Tượng đài liệt sĩ ở Quảng Ninh

Quảng Ninh hiện có một hệ thống tượng đài liệt sĩ phong phú, trong đó có những bức đã thể hiện trình độ khái quát mỹ thuật rất cao.

Đại diện gia đình và dòng tộc họ Vũ từ Nam Định ra Hạ Long dâng hương tượng đài liệt sĩ Vũ Văn Hiếu.

Đại diện gia đình và dòng tộc họ Vũ từ Nam Định ra Hạ Long dâng hương tượng đài liệt sĩ Vũ Văn Hiếu.

Người có đóng góp nhiều nhất trong hệ thống các tượng đài liệt sĩ ở Quảng Ninh là nhà điêu khắc Lý Xuân Trường. Ông đã dựng 3 tượng đài liệt sĩ Hoàng Thị Hồng Chiêm, đặt tại TP Móng Cái năm 1980; tượng đài Nguyễn Văn Thuộc, đặt tại phường Hà Lầm, TP Hạ Long, năm 1982; tượng đài Hà Quang Vóc đặt tại Đầm Hà năm 1985. Tượng liệt sĩ Hà Quang Vóc bằng chất liệu xi măng, cao 2,2m, đứng trên bệ cao 2,8m làm bằng đá hoa cương. Tượng có thế đứng hiên ngang, ngực ưỡn về phía trước, đầu ngẩng cao, mắt nhìn thẳng, mình mặc quân phục đặc công, đầu đội mũ tai bèo, lưng đeo ba lô, tay phải giữ bộc phá đeo bên hông phải, tay trái cầm lựu đạn để trước bụng. Với niềm say mê của mình, nhà điêu khắc Lý Xuân Trường đã dồn hết tâm huyết và tài năng vào những công trình. Tượng của nhà điêu khắc Lý Xuân Trường dựng luôn có vẻ khoáng đạt, rộng mở giống như tính cách của ông vậy.

Tại Hạ Long, có tượng đài Vũ Văn Hiếu của nhà điêu khắc Phạm Sinh. Nhà điêu khắc Phạm Sinh cho biết, ông thiết kế tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu được làm dạng bán thân cao bằng đồng đỏ nguyên chất nặng 1,7 tấn, đặt trên bệ đá hoa cương nguyên khối cao 6m, tứ diện trạm khắc họa tiết mô phỏng hình dạng vỉa than, phong cảnh Vịnh Hạ Long. Khuôn viên khu vực đặt tượng còn có các hạng mục phụ trợ: Sân hành lễ, cây xanh, hệ thống giao thông, hạ tầng kỹ thuật, điện chiếu sáng... Tượng đài gần công viên hoa Hạ Long, nằm trên địa bàn phường Bạch Đằng, trên cơ sở quỹ đất của Thư viện Quảng Ninh (cũ) có mối liên kết chặt chẽ với đài liệt sĩ Quảng Ninh, tổng thể chia 2 khu vực là sân vui chơi và khu hành lễ. Khuôn viên tượng đài được Công ty TNHH MTV Môi trường TKV thi công.

Công trình mới nhất là tượng đài Đặng Bá Hát của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Nhà điêu khắc cho biết ông đã dùng vỏ của những quả bom đã nổ để tạo hình thành những bông hoa gọi là “hoa chiến thắng”. Trên người các chiến sĩ tự vệ có những chiếc lá ngụy trang mang hình trái tim chứa đựng tinh thần yêu nước. Chân dung nhân vật chính là anh hùng Đặng Bá Hát được làm bằng đá theo hướng vươn lên. “Dưới ánh sáng của tình yêu nước chúng ta hãy tiến lên để hiến dâng trái tim cho Tổ quốc. Vì vậy tôi thiết kế những trái tim hóa thành hoa chiến thắng, thành ca khúc khải hoàn. Mà không chỉ người thợ mỏ ca khúc khải hoàn, tôi còn xây dựng hình tượng đồng bào các dân tộc Quảng Ninh cùng chung niềm vui chiến thắng. Tôi thiết kế những trái tim ấy bằng thủy tinh để luôn phát ra ánh sáng khi có mặt trời chiếu vào”- nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chia sẻ.

Tượng đài anh hùng Đặng Bá Hát tại TP Hạ Long.

Ở Cẩm Phả có tượng đài liệt sĩ Vũng Đục của nhà điêu khắc Kiều Sỹ Khuê. Công trình là khối kiến trúc và tạo hình mỹ thuật của hai mảng phù điêu dạng. Biểu tượng là hai cánh chim hải âu đang tung cánh bay lên trời xanh, biểu hiện sự khát vọng tự do. Hai phù điêu, mỗi cánh dài 1,4m, cao 2,6m, chất liệu bằng bê tông cốt thép. Phù điêu gồm hai phần: Phần 1 thể hiện, dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm sau 1936 - 1948, những cuộc đấu tranh của thợ mỏ liên tiếp nổ ra đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống đánh đập, chống bắt lính và phần 2 thể hiện khí tiết những người cộng sản kiên cường, kiêu hãnh trước giờ phút bị giặc Pháp hành hình. Sau đó tượng đài tiếp tục được tôn tạo phần kiến trúc phụ trợ và nền bằng đá, làm mới toàn bộ hệ thống đường lên, sân và hàng rào lan can bằng vật liệu đá xanh. Đài tưởng niệm được xây trên một mỏm đá rộng gần 100m2, cao hơn mặt nước biển 14m, mặt quay ra Vũng Đục, nơi các chiến sỹ cộng sản bị giặc Pháp thủ tiêu.

Tượng đài liệt sĩ và phù điêu tại Vũng Đục.

Tại Quảng Yên, có tượng đài Anh hùng liệt sĩ Đỗ Thị Sinh (bí danh là Minh Hà) đặt trong khuôn viên Trường THPT Minh Hà (xã Cẩm La) do nhà điêu khắc Khổng Đỗ Tuyền (giảng viên Đại học Mỹ thuật Việt Nam) thực hiện. Không chỉ có tính nghệ thuật tạo hình cao, bức tượng còn thể hiện trong tư thế thật oai phong lẫm liệt, như vẫy gọi những thế hệ trẻ dưới mái trường hãy vươn tới tương lai, học tập và phấn đấu vì quê hương, Tổ quốc. Tượng đài được làm bằng chất liệu đá trắng nguyên khối, đứng toàn thân, cao 2,7m, bệ tượng 1,3m. Bục tượng cao 0,6m bằng đá của vùng đá Lục Yên tỉnh Yên Bái. Nội dung tượng được sáng tác theo hình ảnh Đỗ Thị Sinh đang độ thanh xuân tuổi hai mươi. Công trình được đánh giá hài hòa, thể hiện được thần thái người nữ chiến sĩ cách mạng và mang đậm nét đặc trưng chân dung người nữ phụ nữ cán bộ lãnh đạo thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp với trang phục áo bà ba, quần ống rộng, trên tay phải là cuốn tài liệu tuyên truyền cách mạng, tay trái nắm nhẹ thể hiện tính cách quyết đoán của người chiến sĩ cộng sản.

Bên cạnh đó, Quảng Ninh còn có tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu của Mai Ngọc Trọng đặt tại phường Hà Tu (TP Hạ Long); đài liệt sĩ Hạ Long do nhà điêu khắc Lê Hiệp thực hiện năm 2000 (chất liệu bê-tông, cao 21m); tượng đài liệt sĩ Ngô Huy Tăng tại Cửa Ông (TP Cẩm Phả) đài tưởng niệm liệt sĩ Pò Hèn cao 16m bằng bê tông cốt thép, ốp đá trắng, quay mặt về hướng Bắc, có hình tượng ba bàn tay chụm vào nhau, ngôi sao năm cánh vàng tươi ở chính giữa đặt tại xã Hải Sơn, TP Móng Cái; tượng đài trung tướng Nguyễn Bình trong một ngôi trường THPT mang tên ông tại xã Thủy An và tượng đài cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ được xây dựng tại khuôn viên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Cừ (phường Mạo Khê, TX Đông Triều).

Nhìn chung, tất cả các tượng đài vừa kể không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân của nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đối với các anh hùng liệt sĩ mà còn tạo ra một địa điểm tâm linh để người dân và du khách đến tham quan, vãng cảnh.

Phạm Học

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/chinh-tri/201907/tuong-dai-liet-si-o-quang-ninh-2449390/