinh máu xương và tuổi thanh xuân của mình cho Tổ quốc, cho hòa bình. Đằng sau những chiến công đó là nỗi đau của những người mẹ, người vợ. Nghĩ đến điều đó, tôi rất xúc động,” ca sỹ chia sẻ.

Tuy sinh ra ở thời bình nhưng cô luôn biết ơn và tưởng nhớ đến những chiến sỹ bộ đội Cụ Hồ, cô tự hào vì trong gia đình mình có những người đã đứng lên vì Tổ quốc.

“Câu chuyện trong bài hát là câu chuyện của gia đình tôi và biết bao gia đình nữa. Tôi đã hát bằng cảm xúc trào dâng và niềm tự hào được là một người con của đất Việt,” cô nói.

Tình cờ một lần xem truyền hình, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Đăng Tấn đã nghe bài hát này và rất xúc động. Ông cho rằng lời ca hầu như chỉ là lời ghi chép lại một câu chuyện chân thật, là hiện thực cuộc đời. Trong bài hát, ta bắt gặp hình tượng người mẹ và người vợ.

“Trang Viên đã mở đầu bài hát bằng câu ‘mẹ ngóng đợi anh về, sao anh chẳng về thăm,’ như một lời trách quặn thắt cõi lòng. Người mẹ, người vợ đã biết sự hy sinh của người lính là thật, nhưng trong thâm tâm vẫn luôn hy vọng rằng anh sẽ trở về. Hy vọng chính là sự an ủi đối với họ,” ông nói.

Bên cạnh những cảm xúc của người mẹ, tác giả bài hát cũng viết về người vợ với sự chờ đợi khắc khoải.

“Tôi rất ấn tượng khi tác giả dùng hình ảnh màn đêm để mô tả nỗi nhớ. Đêm là không gian cho sự nhớ nhung được đẩy lên cao nhất. Trang Viên liên tục đặt câu hỏi ‘Anh ở đâu? Anh ở đâu?’ Giai điệu âm nhạc như được dồn nén lại, khiến chúng ta day dứt,” nhà thơ phân tích.

Ông đánh giá bài hát trang nghiêm, không ủy mị, không bi quan. Lời ca và giai điệu quyện vào nhau, tha thiết, sâu lắng và tự hào.

“Có thể nói bài hát đã dựng lên một tượng đài về người vợ, người mẹ. Họ nhớ đấy, thương đấy nhưng đầy kiêu hãnh tự hào khi ‘tên anh hóa thành tên đất nước,’ thành ‘màu hoa chiến công’,” ông nói./.

Nữ ca sỹ tên thật là Hoàng Thị Trang Viên, hiện cô là giáo viên, giám đốc truyền thông, từng đạt giải trong một cuộc thi sắc đẹp. Từ nhỏ, cô đã thích làm thơ, viết văn. Cô là học sinh giỏi văn, có nhiều bài viết đăng trên các tạp chí, các báo. Năm 2018, Trang Viên đã xuất bản tập thơ “Đêm mặn,” đó cũng là nền tảng, xúc cảm cho cô sáng tác và viết nhạc.

Trang Viên đang dự định ra mắt thêm một tập thơ và phối khí lại tác phẩm “Màu hoa chiến công.” Cô cũng sẽ thu âm và quay MV tái hiện lại nội dung câu chuyện.

Ca sỹ Trang Viên thể hiện bài hát "Màu hoa chiến công"

Minh Thu (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/tuong-dai-nguoi-me-nguoi-vo-trong-bai-hat-mau-hoa-chien-cong/699268.vnp