Tưởng bị trĩ thông thường, người phụ nữ ở Hà Nội sốc khi phát hiện bị ung thư trực tràng giai đoạn 2

Khi nghe thông báo kết quả khám và sinh thiết mẫu bệnh phẩm, bà L bị sốc bởi bà không tin mình có thể mắc phải căn bệnh ác tính này.

Mới đây, thông tin từ Bệnh viện Bưu điện cho biết, trong đợt khám và tư vấn miễn phí các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng vừa diễn ra tại bệnh viện (từ ngày 6-15/5), đơn vị này đã tiếp đón gần 500 bệnh nhân ở các lứa tuổi đến khám, trong đó phát hiện hơn 300 trường hợp mắc bệnh, gần 100 trường hợp trong số đó có chỉ định phẫu thuật cắt polyp nội soi, đặc biệt phát hiện 1 trường hợp ung thư trực tràng.

Đó là trường hợp của bà Nguyễn Thị L. (ở Đồng Đa – Hà Nội) được chẩn đoán ung thư trực tràng giai đoạn 2. Khi nghe thông báo kết quả khám và sinh thiết mẫu bệnh phẩm, bà L bị sốc bởi bà không tin mình có thể mắc phải căn bệnh ác tính này.

Bác sĩ bệnh viện Bưu điện đang khám các bệnh lý hậu môn, trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Bác sĩ bệnh viện Bưu điện đang khám các bệnh lý hậu môn, trực tràng cho bệnh nhân. Ảnh: BVCC

Theo bà L, bà phát hiện mình đại tiện ra máu từ nhiều năm nay nhưng cho rằng đó là dấu hiệu của bệnh trĩ mà người cao tuổi thường hay mắc nên đã không đi khám mà tự điều chỉnh chế độ ăn uống và làm theo những hướng dẫn mà những người cũng bị bệnh này chia sẻ. Tuy nhiên, bệnh tình của bà L không những không thuyên giảm mà ngày càng tiến triển nặng.

Các bác sĩ cho biết, với trường hợp của bà L, rất may được phát hiện chưa phải ở giai đoạn quá muộn nên hy vọng sau khi mổ cắt đoạn trực tràng tổn thương và nạo vét hạch qua nội soi, kết quả điều trị của bệnh nhân sẽ khả quan.

Việc chủ quan không đi khám sớm mà tự ý chữa tại nhà khiến bệnh ngày càng nặng thêm như bà L không phải là hiếm. Trong đợt khám lần này, các bác sĩ cũng tiếp nhận và điều trị cho nhiều bệnh nhi có dấu hiệu bệnh nặng thêm do sự thiếu hiểu biết, tự chữa bệnh tại nhà của bố mẹ.

Như trường hợp của bé T.T.D (2 tuổi, ở Hà Nội) bị táo bón, 4-5 ngày mới đi ngoài và đi ngoài ra máu. Nghĩ đơn giản con mắc triệu chứng thông thường của trẻ nhỏ và có thể bị trĩ nhẹ nên mẹ bé đã tự chữa cho con bằng cách lấy lá đắp và mua thuốc co trĩ dạng gel bôi cho con. Tuy nhiên, càng chữa bố mẹ bé càng thấy búi trĩ của con ngày càng lòi ra.

Tại bệnh viện, các bác sĩ cho biết, bé D bị trĩ do chế độ ăn uống mất cân đối, thiếu rau xanh, uống không đủ lượng nước cần thiết, chỉ cần thay đổi chế độ ăn uống là bệnh sẽ được cải thiện.

Theo ThS.BS Phạm Trường Giang, Trưởng Khoa Ngoại Tổng hợp (Bệnh viện Bưu điện), các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng như: Bệnh trĩ, rò hậu môn (mạch lươn), áp xe cạnh hậu môn, nứt kẽ hậu môn, đại tiện khó, táo bón, đau hậu môn không rõ nguyên nhân, các khối u vùng trực tràng, hậu môn… ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe, tâm lý của một bộ phận không nhỏ người dân trong cộng đồng.

Tuy nhiên, vì bệnh lý xuất hiện tại vùng nhạy cảm trên cơ thể nên hầu hết người bệnh đều có tâm lý e ngại, không muốn đi khám, không chia sẻ thông tin với thầy thuốc. Đây là nguyên nhân khiến tình trạng các bệnh lý vùng hậu môn, trực tràng càng nặng hơn gây đau đớn, khó chịu, ảnh hưởng xấu đến chất lượng sống của người bệnh.

Do đó, BS Giang khuyến cáo người dân, nếu thấy có bất cứ dấu hiệu nào như đại tiện khó, táo bón, đau hậu môn, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhất là khi phát hiện đại tiện ra máu thì phải đến bệnh viện khám ngay. Bởi đi ngoài ra máu chính là một trong các dấu hiệu của bệnh ác tính vùng hậu môn, trực tràng.

Để phòng ngừa ung thư trực tràng cũng như các bệnh lý đường tiêu hóa khác, theo các bác sĩ, mọi người nên hạn chế ăn nhiều thịt, chất béo có nguồn gốc từ đạm động vật; bổ sung đầy đủ chất xơ từ lúa mạch, trái cây, rau xanh, các vitamin E, C, và A đồng thời duy trì chế độ sinh hoạt khoa học, luyện tập thể dục thường xuyên để giúp cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, chống lại các tác nhân gây bệnh.

Mai Thùy

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/song-khoe/tuong-bi-tri-thong-thuong-nguoi-phu-nu-o-ha-noi-soc-khi-phat-hien-bi-ung-thu-truc-trang-giai-doan-2-20190517171717875.htm