Tường biên giới làm suy yếu năng lực quân Mỹ?

Để thực hiện một lời hứa với cử tri Mỹ, tổng thống Trump quyết định cắt ngân sách của nhiều công trình quân sự quan trọng và kết quả là khả năng sẵn sàng đối đầu với các đe dọa từ hai đối thủ tiềm tàng là Nga và Trung Quốc bị giảm sút.

Một máy bay C-130 của quân đội Mỹ dỡ hàng tại căn cứ Yokota, Nhật Bản ngày 28/8. Ảnh: US Air Force

Một máy bay C-130 của quân đội Mỹ dỡ hàng tại căn cứ Yokota, Nhật Bản ngày 28/8. Ảnh: US Air Force

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết thực hiện lời hứa lúc tranh cử là xây một bức tường dọc biên giới Mỹ-Mexico để ngăn dòng người nhập cư bất hợp pháp, điều mà phe đối lập luôn chỉ trích là không cần thiết, bằng cách “chuyển hướng” 3,6 tỷ USD vốn là ngân sách chi cho quân đội. Có thông tin nói rằng vì bức tường của ông Trump, một số công trình, dự án đặc biệt quan trọng, nhắm tới việc ngăn ngừa các nguy cơ từ hai đối thủ tiềm tàng của nước Mỹ là Nga và Trung Quốc đã bị ảnh hưởng.

Cụ thể, theo Business Insider, hàng triệu USD lẽ ra được đầu tư cho các dự án quân sự ở châu Âu, ví dụ các thao trường ở Bulgaria, dự án Tác chiến đặc biệt ở nước sát nách Nga là Estonia, và các cơ sở bảo dưỡng tiêm kích tàng hình F-22 tại Đức là vài trong số nhiều dự án bị cắt kinh phí, chuyển tiền sang xây tường biên giới. Và đương nhiên cái giá mà Mỹ phải trả cho việc này là sự sẵn sàng của NATO trong việc chống lại Nga, quốc gia trong mắt nhiều người Mỹ là đang “diễu võ dương oai” ở châu Âu.

Các dự án ở châu Á cũng chịu chung số phận, mặc dù nhiều người Mỹ cho rằng mối nguy từ Trung Quốc đối với lực lượng của họ ngày càng gia tăng. Trung Quốc được cho là đang phát triển các loại vũ khí không chỉ đe dọa các cơ sở quân sự Mỹ ở đảo Guam và quần đảo Hawaii, mà còn đe dọa các đồng minh của Mỹ trong khu vực.

Các dự án bị cắt ngân sách

Novo Selo là một trong những căn cứ ở Bulgaria cho phép quân Mỹ và các đồng minh trong NATO cùng huấn luyện và nhanh chóng đáp trả các mối nguy từ các lực lượng Nga đồn trú ở Crimea, chỉ cách đó hơn 300km. Lực lượng Mỹ ở châu Âu mới đây đã kết thúc đợt tập trận Saber Guardian, diễn ra tại Novo Selo và một số địa điểm khác trên lãnh thổ Bulgaria, Romania và Hungary. Đối với căn cứ này, ngân sách theo kế hoạch 5,2 triệu USD đầu tư cho kho đạn dược sẽ bị cắt để chuyển cho quỹ xây tường.

Căn cứ không quân Mihail Kogalniceanu ở Romania cũng bị cắt ngân sách lẽ ra được chi đầu tư công trình phục vụ hậu cần, tiếp tế đạn dược cho các loại phi cơ chiến đấu.

Căn cứ Mihail Kogalniceanu nằm ở vị trí gần Biển Đen, nơi các lực lượng Mỹ trú đóng và huấn luyện nhằm đối đầu với các mối nguy từ Nga. Nó cũng là trung tâm trung chuyển vũ khí và lính Mỹ. Ví dụ, hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD của Mỹ đặt tại Romania được vận chuyển qua căn cứ Mihail Kogalniceanu.

Nhưng để ông Trump thực hiện lời hứa xây tường trước cử tri Mỹ, một trong những cam kết mà tổng thống Mỹ cho là rất quan trọng trong cuộc đua vào nhiệm kỳ hai, chính phủ của ông đã tước đi 21,65 triệu USD ngân sách lẽ ra đã có kế hoạch chi cho việc xây dựng cơ sở hậu cần tiếp tế đạn dược cho các máy bay chiến đấu của Mỹ và đồng minh. Số tiền này còn là ngân sách cho việc xây đường dẫn (taxi way) đảm bảo cho vận tải cơ quân sự C-17 có thể tiếp cận để chuyển vũ khí. Đây là một trong những yêu cầu quan trọng, mang tính sống còn nếu Mỹ muốn duy trì khả năng đáp trả nhanh chóng trước các động thái từ quân đội Nga.

Và mặc dù Mỹ đã bố trí quân đồn trú tại Nhật Bản từ sau Thế chiến II, bản thân Nhật là một đồng minh quan trọng trong việc đối đầu với Trung Quốc ở khu vực Thái Bình Dương, ngân sách chi cho các công trình quân sự của Mỹ tại Nhật cũng bị cắt giảm.

Tính tổng thể, Mỹ đang chuyển hướng hơn nửa tỷ USD đầu tư vào các công trình quân sự ở Nhật Bản cho ngân quỹ xây tường biên giới. Trong số này, có 23,7 triệu USD lẽ ra được chi cho dự án nhà chứa máy bay C-130J tại căn cứ không quân Yokota. C-130 là các máy bay vận tải chủ lực, “con ngựa thồ” của quân đội Mỹ, chịu trách nhiệm vận chuyển lính, hàng hóa tới mọi nơi trên thế giới, và trong nhiều trường hợp là phòng cấp cứu di động.

Các căn cứ, cơ sở quân sự ở Hàn Quốc, một đồng minh quan trọng khác tại Đông Bắc Á của Mỹ, cũng chịu chung số phận. Ví dụ: Lẽ ra khu bảo quản, nhà chứa máy bay không người lái tại căn cứ không quân Kunsan đã được đầu tư 53 triệu USD để nâng cấp, nay bị cắt để chi xây tường. Trong khi đó, máy bay không người lái, thứ vũ khí đắt đỏ của quân đội Mỹ, ngày càng được sử dụng thường xuyên hơn trong nhiệm vụ do thám, trinh sát để đối đầu với các đối thủ tiềm tàng ở khu vực, trong đó có Trung Quốc và Triều Tiên.

Anh Minh

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/hanh-trang-nguoi-linh/tuong-bien-gioi-lam-suy-yeu-nang-luc-quan-my-1462191.tpo